5 cách giúp F0 thở tốt, phòng tránh hậu COVID-19: Chuyên gia hướng dẫn chi tiết
Thứ năm, 17/03/2022 11:30

Khó thở, ho kéo dài và đuối sức là những triệu chứng thường gặp của bệnh nhân COVID-19. Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn dễ thở hơn và phòng tránh mệt mỏi, kiệt sức hậu COVID.

Với tư cách một nhà vật lý trị liệu hô hấp tim mạch, bà Clarice Tang, giảng viên về Vật lý trị liệu tại Đại học Tây Sydney, Úc, giúp mọi người kiểm soát và phục hồi các vấn đề bệnh lý về tim mạch và hô hấp. Sau đây là các hướng dẫn và lời khuyên của chuyên gia Clarice về các bài tập đơn giản giúp kiểm soát triệu chứng COVID-19 tại nhà.

Tại sao nên vận động khi mắc COVID-19?

Cơ thể cần nghỉ ngơi khi mắc bệnh. Tuy nhiên, thực hiện những bài tập đơn giản, nhẹ nhàng trong khi điều trị có thể cải thiện triệu chứng của bạn.

Những người lớn tuổi, thừa cân hoặc mắc bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch hay bệnh phổi sẽ có khả năng cao có triệu chứng COVID-19. Vậy nên, những bài tập sau sẽ đặc biệt đem lại lợi ích cho nhóm đối tượng này.

1. Thở thư giãn 

Bài tập này đặc biệt hữu ích nếu bạn cảm thấy khó thở:

- Chọn một vị trí thoải mái, thả lỏng vai và thở chậm

- Mím môi (giống như khi sử dụng ống hút)

- Thở ra chậm rãi và nhẹ nhàng bằng miệng

- Lặp lại bài tập trong 1 phút

Bạn có thể thực hiện bài tập này thường xuyên nhưng hãy dừng lại nếu cảm thấy chóng mặt. Hãy tập tại nơi thông thoáng có cửa sổ mở, khi  cảm thấy nóng, bạn có thể lấy khăn ướt lau mặt để hạ nhiệt.

Tư thế rất quan trọng khi tập hít thở, tư thế dễ nhất là ngồi tại một nơi vững chãi. Tuy nhiên, một số F0  khó thở có thể không thoải mái khi tập trên ghế . Đối với trường hợp này, hãy thử tập hít thở trong vị trí khác như tư thế nằm nghiêng được khuyến cáo bởi Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO).  

5 cách giúp F0 thở tốt, phòng tránh hậu COVID-19: Chuyên gia hướng dẫn chi tiết - Ảnh 1.

Một số đối tượng cần nằm nghiêng khi thực hiện bài tập này, theo WHO.

2. Thở sâu

Bài tập này giúp tăng lượng oxy hít vào và thư giãn đầu óc: 

- Ngồi hoặc đứng thẳng, thả lỏng vai

- Hít sâu bằng mũi trong 2 đến 3 giây, giữ hơi thở trong 3 giây nếu có thể

- Thở ra qua mũi hoặc miệng sao cho bạn thấy thoải mái

- Lặp lại bài tập trong 1 phút

Cũng như trên, hãy dừng lại nếu bắt đầu thấy chóng mặt. Bạn có thể sẽ ho và khạc đờm sau bài tập này. Nếu ho, hãy che chắn bằng khăn giấy và vứt bỏ ngay trong túi rác kín sau khi sử dụng. Bạn cũng nên rửa tay cẩn thận sau đó.

3. Hít thở trong tư thế nằm sấp

Có thể bạn đã biết, tập hít thở trong tư thế nằm sấp  sẽ tăng lượng oxy hít vào và tăng hoạt động phân phối oxy đến các cơ quan trong cơ thể.

Đây là tư thế được áp dụng phổ biến tại bệnh viện để hỗ trợ bệnh nhân suy hô hấp cần cung cấp thêm oxy. Tuy nhiên, bằng chứng khoa học về hiệu quả khi tự hít thở trong tư thế này tại nhà vẫn chưa rõ ràng và có thể không áp dụng được cho mọi người.

Với tư thế này, bạn cần nằm sấp trong ít nhất 30 phút, điều này khiến vài người cảm thấy cực kỳ khó chịu, đặc biệt nếu bệnh nhân đau cổ hoặc đau lưng. Khi đó, tư thế ngồi thẳng hoặc nằm nghiêng có thể là biện pháp thay thế tốt hơn.

Nếu bạn muốn thử tập hít thở trong tư thế này, hãy xem các lời khuyên sau:

- Đừng tập sau khi ăn

- Nằm tại chỗ có bề mặt chắc và cố định, nằm trên nệm mềm sẽ làm cho bụng khó chịu khi nằm sấp

- Nghiêng đầu sang 1 bên, đặt gối dưới bụng, chân và đầu để thoải mái hơn

- Cần người theo dõi bên cạnh mọi lúc, đặc biệt khi bạn mới thử tư thế này lần đầu. Cả bạn và người theo dõi cần đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm chéo.

- Không được thử tư thế này đối với trẻ em dưới 1 tuổi. 

5 cách giúp F0 thở tốt, phòng tránh hậu COVID-19: Chuyên gia hướng dẫn chi tiết - Ảnh 2.

Nên cẩn thận vì tư thế nằm sấp có thể gây đau, theo WHO.

4. Vận động thường xuyên

Ngay cả với đối tượng có triệu chứng COVID nhẹ vẫn có thể đối mặt với tình trạng dễ mất sức kéo dài sau khi đã khỏi hẳn các triệu chứng khác. Vận động nhẹ nhàng thường xuyên khi cách ly có thể giúp bạn phòng ngừa tình trạng này.

Bạn có thể ngồi lên ghế rồi đứng dậy, lặp đi lặp lại trong 1 phút hoặc dậm chân tại chỗ trong 2 phút. 

Sắp xếp và thực hiện lần lượt các bài tập cũng như hoạt động khác để đảm bảo duy trì vận động trong ngày, điều đó sẽ giúp bạn phòng ngừa kiệt sức. 

5. Nhận biết khi nào cần đi khám

Nếu bạn hoặc người thân có cảm giác đau ngực, khó thở, chóng mặt, không có lực ở tay, chân, lú lẫn, không tỉnh táo... thì bạn cần liên hệ ngay với nhân viên y tế.

Hiện nay có các ứng dụng trực tuyến để kiểm tra triệu chứng bệnh nhân và xin lời khuyên từ bác sĩ. Nếu các triệu chứng COVID kéo dài hơn 2 tuần, hãy đến gặp bác sĩ để thực hiện phục hồi chức năng phổi hoặc xem xét khả năng hoạt động của phổi.

Doanhnghieptiepthi.vn

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/5-cach-giup-f0-tho-tot-phong-tranh-hau-covid-19-chuyen-gia-huong-dan-c.. Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/5-cach-giup-f0-tho-tot-phong-tranh-hau-covid-19-chuyen-gia-huong-dan-chi-tiet-161221703100511190.htm

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: F0 , hậu covid-19 , chăm sóc sức khỏe