Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết thông tin trên vào chiều qua 23/3. Trả lời báo chí bên lề hội Hội nghị nâng cao chất lượng quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Dự thảo Thông tư quy định về mức thu, hình thức thu, cũng như quy chế thành lập và hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ đã được xây dựng ngay từ khi Đề án về Quỹ bảo trì đường bộ được trình Thủ tướng Chính phủ. Sau khi mọi thức xong, sẽ thực hiện thu phí, thời gian thu cụ thể sẽ được thông báo rộng rãi để người dân biết và thực hiện.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông
Về cách thức thu, ông Đông cho biết, với ô tô sẽ thu qua hệ thống Kho bạc Nhà nước nhưng qua đầu mối là các đơn vị Đăng kiểm. Với xe máy sẽ do các địa phương thực hiện thu. Về hình thức thu, có thể nộp trực tiếp tại Kho bạc, hoặc khi đem xe đi đăng kiểm sẽ nộp, nhưng có điều kiện là phải đóng phí bảo trì ký trước mới được cấp đăng kiểm của kỳ tiếp theo.
“Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu, có thể đưa ra thời gian thu linh hoạt, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm… để hợp với kỳ đăng kiểm phương tiện”, ông Đông cho biết thêm.
Về lo ngại của nhiều người về những gánh nặng của phí và sức ép về tăng giá, ông Đông giải thích, Phí bảo trì đường bộ là thực hiện theo luật Giao thông đường bộ năm 2008. Khi chuẩn bị đã lấy ý kiến các cơ quan, ban ngành. Phí không ảnh hưởng lớn, không gây xáo trộn cuộc sống, vì nó chiếm tỷ trọng rất thấp so với cước phí vận tải.
Đồng thời, ông Đông đưa ra tính toán, với xe máy chỉ thu 100 ngàn đồng/năm, bằng 5 lít xăng, chỉ cần đi lại ít đi 100 km là được. Mức phí cho các xe khác cũng không phải quá cao, sau khi thu phí này trong một thời gian, đường sá tốt lên thì chi phí cho vận tải sẽ giảm vì lưu thông thuận lợi hơn, tiêu hao nhiên liệu ít hơn.
Về ý kiến cho rằng nên lùi thời gian thu phí, và mức phí cũng nên giảm xuống, theo ông Đông, việc lùi, giãn Bộ đã nhận được rất nhiều đề nghị, nhưng phải xem vào thực tế. Còn mức phí, Thông tư sẽ ban hành mức chính thức, nhưng vẫn cơ bản dựa trên mức trong Đề án Quỹ bảo trì, vì nó được đề xuất trên cơ sở có sự so sánh đánh giá, phân tích giữa Việt Nam với khu vực và điều kiện thu nhập của người Việt Nam nói chung.
Người dân sẽ được hưởng gì?
Đó là câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2012 của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam. Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc yêu cầu chủ phương tiện phải nộp phí 20 – 50 triệu đồng/năm, trong khi lại không cung cấp dịch vụ gì là không hợp lý. Hơn nữa, nếu thu mức phí cao như đề xuất sẽ là quá sức đối với người dân và doanh nghiệp.
Phí thêm, người dân có được hưởng thêm dịch vụ?
“Việc phải gánh chịu quá nhiều loại thuế và phí đã làm cho năng lực của ngành vận tải ô tô ngày càng giảm sút. Nhiều doanh nghiệp trong nhiều năm không dám đầu tư thêm xe, thậm chí có doanh nghiệp phải bán bỏ xe, cho xe chạy cầm chừng”, ông Nguyễn Văn Thanh, Nguyên Phó cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam chia sẻ.
Đồng thời ông Thanh cảnh báo, nếu tới đây phải đóng thêm phí hạn chế xe cá nhân sẽ khiến cho giá cước vận tải tăng cao, nhất là cước taxi, gây tác động không tốt tới lạm phát và an sinh xã hội.
Ông Thanh cũng cho rằng, không nên thu phí lưu hành phương tiện đối với xe cá nhân (Bộ GTVT đang đề xuất đổi tên phí này thành phí Hạn chế xe cá nhân - PV), vì đã thu phí lưu hành để bảo trì đường bộ, nếu thu thêm phí quá sức đối với người dân và doanh nghiệp.
Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, về mặt pháp lý, Pháp lệnh phí và lệ phí có nêu rõ “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ”. Đối chiếu điều này với đề xuất phí hạn chế xe cá nhân chẳng có điểm gì phù hợp.
“Tôi nộp từ 20 - 50 triệu đồng/năm cho anh, nhưng cuối cùng tôi có được hưởng dịch vụ gì đâu”, ông Hùng bức xúc.
Ngoài ra, việc phân định rõ ràng thế nào là xe cá nhân, xe kinh doanh, xe tổ chức, doanh nghiệp… cũng là một vấn đề cần bàn kỹ.
“Đề nghị các cơ quan quản lý cần rà soát lại tất cả các loại thuế và phí một cách tổng thể. Từ đó, xem xét giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT… đối với ô tô để giá xe ở Việt Nam ngang bằng, hoặc không quá cao so với các nước trong khu vực”, ông Thanh đề nghị.
Giải thích về cơ sở đưa ra đề xuất mức thu phí Hạn chế phương tiện từ 20-50 triệu đồng/năm với ô tô, và từ 500 - 1 triệu đồng/năm với xe máy, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay: “Đề xuất này dựa trên cơ sở kinh nghiệm của các nước và Bộ đưa ra mức ban đầu như vậy”.
“Tất nhiên có sự so sánh với các nước bằng những cái tương đồng, như GDP là một cái mốc, chứ không chỉ so sánh thuần tuý. Khi so sánh ta đưa về tương đối 1 mặt bằng để thấy cao so với thu nhập trung bình của người dân, hay thấp với cái gì, nếu so tuyệt đối thì chưa phản ánh hết tất cả”, ông Đông giải thích thêm.