Do vậy, khi đến xã Trung Hiếu, hỏi về “gia đình đông con”, mọi người sẽ chỉ ngay đến nhà của vợ chồng chị Phạm Thị Năm và anh Nguyễn Văn Tùng (39 tuổi). Căn nhà lá trống trước trống sau nằm sâu trong khu nghĩa địa từ thiện ở ấp An Thành Tây này là tổ ấm của 11 thành viên trong gia đình từ nhiều năm qua.
Anh Tùng bộc bạch: “Nhà đông con, khổ lắm mấy anh ơi. Suốt ngày hai vợ chồng vừa phải đi làm mướn để kiếm tiền đong gạo, vừa phải chia nhau đi mò cua, bắt ốc hay tát cá để làm thức ăn cho bầy trẻ”. Hỏi về những đứa con của mình, anh Tùng chỉ nhớ được tên thường gọi, còn chữ lót và năm sinh của từng đứa thì anh không nhớ nổi.
Theo anh Tùng, những người con của anh được sinh ra tại nhiều địa phương như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp... khi hai vợ chồng tha phương làm thuê kiếm sống. Nhìn vào cuốn sổ hộ khẩu của gia đình, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi giữa lần sinh thứ nhất và thứ hai chỉ cách nhau một năm, sau đó cứ đều đặn 2 năm sinh con một lần. Chị Năm tươi cười cho biết anh chị cưới nhau năm 1995. Trong 18 năm chung sống, chị đã 9 lần sinh được 10 đứa con. Đứa trai đầu lòng tên Nguyễn Thanh Tình đã 17 tuổi và đứa gái nhỏ nhất tên Nguyễn Thị Yến Ngọc mới 2 tuổi. Trong cặp con sinh đôi năm 2009, nay chỉ còn lại Nguyễn Thị Yến Vy, còn Nguyễn Thị Thảo Vy đã bị bệnh chết lúc mới 6 tháng tuổi. “Tài sản duy nhất của vợ chồng tôi hiện giờ là... 9 đứa con. Do nhà nghèo nên đứa lớn phải nghỉ học giữa chừng và đang học sửa xe. Hiện cả hai vợ chồng đều ráng sức làm lụng để lo cho 5 đứa con lớn học hành đàng hoàng, nhưng không biết có lo nổi không nữa”, chị Năm nói.
Hiện các con của anh chị vừa học vừa phải đi bán vé số để kiếm tiền phụ lo quần áo, sách vở... Ông Trần Quang Nhơn, Trưởng ban nhân dân ấp An Thành Tây (xã Trung Hiếu), cho biết: “Gia đình anh Tùng ở đậu trên mảnh đất của một người quen tại địa phương từ nhiều năm nay. Thấy gia đình anh chị đông con nên cán bộ dân số đã đến vận động triệt sản”.