Thảo luận tại phiên họp tổ Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên về vấn đề kinh tế - xã hội ngày 21/10, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cho rằng, lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng an ninh sẽ là điều tiên quyết tạo ra môi trường phát triển thuận lợi cho kinh tế - xã hội.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cho rằng, âm mưu thực hiện hóa đường lưỡi bò, độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là không thay đổi. Chỉ có điều chuyển sang giai đoạn đấu tranh khác, thậm chí phức tạp hơn.
Thứ trưởng bày tỏ: "Chính vì vậy, chúng ta phải lường trước để chuẩn bị thật tốt ở tất cả các mặt, kể cả vấn đề pháp lý, ngoại giao, an ninh quốc phòng và kinh tế".
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cho rằng, vấn đề Biển Đông phải lâu dài chứ không chỉ ngày một ngày hai. "Quyết liệt nhưng phải hết sức bình tĩnh. Kiên trì, mềm dẻo, nhưng đằng sau đó phải chuẩn bị điều kiện thật tốt để nếu có xung đột quân sự thì sẵn sàng chủ động", Thượng tướng bày tỏ.
Theo Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, các địa phương cũng cần tích cực hơn nữa trong việc xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững chắc, trang bị vũ khí cho quân đội để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao trong tình huống xấu nhất.
Ông cho rằng: “Chúng ta không thể lơ là mất cảnh giác. Các cụ của ta cũng đã nói, nếu không muốn chiến tranh thì phải chuẩn bị thật tốt cho chiến tranh. Khi chúng ta chuẩn bị thật tốt, nó sẽ là một yếu tố để người ta tính đến khi muốn tấn công mình".
Thứ trưởng Quốc phòng đưa ví dụ như Triều Tiên, dù là nước bé nhưng không ai bảo họ là nước yếu. Bởi họ sở hữu khối lượng vũ khí lớn, hiện đại. Ông phân tích, trước khi đối phương tấn công mình, họ phải đánh giá khả năng quân sự, an ninh quốc phòng của mình đến đâu. Do vậy, nếu quốc phòng không mạnh, sẽ không còn yếu tố răn đe nước khác.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng nhấn mạnh đến lĩnh vực đối ngoại bởi nhiều khi chiến tranh hay hòa bình xuất phát từ vấn đề ngoại giao.
Việt Nam có thế mạnh trong công tác đối ngoại vì có quan hệ với nhiều nước. Tuy nhiên, Việt Nam phải đấu tranh mềm dẻo trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền, không liên minh với nước khác để chống lại nước thứ 3.
Từ khi Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á Thái Bình Dương, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn với nhau rất quyết liệt.
Việt Nam có một vị trí địa chính trị rất quan trọng, được nhiều nước để ý trong đó có cả Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ… Vì vậy, trong lúc này cần giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ để tăng cường đoàn kết hữu nghị, trước hết là với các nước láng giềng.
Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc hôm 20/10 về mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 2015 sẽ tăng cường quốc phòng an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có sức chiến đấu cao, chủ động ứng phó hiệu quả với mọi tình huống.
Tiếp tục làm sâu sắc hơn, đưa quan hệ hợp tác với các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.