Thần y Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh (1330 – 1385) quê ở thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ông là danh y mở đường cho sự nghiệp nghiên cứu và sử dụng thuốc nam, xây dựng nền y học cổ truyền, được nhân dân suy tôn là vị thánh thuốc Nam.
Hội đền An Lư
Ngày đó, người dân làng Xưa đã rước thành hoàng của mình là Đại danh y Tuệ Tĩnh từ làng quê gốc về nơi đây thờ tự. Đây là di tích được Nhà nước công nhận và xếp hạng di tích cấp quốc gia. Trải qua gần 7 thế kỷ, di tích vẫn mang đậm dấu ấn một tín ngưỡng, phong tục của người dân Việt Nam – đó là truyền thống uống nước nhớ nguồn. Đến bây giờ, ngôi đền vẫn là một quần thể di tích khang trang, bề thế, phía trước đền vẫn còn một hồ nước trong vắt.
Tuệ Tĩnh mồ côi cha mẹ từ năm lên 6 tuổi. Ông được Dược sư cụ chùa Hải Triều (chùa Giám hiện nay) nuôi và cho đi học. Ông rất thông minh và hiếu học, năm 22 tuổi, ông thi đậu Thái Học sinh, nhưng không ra làm quan mà đi tu, hi vọng tìm được nhiều phương thuốc hay để chữa bệnh cho nhân dân. Ông có biệt tài về chữa thuốc nam. Cũng bởi điều này mà ông bị triều đình cống sang Trung Quốc cho nhà Minh. Tại đây, ông chữa khỏi bệnh cho vua và được phong danh hiệu “Đại danh y thiền sư”. Sau này, ông mất tại Trung Quốc, thọ 55 tuổi. Ở đền Xưa hiện còn đôi câu đối nói về sự nghiệp của Tuệ Tĩnh:
“Danh khôi nhị giáp kiêu Trần giám
Sứ mệnh thập toàn tính giáp y”
Dịch là: “Đỗ đầu hai giáp nêu gương sáng
Thời Trần hoàn thành sứ mệnh.
Chữa bệnh lừng danh phương Bắc”.
Trong danh sách “Nam dược thần hiệu hơn 30 năm hoạt động y học”, Tuệ Tĩnh xây dựng và tu sửa 24 ngôi chùa, sau biến các ngôi chùa thành y xá chữa bệnh cho nhân dân. Ông chính là người có công đầu trong việc sưu tầm, nghiên cứu dược tính và chuẩn trị bằng thuốc nam, huấn luyện cho các tăng ni làm thuốc, phổ biến cho người dân những bài thuốc dân gian để có thể tự chữa trị... Nhiều thầy thuốc từ xưa tới nay vẫn theo phương pháp trị liệu của ông trong cuốn “Nam dược thần hiệu” chữa bệnh rất hiệu quả. Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là người kế tục xứng đáng sự nghiệp của ông và xây dựng nên phong trào trồng thuốc nam trong gia đình để tự chữa bệnh. Nhờ vậy, năm 1533, với cây thuốc sẵn có, dân chúng đã thoát khỏi nạn sốt rét hoành hành...
Sau khi sang Trung Quốc, Thần y Tuệ Tĩnh vĩnh viễn nằm lại với cát bụi Giang Nam, ôm theo nỗi khắc khoải ngày trở về quê nhà yêu dấu: “Ai về nước Nam mang tôi về với”. Tương truyền, vị Thần y rất linh thiêng nên dân chúng quanh vùng ai có bệnh gì cứ ra mộ ông khấn vái và hái cây cỏ ở mộ sắc uống là khỏi.
Năm 1673, triều Lê Gia Tông có ông Nguyễn Danh Nho (người cùng làng với Thần y) đỗ tiến sĩ năm Dương Đức thứ 2, nổi tiếng văn hay, chữ tốt đã đi sứ phương Bắc. Vị tiến sĩ đã quỳ lạy trước mộ của Thần y và òa khóc. Biết không thể nào mang hài cốt của ông đi được vì người dân ở đây đã tôn ông là Thánh, vị tiến sĩ bèn sai người đục đá, lấy tấm bia dập lại nguyên văn dòng chữ trên bia mộ rồi bọc gấm mang về. Tấm bia ấy được chở trên thuyền và mang về quê của Thần y, nhưng khi về đến thôn Vân Thai, xã Cẩm Văn, Cẩm Giàng thì thuyền bị đắm. Tấm bia chìm xuống, dù đã huy động nhiều thợ lặn tài giỏi nhưng cũng không tìm được. Khi nước cạn, tấm bia lộ ra trên một doi cát. Dân làng bèn dựng ngôi đền ở đó.
Trải qua nhiều thế kỷ, giờ đây, có lẽ ngôi mộ của Thần y chỉ còn lại tấm bia đá hay có thể chỉ là một vài di vật. Tỉnh Hải Dương đã đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam tìm giúp ngôi mộ nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Tâm nguyện của Thần y mong ngóng được trở về nước Nam vẫn chưa được thực hiện. Một người con tha hương cách đây gần chục thế kỷ giờ vẫn còn nằm lại xứ người. Chỉ mong rằng ngày trở về quê mẹ của ông sẽ thành hiện thực?