Trải qua một phiên tòa nữa để xử nghi phạm Lý Nguyễn Chung sau đó mới chứng minh được ông Chấn vô tội. Để gỡ tội cho ông Chấn, theo các cán bộ điều tra và luật sư, cần lấy lại lời khai của ông này. Đây cũng là cách để xác minh lại những tố cáo của ông Chấn về việc bị ép cung.
Một cán bộ điều tra công an tỉnh Nghệ An, người từng có nhiều năm công tác trong lĩnh vực phá án hình sự phân tích: "Sau khi Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quyết định hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại thì việc tiếp theo là cơ quan điều tra phải củng cố hồ sơ, đầy đủ chứng cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng Lý Nguyễn Chung (người được xác định là nghi can giết người thực sự trong vụ án), lúc đó mới chứng minh được ông Chấn vô tội".
Cũng theo vị cán bộ điều tra này, nếu ông Chấn nói rằng bị cơ quan điều tra bức cung thì khi tiến hành điều tra lại, mọi việc phải bắt đầu từ lời khai của ông Chấn.
Trong quá trình điều tra lại, cơ quan điều tra sẽ phải tìm hiểu, thu thập tài liệu xem chứng cứ gì chứng minh việc trước đây ông Chấn bị ép cung dẫn đến phải nhận tội oan hay không. Giả sử nếu có thì ép cung trong trường hợp nào, ép trong giai đoạn nào của quá trình điều tra, giải quyết vụ án.
Trước đây, cũng có một số trường hợp khi ra tòa, bị cáo khai rằng bị cơ quan điều tra bức cung nên phải nhận tội, tuy nhiên, bị can, bị cáo đó lại không đưa ra được chứng cứ để chứng minh rằng mình bị ép cung, bức cung, dùng nhục hình.
"Trong vụ án này, tôi cảm thấy lăn tăn ở 2 điểm, đó là cần làm rõ chứng cứ buộc tội ông Chấn vì theo cơ quan điều tra, ông này có một quãng thời gian bất minh và việc cơ quan điều tra không thu được chuôi dao gây án. Cả hai vấn đề này cần phải làm rõ. Và, tôi cũng tin rằng, chắc chắn khi điều tra lại, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ mời ông Chấn lên, ghi lại tất cả lời khai, kể lại toàn bộ diễn biến sự việc xảy ra trong đêm xảy ra án mạng và các tài liệu khác có liên quan.
Về phía đối tượng Lý Nguyễn Chung thì cơ quan điều tra cũng phải ghi lại lời khai, điều tra xem vào thời gian án mạng xảy ra, Chung đang ở đâu, làm gì, có ai biết chứng cứ buộc tội có liên quan, ví dụ như quần áo đối tượng có dính máu…", vị cán bộ công an Nghệ An nhấn mạnh.
Về chứng cứ gỡ tội cho ông Chấn, cán bộ điều tra này phân tích: "Nếu trong khoảng thời gian từ 19h đến 19h30 ngày 15/8/2003, tức là trong khoảng thời gian vụ án mạng xảy ra, nếu việc thực nghiệm hiện trường tiến hành thật chuẩn xác thì rất khó để xảy ra oan sai, còn nếu chủ quan, không thực nghiệm hiện trường chuẩn xác thì dễ dẫn đến sai lệch sự việc. Có khi thực nghiệm hiện trường chỉ chênh lệch về thời gian vài phút là đã có thể khiến cho bản chất của vụ án thay đổi.
Chính vì thế, phải thực nghiệm đoạn đường đi múc nước, xem ông Chấn múc bao nhiêu lần và thực nghiệm lại việc ông Chấn bấm điện thoại cho khách, phải xem xét kỹ là bấm điện thoại lên có gọi được ngay hay không, hay là phải bấm vài lần thì đầu dây bên kia mới có tín hiệu bắt được sóng, bởi vì khi máy gọi được, có tín hiệu thì bên kia mới báo giờ cuộc gọi - cái đó thể hiện ở bảng kê điện tử của bưu điện. Nếu ông Chấn bấm máy vài lần mới bắt được tín hiệu thì thời gian sẽ khác với việc bấm một lần mà có tín hiệu ngay…
Giả sử, toàn bộ thời gian ông Chấn bấm điện thoại cho khách, thời gian đi sang nhà hàng xóm xin nước mà phủ kín khoảng thời gian nạn nhân bị giết thì chứng tỏ ông Chấn có chứng cứ ngoại phạm và vô tội".
Đồng quan điểm với vị cán bộ điều tra trên, Luật sư Ngô Ngọc Trai - Luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng, để điều tra, xác minh lại tố cáo của ông Chấn về việc bị các điều tra viên đánh đập, ép cung cách đây 10 năm, cần lấy lại lời khai của ông này.
"Cho dù thời gian đã lâu và những điều tra viên trước kia giải trình không có hành vi ép cung, tôi cho rằng việc điều tra vẫn không có khó khăn. Ngược lại vụ án bức cung, nhục hình này là rất rõ ràng.
Việc ông Chấn tố cáo bị bức cung, nhục hình không phải mới đây. Từ năm 2005 ông Chấn đã có đơn thư về vấn đề này rồi. Theo thông tin báo chí đã đưa thì ngày 15/12/2005, ông Chấn gửi đơn kêu oan tới Văn phòng Chính phủ, trình bày việc bị ép cung, nhục hình. Ngày 22/12/2006, ông Chấn cũng gửi đơn kêu oan tới Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với nội dung tương tự.
Việc của cơ quan điều tra bây giờ là truy tìm lại những lá đơn đó và lấy lại lời khai của ông Chấn.
Những tài liệu này kết hợp với tình tiết Lý Nguyễn Chung thú tội và tòa án xét xử xác định chính Chung mới là thủ phạm trong vụ án trước kia, như thế là đủ căn cứ để kết tội bức cung, nhục hình đối với các điều tra viên", Luật sư Ngô Ngọc Trai nói.
Luật sư này cũng cho rằng, ngoài ông Chấn và các điều tra viên thì không có ai khác chứng kiến việc bức cung, nhục hình nhưng các điều tra viên vẫn không thoát được tội.
"Không cứ họ phải thừa nhận hành vi sai trái thì mới kết được tội, đâu phải vụ án hình sự nào hung thủ cũng tự thú? Mặc cho đối tượng phủ nhận hay chối tội, nếu có những bằng chứng khác đủ cơ sở để kết tội thì tòa án vẫn tuyên có tội.
Trong vụ án này, chứng cứ phạm tội nằm chính ở bản thân bị hại. Những đơn thư và lời trình bày của ông Chấn được thuyết phục hoàn toàn khi có tình tiết Lý Nguyễn Chung thú nhận là hung thủ trong vụ án giết người cướp của năm xưa", Luật sư Trai nhấn mạnh.