“Các anh kiếm ông Hai Thật tù oan hả? Đi thẳng hết vùng ruộng này rồi rẽ trái…” - một thanh niên đang chăm ruộng nho chỉ đường cho chúng tôi vào nhà ông Trịnh Quang Thật (SN 1930), 1 trong 6 nạn nhân vụ án oan gây chấn động dư luận ở Ninh Thuận.
“Cảnh nhà chúng tôi thê lương lắm”
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ heo hút ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, người đàn ông đã quá tuổi thượng thọ không cầm được nước mắt khi nhắc chuyện cũ.
Năm 1980, ông Thật và các ông Lê Văn Thường (SN 1941), Lê Phước Thọ (SN 1948, em ruột ông Thường), Phạm Đức (SN 1940), Trịnh Quang Ri (SN 1938, em cùng cha khác mẹ với ông Thật) và Lý Thế (anh em bạn rể với ông Thường) là những cán bộ chủ chốt của HTX Nông nghiệp thôn Vạn Phước. Một buổi chiều tháng 6, trên đường đi làm về, ông Nguyễn Giáo, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phước Thuận, bị lựu đạn gài sẵn phát nổ dẫn đến tử vong. Dù không có chứng cứ rõ ràng nhưng 6 người nêu trên vẫn bị Cơ quan CSĐT tỉnh Thuận Hải (năm 1992 tách thành 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận) bắt giam, quy tội giết ông Giáo vì mâu thuẫn trong công tác.
Ông Ri bị giam 8 tháng, ông Thế bị giam 13 tháng thì được trả tự do. Riêng ông Thật bị kết án tử hình, ông Thọ 18 năm tù, ông Đức 13 năm và ông Thường 8 năm. Gần 3 năm sau, tòa phúc thẩm khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng hủy án sơ thẩm. Cuối cùng, VKSND tỉnh Thuận Hải ra quyết định đình chỉ vụ án, trả tự do cho cả 4 người. “Sáu anh em tôi bị tù oan xem như là phận số không may nhưng còn các con thì quá trái ngang vì mang tiếng có cha giết người” - ông Thật ấm ức.
Con trai cả của ông Thật là Trịnh Ngọc Dũng (SN 1956) lúc đó đang học năm thứ 4 Trường Đại học An ninh thì bị trả về. Cha ở tù, mẹ đau yếu, các em nhỏ dại nên anh Dũng đành bấu víu vài sào đất để nuôi gia đình. “Hơn 30 năm rồi nhưng tôi cứ ngỡ chuyện mới hôm qua. Có lẽ cả đời này tôi không thể nào quên được cái ngày phải vác ba lô rời khỏi trường, cúi mặt không dám nhìn ai vì mang tiếng là con của… quân giết người” - anh Dũng chua xót. “Thằng Hùng, em kế Dũng, lúc đó đang công tác ở công an huyện cũng bị ra khỏi ngành; 5 đứa còn lại thì dang dở việc học…” - ông Thật nói thêm.
Ngoài gia đình ông Thật, hàng chục phận người trong vụ án oan này cũng lâm cảnh oan trái. Ông Đức vào tù, 5 con nhỏ bơ vơ. Ông Thọ bị giam chỉ vài tháng thì vợ bỏ đi, để lại 2 đứa con nhỏ. Vợ ông Thường cũng bỏ chồng, đứa con nhỏ nhất bị bệnh chết, 6 đứa còn lại bơ vơ. “Hồi đó, cảnh nhà chúng tôi thê lương lắm. Họ tộc ra đường cứ cúi đầu mà đi. Có xích mích nhỏ với chòm xóm cũng ráng câm nín vì láng giềng cứ dè bỉu… “cái thứ giết người”...” - ông Thật nghẹn lời.
Chỉ cho chúng tôi xem tấm Huy chương Kháng chiến hạng nhất và Kỷ niệm chương Chiến sĩ bị địch bắt tù, đày ở Côn Đảo, ông Thật trút nỗi niềm: “Tôi đã từng vào sinh ra tử vì lý tưởng cách mạng nên vẫn tin có ngày mình được minh oan”. Ngày ấy đã đến khi năm 2006, các ông Thật, Thọ, Đức và Trường được TAND tỉnh Ninh Thuận xin lỗi và bồi thường. Riêng các ông Ri và Thế đến nay tuy đã nhận bồi thường nhưng vẫn chưa được xin lỗi.
Mòn mỏi chờ bồi thường
Cho đến bây giờ, thương binh Nguyễn Thành Trung (SN 1952, ngụ tỉnh Hậu Giang) vẫn không thể nào quên ngày mình bị Công an TP Vị Thanh bắt giam, tháng 5/1988. Lúc ấy, ông Trung đang là phó phòng nông nghiệp của huyện, bị bắt về tội “Kích động người khác khiếu kiện” do trước đó ông cùng 15 hộ dân khác phản đối việc chính quyền địa phương thu hồi đất.
Các ông Đức, Thật, Ri (từ trái qua) nghẹn ngào khi kể chuyện bị tù oan
Khi ông Trung bị bắt, 3 người con còn rất thơ dại, vợ ông chạy vạy khắp nơi kêu oan cho chồng. Đến tháng 7/1988, ông được VKSND huyện Vị Thanh ra lệnh tạm tha nhưng lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý làm trái nguyên tắc - chính sách - chế độ quản lý kinh tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.
Do chỉ mới được tạm tha nên ông Trung phải mang thân phận bị can suốt nhiều năm liền và đi gõ cửa khắp các cơ quan chức năng để minh oan. Hai mươi ba năm sau, VKSND tỉnh Hậu Giang mới kết luận không có cơ sở buộc tội ông Trung. Sau nhiều lần thương lượng, kiện tụng, VKSND TP Vị Thanh bị buộc phải bồi thường 416 triệu đồng cho ông Trung, công khai xin lỗi trước dân và trên báo, đài. Thế nhưng, cơ quan này chỉ tổ chức xin lỗi ông Trung tại nơi cư trú mà không xin lỗi công khai trên báo, đài; riêng về khoản tiền bồi thường thì cứ hẹn lần hẹn lữa.
Là thương binh 4/4 cùng chứng bệnh viêm tủy, việc đi lại của ông Trung hiện phải cậy nhờ vào người thân. Mặc dù đã được minh oan nhưng ông không được xem xét hưởng chế độ hưu trí. “Khi tôi bị bắt tạm giam, công an đã thu giữ tất cả tài liệu và thẻ Đảng. Đến lúc được minh oan thì các ngành chức năng lại bảo rằng tôi bị khai trừ Đảng trước khi bị bắt nên không thể khôi phục” - ông Trung buồn bã.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đông Khởi, Viện trưởng VKSND TP Vị Thanh, cho biết đã bàn giao khoản tiền bồi thường lên tỉnh để chuyển vào tài khoản của ông Trung trong vài ngày tới.
Hoàn tất bồi thường vụ 9 người bị bắt oan ở Bình Phước
Ngày 19/11, anh Phan Văn Thương (SN 1989, ngụ thôn Phú Nghĩa, xã Phú Trung, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) cho biết VKSND huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước vừa trả cho anh trên 287 triệu đồng tiền bồi thường oan sai. Anh Thương là người cuối cùng trong 9 thanh thiếu niên bị Công an huyện Đồng Phú bắt oan vào cuối năm 2008 và bị VKSND cùng cấp truy tố về các tội “Cướp tài sản”, “Cướp giật tài sản”.
Theo hồ sơ vụ việc, 9 thanh thiếu niên nói trên bị khép tội đã gây ra 11 vụ cướp, giật tài sản nhưng tới 7 vụ không có bị hại, 4 vụ không có vật chứng. Do chứng cứ không thuyết phục, TAND huyện Đồng Phú trả hồ sơ và VKSND huyện Đồng Phú đã ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự.