4 lầm tưởng lớn của nhiều chị em về béo bụng

Béo bụng là vấn đề nghiêm trọng đối với nhiều chị em vì nó liên quan đến tình trạng mỡ bụng tích tụ nhiều và tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, tiểu đường.

Chính vì vậy, việc phòng ngừa mỡ bụng gây béo bụng là điều hết sức cần thiết đối với tất cả mọi người, đặc biệt là với phụ nữ. Thế nhưng, không phải chị em nào cũng hiểu đúng về tình trạng béo bụng để biết cách phòng tránh.

1. Vòng bụng và chỉ số BMI không liên quan đến nhau

Chỉ số BMI là chỉ số khối cơ thể (xác định tương quan giữa chiều cao và trọng lượng cơ thể). Chỉ số BMI là công cụ hữu hiệu để nhận biết một người ở tình trạng béo phì, thừa cân hay quá gầy. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng khi đo chỉ số BMI, yếu tố trọng lượng cơ thể (tính cả mỡ bụng) đã được xác định nên kết quả chỉ số không liên quan đến lượng mỡ bụng.

Thực tế không phải vậy, Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe Mayo (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu và cho thấy những người có Chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) bình thường nhưng số đo vòng bụng lớn, nguy cơ tử vong vì bệnh tim, hô hấp cao gấp 2,75 lần so với những người bình thường, ít mỡ bụng.

2. Có mỡ thừa ở "vòng 3" tốt hơn là ở vòng bụng

Rất nhiều người luôn lo lắng cho sức khỏe của mình khi thấy vòng bụng ngày càng tăng lên. Điều này có cơ sở của nó bởi những người có lượng mỡ bụng lớn thường có nguy cơ cao mắc các bệnh như tim mạch và tiểu đường. Chính vì vậy, nhiều chị em cho rằng có mỡ thừa ở "vòng 3" còn tốt hơn là ở vòng bụng. Thực tế lại không phải như vậy.
Các nhà khoa học thuộc ĐH California (Mỹ) cho biết rằng lượng mỡ tích trữ ở vòng 3 làm gia tăng nồng độ của 2 loại protein có thể gây viêm và kháng insulin – yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim và tiểu đường. Và lượng mỡ dư thừa dù ở bất cứ nơi nào trên cơ thể cũng không tốt.

3. Mỡ bụng không liên quan đến xương khớp

Một nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) đã chứng minh rằng mỡ bụng và tình trạng sức khỏe xương khớp có liên quan đến nhau trong đó những người béo bụng thường có nguy cơ loãng xương cao hơn so với những người có vòng bụng phẳng. 
Điều này chứng tỏ rằng tình trạng mỡ bụng không chỉ không tốt cho tim, phổi mà còn gây hại cho cả xương khớp. Hơn nữa, nếu vòng bụng càng gia tăng đồng nghĩa trọng lượng cơ thể tăng lên và gây áp lực cho xương, khớp.

4. Mỡ bụng không xuất hiện ở người gầy

Những người thừa cân hoặc béo phì thường liên quan đến mỡ bụng và tình trạng béo bụng. Nhưng điều này không có nghĩa là những người gầy thì không có mỡ bụng và bị béo bụng. Sự tích tụ mỡ bụng dẫn đến béo bụng cũng có thể do gen di truyền, chế độ ăn uống, vận động hoặc công việc hàng ngày phải ngồi nhiều... Vì vậy, có rất nhiều người tuy gầy nhưng vẫn bị thừa mỡ bụng. 

Điều quan trọng nhất mà bạn cần biết là dù béo hay gầy, việc thừa mỡ bụng cũng khiến bạn đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật hơn những người khác.