Hiện nay, nhiều người coi chăm sóc sức khỏe là mục tiêu số 1 vì mọi việc chúng ta làm hàng ngày đều cần đến cơ thể khỏe mạnh và sức khỏe dồi dào.
Tuy nhiên, nếu chăm sóc sức khỏe dựa trên các quan niệm sai lầm hoặc mù quáng thì mọi người có thể vô tình tự tác động xấu tới cơ thể.
Dưới đây là 4 điều vốn rất tốt cho sức khoẻ nhưng có thể gây hại nếu làm không đúng.
1. Ăn chay
Hiện nay, xu hướng ăn chay ngày càng phổ biến bởi những lợi ích sức khoẻ mà nó đem đến cho cơ thể. Nhiều người gắn bó với chế độ ăn chay trong một thời gian dài vì họ tin rằng chế độ ăn chay lành mạnh hơn và có lợi cho sức khoẻ và tuổi thọ.
Tuy vậy, cũng có nhiều người chưa thực sự hiểu về chế độ ăn chay và có chế độ ăn chay không đúng cách. Ăn chay không đúng cách là tình trạng loại bỏ các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật ra khỏi chế độ ăn mà không chú trọng việc thay thế và bổ sung các chất dinh dưỡng có trong các thực phẩm từ động vật. Điều này gây ra tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, khiến cơ thể bị thiếu chất và có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho cơ thể.
Ăn chay không đúng cách có thể khiến cho cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng như chất sắt, kẽm, vitamin B6, B12,... vô cùng cần thiết cho cơ thể, gây ra tình trạng mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt. Thiếu hụt vitamin B6, B12 cũng là một trong những nguyên nhân gây ứ đọng homocysteine - một trong những loại axit có khả năng phá vỡ các mạch máu, làm xơ vữa động mạch và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Ngoài ra, người ăn chay không đúng cách cũng có thể tiêu thụ quá nhiều tinh bột, đường hoặc sử dụng quá nhiều dầu thực vật (do chế biến bằng cách chiên rán, xào để tăng hương vị và sức hấp dẫn cho món ăn). Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc béo phì và một số căn bệnh chuyển hoá.
Trên thực tế, dù là ăn chay hay ăn thịt, mọi người đều cần chú trọng đến thành phần dinh dưỡng, đảm bảo bổ sung đủ 4 nhóm chất cần thiết (chất đạm, chất béo, chất bột đường, chất xơ, vitamin và khoáng chất) để đáp ứng được nhu cầu hàng ngày của cơ thể.
Ảnh minh hoạ: Ăn chay tốt cho sức khoẻ nhưng cần chú trọng cân bằng dinh dưỡng.
2. Ngâm chân
Ngâm chân nước nóng là một phương pháp giữ gìn sức khỏe rất được ưa chuộng. Ngâm chân trước khi đi ngủ không chỉ giúp thư giãn cả về mặt thể chất lẫn tinh thần mà còn giúp máu lưu thông tốt hơn, giúp chúng ta có một giấc ngủ sâu hơn.
Chính vì ngâm chân nước nóng đem lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ nên nhiều người có quan niệm rằng ngâm chân càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Chúng ta chỉ nên ngâm chân đến lúc chân ửng hồng và cơ thể toát ra một lớp mồ hôi mỏng mà thôi. Thời gian ngâm chân rơi vào khoảng từ 20 - 25 phút, tuyệt đối không nên vượt quá nửa tiếng. Bởi vì ngâm chân trong thời gian dài không chỉ gây hại cho da mà còn khiến lượng máu dồn xuống hai chân quá nhiều, gây thiếu máu cung cấp cho não dẫn đến hiện tượng hoa mắt, chóng mặt.
Ngoài ra, không phải ai cũng thích hợp để ngâm chân nước nóng, đặc biệt là người mắc bệnh tiểu đường, người bị suy giãn tĩnh mạch và người bị xơ cứng, tắc nghẽn động mạch.
Bệnh nhân tiểu đường ngâm chân nước nóng rất dễ bị bỏng da do có lớp da chân mỏng và các dây thần kinh không còn nhạy cảm với nhiệt độ của nước. Người bị suy giãn tĩnh mạch nếu ngâm chân trong nước nóng quá lâu sẽ làm tăng lưu lượng máu cục bộ, tăng gánh nặng lên tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch giãn nở và làm bệnh thêm trầm trọng hơn. Còn người bị xơ cứng, tắc nghẽn động mạch nếu ngâm chân sẽ làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu.
Vì vậy, nếu muốn lựa chọn ngâm chân như một phương pháp để cải thiện tình trạng sức khỏe thì cũng cần căn cứ vào thể trạng của bản thân để tránh phản tác dụng.
Ảnh minh hoạ: Không phải ai cũng thích hợp để ngâm chân nước nóng.
3. Dậy sớm
Nhiều người thức dậy lúc 4 hoặc 5 giờ sáng hàng ngày vì nghĩ rằng điều này tốt cho sức khỏe. Việc đi ngủ sớm và dậy sớm quả thực rất tốt cho cơ thể nhưng đó là khi bạn phải đảm bảo ngủ đủ giấc. Nếu dậy sớm nhưng lại đi ngủ rất muộn và mỗi ngày chỉ ngủ được 4 - 5 tiếng thì điều này sẽ không tốt cho sức khỏe.
Ngủ không đủ giấc có thể làm giảm khả năng phục hồi da và gây lão hóa da. Ngoài ra, thiếu ngủ cũng làm tăng nguy cơ bị béo phì do mất cân bằng hormone, người thiếu ngủ tăng sự thèm ăn dẫn tới béo phì. Thiếu ngủ cũng được chứng minh là một trong những yếu tố gây hại cho sức khoẻ tim mạch và làm suy giảm hệ miễn dịch.
Do đó, điểm mấu chốt của giữ gìn sức khỏe không phải là dậy sớm mà là ngủ đủ giấc. Hãy duy trì thói quen nghỉ ngơi điều độ bằng cách đi ngủ trước 11 giờ tối và thức dậy lúc 6 - 7 giờ sáng hôm sau để có một cơ thể khoẻ mạnh.
Ảnh minh hoạ: Không phải cứ ngủ dậy càng sớm là càng tốt, quan trọng là ngủ đủ giấc.
4. Đi bộ
Chúng ta đều biết rằng muốn giữ gìn sức khỏe thì cần duy trì một chế độ tập luyện đúng đắn và đều đặn. Nhiều người nghĩ rằng đi bộ càng nhiều thì càng tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đi bộ quá nhiều có thể quá sức với một số người có thể trạng yếu hoặc có thể gây ra các vấn đề về xương khớp ở người cao tuổi.
Thông thường, một người trưởng thành, khỏe mạnh nên đi bộ khoảng 6.000 đến 7.000 bước (khoảng 30 phút) mỗi ngày là có thể nhận được những lợi ích sức khỏe.
Vì vậy, khi tập luyện thể dục và đi bộ, mọi người cần lựa chọn cường độ luyện tập phù hợp theo tình hình sức khoẻ của bản thân để tránh lợi bất cập hại.
Ảnh minh hoạ: Đi bộ tập thể dục với cường độ vừa phải tốt cho sức khoẻ.
Tóm lại, chăm sóc sức khỏe cũng cần chăm sóc đúng cách, khoa học thì cơ thể mới nhận được lợi ích tối đa.