Cậu học trò và căn bệnh hiểm nghèo
Đi ven tỉnh lộ 954 theo hướng chợ Vàm về thị xã Tân Châu, chúng tôi đến ấp Phú Lộc, xã Phú Thạnh (H. Phú Tân, Thị xã Tân Châu – An Giang).
Ghé một quán nước ven đường, hỏi thăm về hiện tượng kỳ lạ này. Sau một ngụm trà, ông chủ quán cho biết, chuyện cũng đã lâu lắm rồi nhưng may mắn là ông đã sống và chứng kiến toàn bộ sự việc nên nhắc đến là ông có thể kể được vanh vách...
Năm ấy là năm Mậu Thân 1968. Gia đình ông Đinh Đại Bửu - chủ nhân của ngôi nhà cổ 3 gian như đứng ngồi không yên. Nhiều tháng qua, đứa con trai của ông, anh Đinh Công Hạo, một học sinh xuất sắc nhất trong vùng vừa tròn 17 tuổi bất ngờ bệnh trở nặng.
Di ảnh ông Đinh Công Hạo.
Anh Hạo bệnh trước đó 7 năm. Bắt đầu bệnh, anh biếng ăn và ngủ càng ngày càng ít. Từ một đứa trẻ khỏe mạnh, anh Hạo ốm dần và sau nhiều năm anh có hiện tượng kiệt sức.
Trong 7 năm mang chứng bệnh khó hiểu đó, gia đình ông Bửu vốn là một phú nông trong vùng đã hết lòng chạy chữa. Từ đông y rồi đến tây y, không thầy thuốc nào tìm ra được căn bệnh.
Trong khi đó, thể trạng anh Hạo cứ xấu dần đi. Hầu như y học đã bó tay, ông Bửu đành phải tin vào tâm linh huyền bí. Ông đã lên núi Sam (Châu Đốc) cầu nguyện trời phật cho con ông chóng khỏi. Nhưng cho dù gia đình đã hết sức ngày 19 tháng chạp năm Mậu Thân, anh Hạo đã trút hơi thở cuối cùng.
Câu chuyện của ông chủ quán và chúng tôi bị ngắt quãng bởi một vài người khách bước vào. Ông đứng lên tiếp và phục vụ. Xong việc, ông quay lại ngồi với chúng tôi...
“Lâu lắm ở vùng này không ai nhắc đến chuyện ấy nữa. Hôm nay gặp anh, tôi xin kể lại để lỡ mai kia mốt không còn ai để nhắc nữa. Anh biết không, tôi lớn hơn anh Hạo vài tuổi nên tôi rất rành về anh ấy.
Anh là người có tư chất thông minh. Trong suốt những năm học tiểu học, ngoài chương trình học ở trường, ông Bửu còn dạy thêm cho anh cách làm thơ lục bát, song thất lục bát và đường luật.
Ông cũng truyền vào anh nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Kết quả, những sáng tác tuy còn mang đậm tính trẻ thơ nhưng qua những bài thơ tặng bạn tặng thầy, ai cũng phải thừa nhận đó là những bài thơ rất có hồn.
Sau những cố gắng không mệt mỏi của ông Bửu nhằm đem lại sự sống cho anh thất bại, anh Hạo mất. Gia đình tiếc thương lắm. Chọn một vị trí tốt nhất trong khu đất của gia đình để chôn anh”.
Chiếc quan tài ở chung với người sống
Anh Hạo mất được 4 ngày – ông chủ quán nói tiếp – gia đình còn đang trĩu nặng tiếc thương thì một ông lang già tìm đến. Không rõ ông lang này là người ở địa phương nào nhưng nhìn qua cốt cách của ông ẩn hiện một con người thoát tục.
Ông lang mặc bộ bà ba trắng đã ngã màu. Trên vai một tay nải ló ra bên trong vài quyển sách cũ kỹ. Cặp kính lão trên đôi mắt ông lúc nào cũng trễ xuống...
Ông lang và ông Bửu đàm đạo với nhau suốt buổi sáng. Ông hỏi cặn kẽ từ chi tiết nhỏ về căn bệnh của anh Hạo.
Và rồi ông lang quả quyết: “Tiếc thật hôm nay là ngày thứ 4, nếu tôi đến vào hôm qua thì có cơ may cứu sống. Tuy không còn sự sống nhưng xác anh Hạo vẫn chưa chết…”.
Câu nói khó hiểu của ông lang già làm nhiều người trong tộc họ Đinh thắc mắc. Ông còn khẳng định nếu không tin cứ quật mộ lên sẽ biết.
Ở vùng quê, mồ mả rất quan trọng trong khi vừa mở cửa mả bây giờ đào mộ lên ai có thể làm được chuyện đó ? Vậy mà ông Bửu vẫn đào lên vì quá thương cậu con trai, vừa muốn xác minh lời nói của ông lang già có đúng hay không, bất chấp lời can ngăn của thân tộc.
Chiếc quan tài trong ngôi nhà cổ.
Mọi người tụ tập quanh ngôi mộ mới chôn. Ai nấy chuẩn bị đầy đủ dụng cụ và cả…tinh thần để đối phó với một xác chết trương sình hôi hám.
Thế nhưng kỳ lạ thay, khi chiếc quan tài được đưa lên mặt đất, nắp áo quan mở ra, thi thể anh Hạo vẫn còn nguyên vẹn mà không hề bị phân hủy. Anh nằm im như ngủ...
Những người thân trong gia đình nước mắt ràn rụa. Có người đưa tay vỗ vào má gọi: “Hạo ơi dậy đi đừng ngủ nữa !!”. Điều lạ lùng hơn khi mới chết, xác anh Hạo cứng đơ nhưng khi khai quật lên xác vẫn còn tươi. Tay chân mềm mại. Thế mới lạ…
Sau đó, ông Bửu quyết định đưa quan tài anh Hạo vào nhà yên nghỉ chung với những người còn sống cho đến ngày nay.
Trải qua 44 năm rồi đó, anh Hạo vẫn ngủ. Ai có thể tin được điều này khi xác anh Hạo vẫn còn nguyên lục phủ ngũ tạng, không một hóa chất nào tẩm ướp mà không hề bị phân hủy?
Câu chuyện giữa chúng tôi với ông chủ quán càng lúc càng say sưa. Ông còn muốn nói nhiều nữa nhưng khi tính hiếu kỳ thôi thúc, chúng tôi đành từ giã ông để vào ngôi nhà cổ nơi quan tài ông Đinh Công Hạo vẫn còn tồn tại sau 44 năm ở chung với người sống...
Còn tiếp...