Ai được quyền nuôi bé gái 4 tuổi bị đánh biến dạng ở Bình Dương?

Hiện tại, anh Trần Văn Tố đến nhận là cha ruột và bà Nguyễn Thị Loan nhận là bà ngoại của bé Ngân đều muốn nuôi dưỡng bé, vậy ai sẽ là người có quyền nuôi dưỡng bé gái?

Hai đối tượng bạo hành bé gái Nguyễn Thị Kim Ngân (4 tuổi) ở Bình Dương là Nguyễn Thị Thùy Trang (26 tuổi, mẹ bé gái) và Đỗ Trọng Minh (27 tuổi, cha dượng “hờ”) đã bị Công an thị xã Dĩ An khởi tố và bắt tạm giam về tội cố ý gây thương tích vào chiều ngày 16/9.

Hai kẻ gây ra những vết thương khó phai cho bé Ngân

Điều đó đồng nghĩa với việc bé gái 4 tuổi bị đánh biến dạng chưa có người nuôi dưỡng hợp pháp. Hiện tại, đã có anh Trần Văn Tố (31 tuổi, quê Sóc Trăng) đến nhận là cha ruột và bà Nguyễn Thị Loan (50 tuổi, quê Vĩnh Long) nhận là bà ngoại của bé Ngân đến giành quyền nuôi dưỡng bé. Tình huống này đã đặt ra câu hỏi: Ai sẽ là người có quyền nuôi dưỡng bé gái?

Ai được quyền chăm sóc bé gái?

Chế tài “hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên” được Điều 41 Luật Hôn nhân & Gia đình (HN&GĐ) quy định: “Khi cha, mẹ đã bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; phá tán tài sản của con; có lối sống đồi trụy, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì tùy từng trường hợp cụ thể Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 42 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ một năm đến năm năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này”.

Những người có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định không cho mẹ của bé gái trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của bé gái hoặc đại diện theo pháp luật cho bé gái gồm: Cha, người thân thích của bé gái (Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; anh ruột, chị ruột; cụ nội, cụ ngoại; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột); VKSND theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự; Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em; Hội Liên hiệp Phụ nữ.

Trường hợp mẹ của bé gái bị Tòa án tuyên hạn chế quyền đối với con chưa thành niên thì dẫn đến hậu quả pháp lý là cha của bé gái được “thực hiện quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật” theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật HN&GĐ. Cần chú ý là mẹ của bé gái vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng bé gái vì Khoản 3 Điều 43 Luật HN&GĐ quy định: “Cha, mẹ đã bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.

Xác định ai là cha đẻ của bé gái?

Rắc rối nảy sinh trong việc xác định ai là cha đẻ của bé gái bắt nguồn từ việc không thấy giấy khai sinh của bé gái, và anh Tố không (hoặc chưa) xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, nên không thể áp dụng nguyên tắc xác định cha mẹ cho con theo quy định tại Khoản 1 Điều 63 Luật HN&GĐ: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng”.

Bé Ngân trong vòng tay của bố

Như vậy, dù nhận là cha đẻ của bé gái và được mẹ của bé gái thừa nhận thì anh Tố vẫn không thuộc trường hợp đương nhiên được pháp luật xác định là cha đẻ của bé gái nếu không chứng minh được giữa anh và mẹ bé gái đã tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp bằng giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

Để được pháp luật công nhận là cha đẻ của bé gái, từ đó có cơ sở pháp lý thực hiện quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì anh Tố phải yêu cầu Tòa án xác nhận bé gái là con của mình theo quy định tại Điều 64 Luật HN&GĐ: “Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình”.

Hướng dẫn quy định này, Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã chỉ rõ: “Khi có người yêu cầu Tòa án xác định một người nào đó là con của họ hay không phải là con của họ thì phải có chứng cứ; do đó về nguyên tắc người có yêu cầu phải cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp cần thiết thì phải giám định gen. Người có yêu cầu giám định gen phải nộp lệ phí giám định gen”.

Bà ngoại cháu bé thì sao? Bà ngoại chỉ được chăm sóc, nuôi dưỡng cháu khi thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 43 Luật HN&GĐ: “Trong trường hợp cha mẹ đều bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên thì việc trông nom, chăm sóc, giáo dục con và quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên được giao cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật này”.

Bé Ngân và bà ngoại

Trường hợp này, dẫn chiếu đến Điều 61 Bộ luật Dân sự thì người giám hộ đương nhiên của cháu bé được quy định như sau: “Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu, được xác định như sau:

1. Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thoả thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ;

2. Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ”.