Với hàng loạt trò lừa đảo và mã độc phát tán trên Facebook trong thời gian qua, nhiều tài khoản người dùng đã bị tin tặc kiểm soát. Cũng có những trường hợp Facebooker tự chia sẻ mật khẩu tài khoản Facebook cho bạn bè, người thân, người yêu... khiến tài khoản giảm độ bảo mật.
Dù tài khoản Facebook có đang an toàn hay không, bạn cũng nên thường xuyên chú ý và kiểm tra một số thông tin sau để có thể sớm phát hiện tài khoản Facebook bị xâm phạm trái phép (nếu có).
1. Từ danh sách kết bạn, thông báo và tin nhắn
Những con số màu đỏ xuất hiện ở nút kết bạn, thông báo hay tin nhắn từng được phân tích là nguyên nhân gây nghiện cho người dùng Facebook. Thực tế, khi nhấn vào đó, người dùng sẽ biết được những thông tin nào mới (bạn mới, tin nhắn mới, bình luận mới...) dựa trên nền đậm, riêng các thông tin cũ (nền trắng) mặc định có thể sẽ bị người dùng bỏ qua.
Danh sách thông báo.
Tuy nhiên, nếu tài khoản bị người khác lẻn truy cập vào, hoặc chỉ đơn giản là có người khác dùng máy tính trong khi bạn rời khỏi cũng có thể khiến một số thông báo bị xem trộm. Nếu như tin nhắn Facebook có thể chuyển từ chế độ đã đọc sang chưa đọc thì các thông báo trong mục Notifications hoàn toàn ngược lại.
Do đó, để kiểm tra xem liệu tài khoản Facebook có bị người khác xem trộm hay không, bạn hãy thử kiểm tra lại các thông báo cũ. Nếu một thông báo bị đánh dấu là đã xem nhưng bạn lại chưa hề xem thì đó là một dấu hiệu cho thấy có thể đã có người lẻn vào Facebook của bạn.
2. Lịch sử hoạt động Like, Comment...
Nếu tài khoản bị người khác sử dụng trái phép và thực hiện thao tác thích hay bình luận ở các bài viết, bạn có thể tìm thấy chúng trong phần Activity Log (vào trang cá nhân, rồi chọn View Activity Log).
Lịch sử hoạt động trên Facebook.
Trong nhiều trường hợp, người khác sử dụng tài khoản Facebook của bạn để tương tác với những nội dung không lành mạnh, phản động có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín của bạn. Vậy nên, kiểm tra danh mục này định kỳ là điều cần thiết.
3. Danh sách thiết bị đã đăng nhập Facebook
Facebook có tính năng lưu lại các phiên đăng nhập tài khoản Facebook từ mọi thiết bị kèm địa điểm cụ thể, bằng cách vào Settings > chọn thẻ Security > nhấn vào Where You're Log In.
Danh sách các thiết bị và thời gian, vị trí đã đăng nhập tài khoản Facebook.
Danh sách hiện ra sẽ cho thấy những loại thiết bị, trình duyệt, ứng dụng, thời gian cụ thể và thậm chí là vị trí địa lý đăng nhập tài khoản Facebook. Hãy thử kiểm tra danh sách này xem có phát hiện một sự đăng nhập lạ nào không. Chẳng hạn, nếu bạn không bao giờ dùng iPad để đăng nhập, nhưng lại phát hiện tồn tại lịch sử đăng nhập "Facebook for iPad" thì hãy nhanh chóng thay đổi mật mã tài khoản, kể cả tài khoản email.
4. Thiết lập nhận SMS khi bị đăng nhập từ thiết bị lạ
Cũng trong thẻ Security ở phần Settings, bạn chọn mục Login Alerts để yêu cầu các cách thức nhận thông báo khi có thiết bị đăng nhập vào tài khoản, như nhận thông báo, nhận email hay nhận tin nhắn SMS qua số điện thoại.
Thiết lập nhận thông báo, email và tin nhắn SMS khi có thiết bị lạ đăng nhập tài khoản.
Mặc dù vậy, báo cáo mới nhất từ trang The Hacker News cho thấy, các kỹ sư Facebook có thể đăng nhập vào khoản tài khoản của người dùng bình thường mà không cần biết mật khẩu của họ. Đồng thời, người dùng cũng sẽ không nhận biết được điều đó dù đã đặt chế độ nhận thông báo. Đại diện Facebook cũng đã xác thực thông tin này.