Phận hồng nhan truân chuyên
Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con thuộc xóm Thượng Nguyên xã Hồng Sơn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) Trần Thị Hằng (1969) sớm phải nghỉ học theo mẹ xuống bãi nước lợ của dòng sông Thái bắt con còng, con cấy đem ra chợ bán. Cái đói, cái nghèo luôn hiển hiện trong từng bữa ăn, giấc ngủ, đè nặng lên vai từng thành viên trong mỗi gia đình.
Thiếu ăn mùa giáp hạt như một bài ca muôn thuở bám riết. Cô như cây cỏ dại lớn dần lên trong gió lào nắng gắt. Bất chấp cái đói nghèo, càng lớn, Hằng càng đẹp tựa như bông lục bình vươn lên trong dòng nước đục. Trời phù cho Hằng dáng người cao ráo, làn da trắng nõn nà, mái tóc dài chấm gót và một cơ thể căng tràn sức sống tuổi dậy thì.
Chị Hằng trở về trong vòng tay của mẹ già sau 30 năm tủi nhục trên đất khách quê người
15 tuổi, cô nổi tiếng khắp làng làm bao chàng trai ngẩn ngơ say đắm. Vẻ đẹp hoang sơ tinh khiết của cô thôn nữ lọt vào tầm ngắm của bà Thi, bà Chất, hai kẻ chuyên buôn hàng chuyến từ chợ Giát ra biên giới bán. Nhân một hôm gặp cô xuống chợ bán mớ ốc, chúng mon men đến gần nhỏ to tâm sự, rồi vẽ ra một viễn cảnh huy hoàng ở chân trời xa lắc xa lơ mà cô chưa một lần được đặt chân tới. Chúng bảo, cô đến đó sẽ chỉ bán hàng, ăn ngon, mặc đẹp, có nhiều tiền gửi về giúp gia đình. Cô chần chừ ra về, nhưng sự háo hức của tuổi mới lớn cùng ảo ảnh cuộc sống nơi đô hội đã thắng.
Một sáng mùa đông năm 1984 rét cắt da cắt thịt, cô vừa mang mớ còng xuống đến chợ Giát thì bà Chất, bà Thi ào đến giục: “Có chuyến xe về đón, cháu phải đi ngay kẻo lỡ”. Chẳng kịp báo với bố, mẹ, cô líu ríu mượn cái xe đạp hối hả phóng theo bà Chất. Ra đến ngã tư cầu Giát, bà Chất đưa Hằng lên một chiếc xe tải bịt kín, trong đó có 3 cô gái khác đã ngồi sẵn, chiếc xe nổ máy vội vã rời thị trấn.
15 tuổi, lần đầu tiên được ngồi ô tô, Hằng thấy lạ lẫm, thích thú, nhưng trong lòng vẫn vẩn vơ nỗi lo lắng mơ hồ về tương lai phía trước. Xe chạy một lèo ra đến Móng Cái (Quảng Ninh), Chất phát cho mỗi đứa một gói cơm, chai nước nói: “Sắp đến chỗ sung sướng rồi, làm ra nhiều tiền đừng quên chị nhé”. Cả bọn phấn chấn uống nước rồi bỗng ríu mắt, lịm dần…Hằng mơ màng thấy mình được đưa xuống một con thuyền vượt sông, sang bên kia biên giới, rồi nghe loáng thoáng tiếng nói lao xao rất lạ không hiểu được. Khi tỉnh lại, Hằng thấy mình cùng các bạn bị nhốt trong một tầng hầm, còn bà Chất đã biến đâu mất dạng. Họ không hề biết rằng mình đã bị bán trao tay cho "mẹ mìn" bên Trung Quốc, tương lai phía trước các cô kể từ giờ phút này giăng đầy cạm bẫy.
Thoát “tổ quỷ” rơi vào “miệng cọp”
Đang phập phồng lo sợ, thì một người đàn bà có tên là Lệ Lệ tròn như trái bí, mắt xanh, mỏ đỏ lừng lững như một khối thịt tiến vào nói tiếng Việt lơ lớ: “Ngộ mua bọn bay mất nhiều tiền lắm, lo “đi khách” trả nợ thì được sung sướng, chống lại sẽ xử nặng”.
Đêm ấy, Hằng bị đẩy vào một căn phòng và bất ngờ "ngã ngửa" khi gã đàn ông trần như nhộng lao đến xé toang quần áo rồi vật cô xuống. Hằng ra sức chống cự, nhưng không sao đấu lại được với con hổ dữ. Lợi dụng lúc hắn định cưỡi lên bụng, Hằng dùng hết sức bình sinh đạp mạnh một phát làm hắn rống lên như lợn bị chọc tiết. Cửa bật mở, hai tên đầu gấu xông vào, lôi Hằng xềnh xệch đến trước mặt Lệ Lệ. Không nói không rằng, mụ này vung tay tát liên tục hai ba cái như trời giáng, làm Hằng ngã sấp xuống, mái tóc dài óng ả bung ra. Lệ Lệ, sững lại trước vẻ đẹp của Hằng, ả lập tức thay đổi thái độ.
Dù cuộc sống nghèo khó nhưng đầm ấm bình yên.
Từ đó, Hằng được làm các công việc bưng bê, được ăn uống tử tế và mặc quần áo đẹp. Tuy nhiên hàng ngày, cô phải chứng kiến cảnh hàng chục cô gái Việt bị hành hạ chẳng khác gì ở địa ngục trần gian. Họ tiếp khách quần quật kể cả những ngày “đèn đỏ”. Ai không nghe lời liền bị đánh đập dã man, bỏ đói, bỏ rét cho đến khi phải lạy chị Lệ Lệ tha cho. Để phạt các cô gái cứng cổ, chúng nung que sắt bỏ vào đùi cho thịt cháy xèo xèo bốc mùi khét lẹt, trói ngược đổ nước xà phòng vào miệng, buộc túm hai ống quần lại rồi thả rắn cho chui vào “chỗ kín”. Nhìn cảnh ấy, Hằng cứ run lên cầm cập.
Một hôm, có người đàn ông trạc độ tứ tuần tên gọi Vương An đi xe con đến. Hắn đi vòng quanh Hằng, nắn tay, xoay người rồi nói “hảo hảo” và trao cho Lệ Lệ một số tiền lớn. Mụ gọi Hằng lại bảo:“Ngộ thương em ngoan ngoãn, nên cho về làm vợ đại gia này. Em về, chịu khó chiều chuộng nó, sau này nó đưa về Việt Nam”. Hằng Nghĩ “Lấy chồng giầu còn hơn làm gái điếm”, nên xách đồ theo hắn lên xe trong khi tim đập loạn xạ vì lo lắng.
Xe chạy chừng 3km thì đến “nhà”. Hằng bước chân theo “chồng” không đám cưới, không đưa đón, không nội ngoại, đời người con gái đi "lấy chồng" tủi nhục, khiến Hằng bật khóc, nước mắt đong đầy vạt áo.
“Đêm tân hôn”, Vương An, lao vào như con thú vồ mồi, xé nát hết quần áo của Hằng để cưỡng đoạt, cô thét lên đau đớn rồi ngất lịm. Ngoài trời, mưa tuôn xối xả, sấm chớp cũng nỗi cơn thịnh nộ. Suốt trong 2 ngày sau đó, Hằng ăn cơm hộp phục vụ “chồng” bằng những tư thế kỳ quái, không được ra khỏi “nhà” một bước.
Ngày thứ 3, có 3 người đàn ông khác mua mồi đến nhậu rồi thay nhau cưỡng hiếp cô. Đêm hôm sau lại 3 gã khác. Cô nằm bất động, câm lặng không khóc được nữa. Đêm thứ 5, sau khi cả bọn đã thỏa mạn dục vọng ngủ lăn lóc, cô mở cửa lẻn ra. Gặp một chiếc xe ôm vừa chạy tới, cô vội vàng leo lên như "bắt được vàng". Không ngờ, xe chạy vòng vèo rồi chở cô chạy tuốt về động …Lệ Lệ. Thì ra, đại gia kia mua trinh của cô trong 5 ngày. No xôi chán chè, hắn gọi bạn đến “bán lại” để gỡ gạc. Chạy trốn là màn kịch chúng dựng lên để “trói” cô.
Từ đó, cô trở thành cái máy đẻ tiền của "chị Cả" và bị giám sát cẩn thận, đi vệ sinh cũng có người theo. Khách làng chơi cứ vào động là gọi “Người đẹp tóc dài”, có ngày cô phải tiếp đến 30 lượt khách. Uất hận, tủi cực, cô đổ giận dữ lên mái tóc bằng cách cầm kéo cắt xoẹt mái tóc dài.
Một năm sau, thấy cô ngoan ngoãn “làm việc”, Lệ Lệ nới lỏng giám sát. Một đêm tối trời cô bỏ trốn, chạy bán sống bán chết qua nhiều ngọn đồi rồi lạc vào một bãi tha ma. Khát quá, thấy cái huyệt vừa cải táng có nước, cô lê đến uống ừng ực rồi lịm đi. Cô tỉnh lại khi cơn đói hành hạ rồi trườn đến ngôi mộ mới, trên có bát cơm cúng cho vào miệng nhai ngấu nghiến. Một thiếu phụ đi thăm mộ thấy cô sợ líu cả lưỡi, miệng ú ớ kêu “Ma…ma”. Nghe tiếng mẹ đẻ, cô bật khóc nức nở vì mừng.
Thiếu phụ định thần bảo: “Về ở với dì, chịu khó làm ăn rồi dì gửi về Việt Nam”. Tin lời, Hằng ra sức làm việc, không quản ngày đêm. Mấy tháng sau, một thanh niên tên Li Hao tìm đến nhà, “Dì” bảo Hằng gói đồ đạc theo hắn. Chuyến xe nặng nề ngược lên triền dốc thả cô xuống một vùng quê nghèo xác xơ. Li Hao ra hiệu hắn đã mua Hằng làm vợ. Nhà này mẹ đã chết, 3 cha con đàn ông ở với nhau. Đêm đó trên chiếc giường ọp ẹp, Hằng lại nằm bất động, mắt mở trừng trừng, ráo hoảnh, mặc Li Hao muốn làm gì thì làm.
Sau 30 năm xa cách, anh chị em Hằng mới được đoàn tụ.
Buổi sáng, hai anh em chúng vào rừng, ông bố ở nhà xông đến cưỡng hiếp Hằng. Buổi chiều, đến lượt thằng em ở nhà canh chừng và tiếp tục cưỡng đoạt cô. Hàng ngày, cô phải làm việc quần quật từ mờ sáng đến chập tối và làm nô lệtình dục cho cả 3 cha con. Đắng cay, nhục nhã, ý định chạy trốn lại trỗi dậy.
Đêm 30 tết, bên mâm cỗ tất niên, Hằng chuốc cho 3 cha con chúng say khướt rồi xé màn đêm lao đi. Cô đi mãi, đi mãi cho đến lúc mệt lã, ngã gục bên gốc cây ven đường. Một phụ nữ Trung Quốc tên Tiểu Hy “nhặt” được Hằng đưa về chăm sóc. Tưởng gặp được người tốt nên khi tỉnh lại Hằng ra hiệu muốn về Việt Nam, mụ này gật đầu “Hảo… hảo”. Hằng lại siêng năng làm lụng mong ngày về.
Một hôm mụ ra hiệu cho Hằng lên xe đi theo, đến một vùng quê khô cằn sỏi đá, mụ bán Hằng cho một người đàn ông chừng 50 tuổi rồi biến mất. Xóm nghèo này có tên là Ma Lật Pha có hàng chục chị em phụ nữ Việt bị bán làm vợ từ 10 đến 20 năm qua. Do được đẻ thoải mái, ai cũng nhiều con và nghèo, trốn đi cũng không có tiền.
Con họ vẫn được đi học nhưng bản thân họ không được chính quyền Trung Quốc cho nhập khẩu, nhiều người đã quên hết tiếng mẹ đẻ. Chồng Hằng tên Vương Mỗ, hiền nhưng nát rượu và cục tính nên nghèo xác nghèo xơ. Hằng cắn răng chấp nhận số phận. Hàng ngày, chồng đi xây, chị làm ruộng, và sinh được 2 gái 1 trai. Nhưng suốt ngày thường bị đánh đập tàn nhẫn mỗi khi chồng uống rượu và phải làm việc như nô lệ.
Dù đã có 3 con, nhưng nỗi nhớ quê và sự uất hận luôn chứa chất trong lòng, ý định phải trốn luôn thôi thúc cô. Trong một lần đi chợ, Hằng gặp được chị Hoa, người Việt Nam lấy chồng sang đây đã lâu, chuyên buôn hàng từ dưới xuôi lên chợ vùng núi bán. Khi nghe Hằng trình bày nguyện vọng, Hoa sốt sắng nhận lời và hẹn 9 giờ đêm ra căn lều sát góc chợ, Hoa sẽ đón đưa về Việt Nam.
Tưởng gặp được đồng hương tốt bụng, Hằng mừng đến trào nước mắt. Đợi cho chồng xỉn ngủ say, Hằng ôm hôn các con rồi không dám mang theo đồ đạc mà lặng lẽ bỏ đi. Hằng được Hoa dẫn bộ xuyên rừng ngoằn nghèo quanh co hết đêm, ra đường lớn bắt xe đò, rồi vượt sông mãi đến tối hôm sau thì đến nhà một ông già thọt chân chừng 65 tuổi. Hoa bảo Hằng trốn tạm ở đây để Hoa đi tìm xe về Việt Nam. Khi Hoa biến mất, Cụ già mới cho Hằng biết, cụ phải đưa cho Hoa 400 tệ mới mua được Hằng làm vợ. Hằng bật khóc.
Trở về quê mẹ
Tại ngôi làng héo lánh này có một người đàn bà tên Tâm, bị bán sang đây lấy chồng Trung Quốc đổi tên là Hồng Hồng người Quảng Xương (Thanh Hoá), mỗi năm thường về Việt Nam buôn bán 6, 7 lần. Khi nghe Hằng kể về cuộc đời mình, chị hứa lúc mang hàng về Việt sẽ cho theo, chồng Hồng Hồng cũng nhất trí cho Hằng theo về thăm quê và cung cấp tiền phí.
Khốn nỗi, Hằng không còn nhớ tên làng, tên xóm, xã chỉ nhớ độc một địa danh là ngã tư Cầu Giát. Tiếng mẹ đẻ cũng chỉ còn nhớ và nói được vài tiếng bập bẹ khó nhọc. Tuy nhiên, Hồng Hồng nghĩ ra cách đưa Hằng về nhà bố mẹ đẻ của mình tại Quảng xương (Thanh Hoá) rồi dặn: “Em theo chú lơ xe về, họ sẽ thả en ở ngã tư cầu Giát, nếu không tìm được gia đình, quay lại đây chị đưa trở lại TQ với chồng".
Khi chú lơ xe thả Hằng xuống ngã tư, còn nhiệt tình gọi tất cả các chú xe ôm đến trình bày sự viêc nhờ họ giúp. Hằng chỉ nhớ mình người họ đạo thiên chúa nhà ở gần đây. Do xe ôm không biết, nên lơ xe để lại số điện thoại của mình, rồi hôm sau đi ra lại chở Hằng về nhà Hồng Hồng. Trong lúc đó, các chú lơ xe bàn nhau: Gần chợ Giát chỉ có hai xóm đạo thuộc xã Quỳnh Lâm và Hồng Sơn, từ đó họ lần tìm được mẹ đẻ của Hằng.
Do đau buồn vì con đột nhiên mất tích, bố Hằng đã qua đời cách đây chục năm. Hằng còn hai em trai, một anh trai và 3 em gái. Nhận được cuộc điện thoại, em trai Hằng là Trần văn Chỉnh đã ra tận nhà Hồng Hồng đón chị trở về. Cả gia đình đoàn viên trong nước mắt. Không ai còn nhận ra được cô bé Hằng đẹp nhất làng ngày xưa và Hằng cũng khó lòng nhận ra nét quen thuộc của những người thân trong gia đình.
Ngày hôm sau, Hằng đến Công an vạch mặt bọn buôn người, nhưng chúng đều đã chết do bị đánh trong một vụ móc túi khác ở chợ Giát. Ngồi nghe, người phiên dịch thuật lại từng lời kể đẫm lệ của Hằng, chúng tôi không thể nén được xúc động và niềm cảm thương dành cho cô. 30 năm kinh hoàng, 30 năm ấy những tưởng người con gái này sẽ phải chôn vùi cuộc sống nơi xứ người, nhưng bằng ý chí phi thường cô đã lần tìm về được cố quốc trong niềm hạnh phúc tột đỉnh của người thân. Mong rằng, từ đây cuộc sống của Hằng sẽ được yên ấm và bình yên trên quê hương đất mẹ Việt Nam.