Hẹp bao quy đầu
Bao qui đầu là một nếp da mỏng, dễ đàn hồi, trùm lên toàn bộ qui đầu của dương vật. Chít hẹp bao qui đầu là tình trạng vòng bao qui đầu bị hẹp ở các mức độ khác nhau nên không thể lộn được bao qui đầu. Đa số chít hẹp bao qui đầu là do bẩm sinh. Trẻ có dấu hiệu đái khó và phải rặn mạnh, tia nước tiểu nhỏ trong khi bao qui đầu chứa đầy nước tiểu căng phồng lên, vuốt nhẹ da bao qui đầu ra phía sau không nhìn thấy lỗ đái.
Thường khi bé vài ba tháng tuổi thì chưa cần quan tâm lắm đến vấn đề này nhưng bé từ 5 - 6 tháng tuổi trở lên, bố mẹ cần lưu ý. Bạn có thể phát hiện bằng cách vạch da quy đầu của bé xem lỗ có hẹp không hoặc quan sát lúc đi tiểu xem tia nước ra sao (nếu tia nước nhỏ như cái kim, bé khó tè, thậm chí da phần quy đầu phồng lên do nước và chất cặn bã tích lại thì chắc chắn bé bị bệnh này).
Hẹp bao quy đầu nếu không được xử lý sớm sẽ khiến bé đi tiểu khó, thậm chí thấy đau, khóc, nước tiểu ra không hết cộng với chất cặn đọng lại bên trong lâu dần thành những cục to, gây viêm nhiễm.
Cách khắc phục nếu bị bệnh: Khi bé 5 - 6 tháng tuổi, mỗi lần tắm cho con, bố mẹ có thể dùng tay nhẹ nhàng kéo lộn phần da quy đầu xuống, cứ thế mỗi lần một chút có thể khiến bao quy đầu rộng dần và trở về bình thường. Tuy nhiên, nếu sau một thời gian mà tình hình không cải thiện hoặc do lỗ quá hẹp thì phụ huynh nên đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. Thường bác sĩ chỉ cần nong và tách phần da quy đầu bị hẹp rồi hướng dẫn gia đình tiếp tục chăm sóc bé sau đó. Trẻ lớn 5-6 tuổi trở lên vẫn bị tật này thì thường phải can thiệp bằng cắt da bao quy đầu.
Quai bị
Quai bị là một bệnh nhiễm trùng gây ra sưng các tuyến nước bọt. Đặc biệt là bệnh ảnh hưởng tới các tuyến đằng trước mang tai, khiến cho má bé trông có vẻ phình ra. Bé sẽ phát ra triệu chứng bệnh từ hai đến bốn tuần sau khi bị lây nhiễm. Bệnh quai bị gây ra viêm tinh hòan tuy nhiên biến chứng này rất hiếm gặp ở các bé trai trước tuổi dậy thì.
Bệnh do virút có tên khoa học là Paramyxovirút gây nên, bệnh chỉ xuất hiện ở người, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, nhất là trẻ từ 6-10 tuổi. Bệnh thường phát vào mùa đông xuân, khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, đặc biệt là là thời gian giáp Tết. Bệnh xuất hiện ở những nơi đông người như: nhà trẻ, trường học, ký túc xá, khu tập thể… Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp do nước bọt bị nhiễm trùng khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Bệnh có thể lây cho người tiếp xúc ở một tuần trước khi tuyến mang tai sưng và kéo dài 2 tuần sau khi thấy sưng tuyến mang tai.
Về phòng bệnh, điều trước tiên là người bệnh phải được cách ly tại nhà, không đi học, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc phải mang khẩu trang. Thời gian cách ly người bệnh trong khoảng 10 ngày kể từ khi bắt đầu sưng tuyến mang tai.
Về điều trị, hiện nay quai bị chưa có thuốc đặc trị, mà chủ yếu là điều trị triệu chứng và nâng đỡ cơ thể. Nằm nghỉ tuyệt khi có sưng tinh hoàn. Trường hợp viêm tinh hoàn, cần mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau và dùng corticoid liều cao ngay từ đầu, thường dùng prednisolon 60mg/ngày, sau đó giảm dần trong 7-10 ngày.
Ứ nước màng tinh hoàn
Đây cũng là bệnh lành tính và khá phổ biến ở các bé trai mà nhiều bố mẹ không để ý.
Thường lúc nằm trong bụng mẹ, trẻ nào cũng có một ống nhỏ nối liền từ bụng tới phần bìu nhưng khi sinh ra ống này bị bịt lại. Tuy nhiên, ở nhiều trẻ do còn ống thông này nên nước từ ổ bụng chảy xuống bìu gây ra bệnh nước màng tinh hoàn.
Khi đó tinh hoàn bị nằm trong một bọc nước. Bố mẹ quan sát sẽ phát hiện một hoặc cả hai bên bìu của trẻ to, nắn vào thấy một khối căng toàn nước. Nhiều trẻ vừa đẻ ra đã có hiện tượng trên và có thể sau 1-2 tháng thì hết vì nước đã trở về ổ bụng và hai tinh hoàn lại bình thường.
Tuy nhiên, nếu sau 12 tháng vẫn thấy bé có tình trạng trên thì nên đưa con đến bác sĩ chuyên khoa khám. Bệnh này thường phải xử lý bằng phẫu thuật thắt ống thông, giải thoát hết nước ở màng tinh hoàn và không cần phải quá gấp gáp. Tuy nhiên, nếu cứ để vậy không phẫu thuật thì tinh hoàn luôn nằm trong bọc nước sẽ không phát triển được.
Thoát vị bẹn
Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em, thường một túi nhỏ thông từ khoang bụng chui ra lỗ bẹn sẽ được bít lại khi trẻ sinh ra nhưng vì lý do nào đó, túi thoát vị này không bít lại, các cơ quan trong ổ bụng như ruột chui vào và tạo nên một khối phồng ở vùng bẹn, bìu ở trẻ và gọi là thoát vị bẹn. Trường hợp khối thoát vị sa xuống mà không tự lên được thì trẻ sẽ rất đau và khóc nhiều, người ta gọi là thoát vị bẹn nghẹt, cần phải đưa trẻ đi khám cấp cứu ngay, đây là bệnh phải xử lý bằng ngoại khoa nếu không ruột sẽ bị hoại tử, rất nguy hiểm.
Trong những trường hợp khác thì cần theo dõi khi trẻ 4-5 tuổi trở lên mà khối thoát vị vẫn còn thì nên đưa đi khám chuyên khoa để được phẫu thuật.
Nhiều người nhầm lẫn bệnh này với nước màng tinh và ẩn tinh hoàn. Tuy nhiên, bố mẹ hoàn toàn có thể phân biệt: Khối phồng thường xuất hiện khi bé quấy khóc hoặc chạy nhảy, có thể di chuyển lên xuống mà không cố định, khi trẻ nằm thì xẹp đi. Các bé gái thường ít bị thoát vị bẹn hơn.
Đây cũng là bệnh hay gặp ở các bé trai. Tinh hoàn là nơi sản xuất chất nội tiết sinh dục và tinh trùng cho bé trai. Trước khi đứa bé ra đời, tinh hoàn di chuyển từ trong ổ bụng xuyên qua thành bụng ở vùng bẹn vào vị trí bình thường là bìu. Nếu sự di chuyển gặp trục trặc tinh hoàn sẽ nằm đâu đó trên đường đi của nó. Hiện tượng này gọi là tinh hoàn ẩn. Khi ấy, bố mẹ sờ bìu của con không thấy có tinh hoàn.
Dị tật này dễ phát hiện và không cần đưa bé đi khám sớm quá vì thời gian đầu (trước 1 tuổi) tinh hoàn có thể tự đi xuống vị trí của nó. Sau một tuổi mà vẫn không sờ thấy tinh hoàn trong bìu con thì bố mẹ nên đưa đi khám, các bác sỹ chuyên khoa sẽ có lời khuyên đúng đắn. Nếu phải can thiệp bằng phẫu thuật để hạ tinh hoàn xuống bìu thì mổ ở 3-4 tuổi thường thuận lợi hơn khi trẻ đã lớn.
Giãn tĩnh mạch tinh
Trong số những trẻ bị bệnh lý vùng kín thì có trên 16% những trẻ từ 10 - 19 tuổi hay gặp bệnh giãn tĩnh mạch tinh. Đây là tình trạng giãn ngoằn ngoèo các tĩnh mạch nằm phía trên tinh hoàn. Nguyên nhân do gia tăng áp lực của tĩnh mạch thận trái hoặc van tĩnh mạch có bất thường. Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường do máu chảy ngược về chỗ thấp (thay vì chảy về tim).
Tĩnh mạch bị giãn làm ứ đọng máu vùng tinh hoàn. Tình trạng này gây cản trở việc tưới máu cho tinh hoàn, ảnh hưởng đến sản xuất tinh khi bé trai trưởng thành. Hầu hết dãn tĩnh mạch thừng tinh không có triệu chứng. Thỉnh thoảng, có thể gây đau nhẹ hay cảm giác nặng ở vùng bìu. Nếu tĩnh mạch thừng tinh giãn lớn, bạn có thể thấy sưng ở phía trên bìu. Bệnh có thể làm giảm khả năng sinh tinh trùng, teo tinh hoàn, đau bìu kéo dài.
Lún dương vật
Biểu hiện: Lỗ tiểu đổ ra đúng ở đỉnh quy đầu, trục dương vật thẳng, nhưng dương vật bị lún tụt xuống dưới hoặc ngang mức của xương mu. Ống da dương vật thường nhỏ và ngắn, bao quy đầu hay bị chít hẹp, bìu bình thường. Khi đi tiểu, trẻ thường phải dùng ngón tay ấn quanh gốc dương vật để nó thò ra.
Nguyên nhân chính của bệnh lún dương vật là dải cân Dartos xơ hóa bất thường, kéo thân dương vật về phía sau, hoặc lớp mỡ dày bất thường ở da trên mu và quanh dương vật, che lấp một phần cơ quan này.
Khi được đưa tới khám bệnh, hầu hết các trẻ này được chẩn đoán là chít hẹp bao quy đầu nên được chữa bằng nong bao quy đầu; thường không kết quả cho dù có nong tới vài lần. Có bệnh nhân lại được mổ cắt bao quy đầu. Cách chữa này lại làm bệnh nặng thêm, vì bao quy đầu là chất liệu cần thiết để che phủ thân dương vật sau ca mổ làm dài dương vật.
Cách chữa đúng phải tùy theo nguyên nhân. Nếu trẻ bị lún dương vật do béo, có lớp mỡ dày ở mu, cần thực hiện chế độ ăn và tập luyện hợp lý, hướng dẫn trẻ tự nong lộn dần bao quy đầu. Có thể mổ để cắt bớt lớp mỡ trên mu, quanh dương vật ở tuổi dậy thì.
Nếu dương vật lún do dải xơ, hướng dẫn trẻ nong lộn dần làm rộng bao quy đầu và mổ để giải phóng, làm dài dương vật. Nếu dương vật nhỏ bé khác thường thì dùng thuốc kích thích làm to bộ phận này trước mổ.
Cong, vẹo dương vật
Biểu hiện: Khi dương vật cương cứng thì bị cong vẹo xuống phía dưới hoặc sang một bên, kèm theo xoay trục nên trông như quả chuối cong.
Lúc bệnh nhân còn nhỏ, dị tật này còn có thể chưa rõ hoặc chưa được chú ý lắm. Nhưng khi lớn lên, tình trạng cong vẹo rõ hơn hoặc do bệnh nhân quá để ý nên càng thấy cong, sinh ra bi quan, mặc cảm.
Dị tật này chữa được và nên mổ khi bệnh nhân còn nhỏ, trước tuổi đi học.
Ẩn tinh hoàn
Bình thường khi sinh ra bé đã có 2 tinh hoàn nằm trong bìu, nhưng ở một số trẻ bị dị tật, một hoặc hai bên tinh hoàn không nằm đúng chỗ mà lại ẩn ở vùng bẹn hoặc phức tạp hơn là chui vào ổ bụng. Khi ấy, bố mẹ sờ bìu của con không thấy có tinh hoàn.
Dị tật này dễ phát hiện và không cần đưa bé đi khám sớm quá vì thời gian đầu (trước 1 tuổi) tinh hoàn có thể tự đi xuống vị trí của nó. Sau một tuổi mà vẫn không sờ thấy tinh hoàn trong bìu con thì bố mẹ nên đưa đi khám, các bác sỹ chuyên khoa sẽ có lời khuyên đúng đắn. Nếu phải can thiệp bằng phẫu thuật để hạ tinh hoàn xuống bìu thì mổ ở 3-4 tuổi thường thuận lợi hơn khi trẻ đã lớn.
Tinh hoàn lạc chỗ, nhất là khi nằm trong ổ bụng lâu ngày có khả năng bị ung thư hoá.
Lỗ đái lệch thấp
Đây là một dị tật bẩm sinh khá phổ biến. Lỗ đái không đổ ra ở đỉnh quy đầu mà ở mặt dưới của dương vật, bìu và đáy chậu (ở vị trí từ gốc bìu tới lỗ hậu môn). Do vậy, bệnh nhân không tiểu tiện được một cách bình thường mà có khi phải đái ngồi như con gái, thậm chí tia nước tiểu còn vọt ra phía sau mông.
Nếu lệch thấp về phía dưới, lỗ đái thường rộng; còn khi lệch về phía gần quy đầu thì lỗ đái thường hẹp và bệnh nhân đái khó, tia nhỏ. Bệnh cũng dễ phát hiện vì lỗ đái không đổ ra ở đỉnh quy đầu như bình thường mà ở một vị trí nào đó ở phần dưới dương vật, bìu khiến trẻ không tiểu tiện được bình thường mà có khi phải đái ngồi như bé gái. Lỗ này càng nằm xa vị trí đúng của nó thì càng khó chữa.
Bệnh này nên chữa sớm khi trẻ 5-6 tuổi. Nếu trẻ lớn hơn 10 tuổi sẽ khó phẫu thuật hơn vì lúc này trẻ thường có phản xạ cương dương vật nên vết thương khó lành.