Bỏ học mở quán
Trần Huyền Hương (24 tuổi, người Hà Nội) đang là chủ quán cà phê Ailu Cat (quận Phú Nhuận, TP.HCM). Ailu Cat là tên quán cà phê mèo đầu tiên do chính Hương mở ra ở Hà Nội. Thời điểm ấy, Hương nuôi 8 con mèo. Căn gác nhỏ không đủ rộng để cô gái Hà thành chăm sóc chúng. “Mình yêu động vật lắm nhưng gia đình lại không ai thích nên muốn tìm một nơi nào rộng để nuôi mèo. Có lần mình đọc báo thấy loại hình cà phê mèo ở Nhật Bản. Vậy là mình nảy ra ý tưởng mở quán cà phê để vừa kinh doanh vừa có chỗ nuôi mèo”, cô nói.
Để đi vào con đường kinh doanh, Hương nhanh chóng quyết định… bỏ học. Hết cấp 3, cô không thi đại học mà theo học trung cấp y. Lý do của Hương là vì thích động vật. Được 1 học kỳ, vốn không thiết tha nên khi có ý tưởng về một không gian cho bạn trẻ giải trí với thú cưng cô đã bỏ học.
Nghỉ học, Hương gom góp số tiền dành dụm và mượn mẹ khoảng 80 triệu làm vốn. Cô chia sẻ: “Mẹ rất tin tưởng vào khả năng tự lập của mình nên hoàn toàn ủng hộ”. Từ lớp 10, Hương đã biết kinh doanh vật nuôi. Vốn yêu động vật từ nhỏ, Hương sẵn sàng “tha” về nhà bất cứ con gì mình thích. Chó, mèo, hamster cho đến rắn, trăn, đại bàng, chim ưng… Hương đều nuôi. Cô giải thích: “Mình chẳng biết vì sao lại yêu động vật đến vậy. Ra đường cứ thấy con vật nào bị bỏ rơi lại nhặt về nuôi. Thời điểm có trào lưu nuôi thú gì thì cũng kiếm về bằng được”. Rồi cô tập tành buôn bán vật nuôi. Số lãi thu được không là bao nhưng vẫn đủ để Hương tiêu xài, độc lập một phần về tài chính.
Công việc kinh doanh đang đi vào ổn định thì Hương quyết định vào Sài Gòn
Tháng 6/2010, Ailu Cat ra đời trên phố Thụy Khuê (Hà Nội). Ngay khi mới mở đã làm giới trẻ Hà thành "điên đảo" với những con mèo xinh xắn được nuôi trong quán. Tình trạng nhân viên phải treo biển "hết chỗ" thường xuyên diễn ra. Hương dí dỏm: “Gọi là cà phê mèo nhưng nhiều khi vào quán chỉ thấy chi chít người mà không thấy mèo đâu vì quá đông”.
Ailu Cat kinh doanh đến tháng 10/2011 thì Huyền Hương chuyển sang một không gian rộng rãi, thoáng mát trên phố Đội Cấn. Khách hàng chủ yếu vẫn là học sinh, sinh viên đến để được uống cà phê và ngắm nhìn những chú mèo xinh đẹp. Trung bình mỗi ngày, quán mang lại 4–5 triệu lợi nhuận sau khi trừ hết chi phí. Đều đặn mỗi tháng, Hương thu nhập 100 triệu/tháng. Vì vậy, từ tài sản ban đầu là 20 con mèo, con đắt nhất lên đến 25 triệu đã giúp Hương thu hồi vốn chỉ sau 2 tháng.
Mang cà phê mèo Nam tiến
Công việc kinh doanh đang đi vào ổn định thì Hương quyết định vào Sài Gòn. Cô gái gốc Hà Nội một thân một mình, không họ hàng, bạn bè sẵn sàng Nam tiến đơn giản vì muốn thay đổi không khí, môi trường sống. Ngay sau khi có ý định, một tuần sau Hương lập tức vào Sài Gòn. Sau hơn một tháng tìm hiểu cuộc sống ở đây, cô chọn ở lại lập nghiệp vì thấy “Sài Gòn cũng hay hay!”.
Khi ấy, TP.HCM vẫn chưa có loại hình cà phê mèo nên Hương tiếp tục công việc cũ. Cô bỏ ra hơn 400 triệu tìm mặt bằng, sang sửa quán, nhập giống mèo… Đến tháng 11/2012, Ailu Cat ra đời trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (quận Phú Nhuận). Cũng như ở Hà Nội, khi mới mở ra, giới trẻ Sài thành dễ dàng tiếp nhận thú cà phê mèo của cô chủ 9X đất Hà thành. Quãng thời gian phát triển nhất, trung bình mỗi ngày, doanh thu của quán cao ngất ngưởng.
Quán của Hương thu hút chủ yếu là học sinh, sinh viên.
Ngoài cà phê thú cưng, Hương còn mở dịch vụ chăm sóc, chải lông, tắm, phối giống… cho chó, mèo cũng như buôn bán thú cưng. “Tuy nhiên, có nhiều con mình thích, không muốn bán nhưng khách năn nỉ mãi nên vừa bán vừa tiếc”, Hương cho hay.
Khổ vì yêu mèo
Tài sản của quán hiện tại là hơn 30 con mèo và 9 con chó. Trong đó có chú cún trị giá 90 triệu. Mỗi con đều được cô chủ đặt những cái tên dễ thương như lạc lạc, bông, nấm, nheo, mít… và được tiêm phòng, chăm sóc kỹ lưỡng. Hương tỉ mẩn thiết kế nhiều kiểu chuồng cho thú cưng.
Dù rất yêu động vật, nhất là mèo nhưng cô chủ Ailu Cat cũng nhiều phen khổ sở. Hương thường xuyên gặp cảnh mỗi sáng thức dậy, thấy trước cửa quán tự nhiên có thùng giấy và tiếng kêu meo meo. Có khi Hương thấy choáng vì mở thùng ra là 20 con. Nhiều con mèo vô gia cư cũng tìm đến quán.
Bỏ thì thương nhưng vương thì tội vì “những con mèo này thật ra không lợi gì cho việc kinh doanh. Có nhiều con còn bệnh tật, lây sang con khác và làm khách không hài lòng”, Hương nói. Trung bình mỗi tháng Hương mất vài triệu cho việc “lo chuyện bao đồng” này.
Hiện tại, ở Sài Gòn đã có nhiều quán cà phê chó, mèo và loại hình này cũng không còn là trao lưu hấp dẫn nữa nhưng quán của Hương vẫn đạt doanh thu ổn định nhờ có nhiều khách quen.
Nói về dự định sắp tới, Hương cười: “Cứ làm tiếp, khi nào thấy không làm được nữa mình lại về Hà Nội”.