35 ngàn giáo viên thất nghiệp: Giật mình chương trình đào tạo

Hiện nay, rất hiếm học sinh giỏi thi vào sư phạm, nhất là các trường sư phạm địa phương. Thí sinh thi ngành sư phạm chỉ đạt kết quả học tập trung bình, thậm chí là yếu.

Giáo viên được đào tạo chưa tương xứng với yêu cầu chất lượng, kỹ năng sư phạm yếu… đang là những bất cập, hạn chế và thiếu thống nhất trong việc đào tạo giáo viên hiện nay.

35.000 giáo viên thất nghiệp

Tại hội thảo “Đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục Việt Nam” được ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) tổ chức ngày 27/12, TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TPHCM thẳng thắn: Hiện đang có khoảng 35.000 giáo viên thất nghiệp đã chỉ ra một thực trạng: Việc đào tạo nguồn giáo viên đang có vấn đề.

ThS. Nguyễn Thị Thu Biên (ĐH Phạm Văn Đồng) cho biết: “Có quá nhiều trường đào tạo sư phạm dẫn đến tranh nhau để tồn tại bất chấp thực lực đã góp phần làm cho chất lượng giáo viên suy giảm. 

Hiện nay, rất hiếm học sinh giỏi thi vào sư phạm, nhất là các trường sư phạm địa phương. Thí sinh thi ngành sư phạm chỉ đạt kết quả học tập trung bình, thậm chí là yếu”.


Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh (Viện Nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM), có quá nhiều mô hình đào tạo giáo viên và nguồn cung cấp giáo viên như từ các trường sư phạm, các khoa sư phạm của các trường đa ngành, từ các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho cử nhân ngoài sư phạm mà không cần thực tập… dẫn đến chất lượng không đồng đều.  

Mặc dù chương trình khung của Bộ GDĐT đã được ban hành, nhưng sự thiếu thống nhất trong đào tạo một ngành giữa các trường và giữa các ngành trong một trường vẫn thường xảy ra. 

Một bộ phận giảng viên và cán bộ quản lý các trường sư phạm ít gắn bó với trường phổ thông, tình trạng giảng viên không đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp ở các trường sư phạm vẫn còn phổ biến. 

Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh, việc tuyển sinh đầu vào của khối ngành sư phạm đang có vấn đề, hầu như các cơ sở đào tạo chỉ chú trọng đến điểm thi văn hóa mà không kiểm tra những phẩm chất cần có của một người thầy như tính cách, hạnh kiểm… 

Việc các trường phổ thông hiện nay chỉ lo dạy chữ mà ít quan tâm đến “dạy người” một phần cũng do việc tuyển sinh vào các trường sư phạm chưa thật sự toàn diện.

Giáo viên cũng thiếu kỹ năng sống

TS Vũ Lan Hương (Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM) cho biết, cấu trúc chương trình đào tạo ở các trường sư phạm chưa coi trọng việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, các môn học nghiệp vụ thiên về lý thuyết, tách rời thực tế. 

Ngay cả công tác bồi dưỡng giáo viên hàng năm do Bộ GDĐT tổ chức cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, coi nhẹ kỹ năng sư phạm, chủ yếu bồi dưỡng qua hình thức nghe giảng tập trung, không thiết thực với giáo viên.

Những trường hợp giáo viên bắt học sinh ăn ớt khi mất trật tự; thầy giáo tát học sinh; giáo viên tạt axit đồng nghiệp… xảy ra trong thời gian qua là hồi chuông cảnh báo về thực trạng kỹ năng sống của giáo viên hiện nay.

Theo ThS. Trần Quốc Duyệt (ĐH An Giang), việc cần thiết hiện nay là phải đổi mới chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm, bắt buộc phải có các giờ dạy mẫu, kéo dài thời gian thực tập của sinh viên… 

Hạn chế lớn nhất của đào tạo sư phạm hiện nay là thời gian thực tập của sinh viên quá ít (3-4 tuần) trong khi theo nhiều chuyên gia, để đảm bảo một sinh viên sư phạm ra đứng lớp có hiệu quả thì phải dành ít nhất 1 năm để thực tập.

Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS Ngô Minh Oanh nêu quan điểm, cần áp dụng mô hình đào tạo 5 năm, trong đó có 1 năm để sinh viên thực tập.

Để nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm địa phương, theo ThS. Nguyễn Thị Thu Biên, cần phải nâng cao chất lượng từ thí sinh đầu vào; việc xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm phải căn cứ vào nhu cầu dự báo về đội ngũ giáo viên trong vòng 4-5 năm tới…

PGS.TS Ngô Minh Oanh cho biết, cần cho sinh viên sư phạm tiếp xúc với trường phổ thông ngay từ năm đầu tiên giống như ngành y, là rất quan trọng. Hậu quả của việc thiếu trình độ, chuyên môn của người thầy cũng để lại hậu quả xấu không thua gì bác sĩ yếu kém chuyên môn gây ra. 

Cần có một cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa trường phổ thông với các trường sư phạm. Sự phối hợp này không chỉ dừng lại ở việc “giao – nhận” sinh viên thực tập mà còn phối hợp trong việc rèn luyện, đánh giá sinh viên, trong việc đổi mới nội dung chương trình đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.