Kể từ ngày 31/3/2015, 70 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) chính thức hủy niêm yết toàn bộ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM.
Tại đại hội cổ đông bất thường 2014, đại diện MPC cho biết không có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trở lại do việc niêm yết cổ phiếu ảnh hưởng đến công tác đàm phán giá bán tôm giữa MPC với khách hàng.
Minh Phú là tập đoàn thủy sản gia đình do vợ chồng doanh nhân Lê Văn Quang - Chu Thị Bình thành lập.
Năm 2006, Minh Phú lên sàn chứng khoán niêm yết nhằm mở mang, huy động vốn để đầu tư.
Minh Phú có vốn điều lệ 700 tỷ đồng và là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất niêm yết trên sàn.
Một cánh tay đắc lực hỗ trợ ông Quang – bà Bình trong việc kinh doanh của Minh Phú chính là cô con gái cả của ông bà: Lê Thị Dịu Minh.
Dịu Minh hiện tại là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Nghiên cứu Phát triển, kiêm Giám đốc Bộ phận chiến lược Nghiên cứu và Phát triển.
Ông Lê Văn Quang – Vua tôm
Ông Quang sinh năm 1958 tại Quảng Ninh. Ông đã tốt nghiệp Kỹ sư Công nghiệp chế biến thủy sản.
Ông Quang bắt đầu làm việc trong ngành chế biến thủy sản từ năm 1981, với vai trò một Cán bộ kỹ thuật sở thuỷ sản Minh Hải.
Từ năm 1983 đến 1988, ông là Phó phòng thu mua Công ty Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Minh Hải rồi Quản đốc phân xưởng Công ty Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Minh Hải.
Từ năm 1992 ông chính thức trở thành Chủ doanh nghiệp tư nhân Minh Phú và từ năm 2006 đến nay ông là Tổng giám đốc kiêm CTHĐQT MPC, Chủ tịch Hội đồng quản trị một số công ty con.
Trong ngành kinh doanh thủy sản, ông Quang được mệnh dành “vua tôm”.
Hiện tại, trong danh sách Top 100 doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2014, ông Quang đang đứng ở vị trí thứ 12.
Bởi lẽ, doanh nghiệp của ông là doanh nghiệp hàng đầu về chế biến tôm xuất khẩu.
Tại lễ công bố và vinh danh Bảng xếp hạng “50 Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp – Mark of Respect 2014” diễn ra hồi đầu tháng 1/2015, ông Quang vinh dự được nhận giải thưởng nhà lãnh đạo xuất sắc nhất.
Chu Thị Bình – “Bà trùm” chứng khoán đầu tiên
Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp THPT, bà Bình không thi ĐH mà cùng cậu vào Nam lập nghiệp. Sau khi kết duyên cũng ông Quang, 2 vợ chồng bà đã cùng nhau tạo dựng sự nghiệp.
Ban đầu chỉ với nguồn vốn 120 triệu đồng, doanh nghiệp tư nhân Minh Phú ra đời với sự trợ giúp của bạn bè.
Bà bắt đầu từ công việc của một công nhân thu mua tôm và cùng chồng tạo dựng cơ ngơi.
Sau đó, quy mô hoạt động của doanh nghiệp ngày càng mở rộng, vợ chồng bà xây dựng Nhà máy xuất khẩu thủy sản Minh Phú.
Năm 2006, Minh Phú lên sàn chứng khoán niêm yết cũng là năm mà tên tuổi của bà được giới đầu tư và truyền thông biết đến. Bà Bình chính là người giàu thứ 5 trên sàn chứng khoán trong năm 2006.
Tuy nhiên, nếu chỉ tính các nữ doanh nhân trên sàn chứng khoán thì bà Bình lại là người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Bà chính là “bà trùm” chứng khoán đầu tiên tại thời điểm đó.
Thế nhưng, thị trường chứng khoán những năm sau có nhiều biến động khiến ngôi vị của bà trở nên bấp bênh.
Năm 2007, giá trị cổ phiếu MPC mà bà Bình nắm giữ sụt giảm khiến bà bị đánh bật ra khỏi Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán.
Kể từ đó, tên tuổi của bà dần đi vào lãng quên và vị trí nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán một thời của bà cũng không mấy ai nhớ đến.
Chỉ đến tháng 8/2014, khi cổ phiếu MPC tăng phi mã thì bà Bình mới nhận được sự chú ý của giới đầu tư chứng khoán.
Trong năm 2014 vừa qua, bà Bình có thêm 1.457 tỷ đồng nhờ sự tăng giá của cổ phiếu MPC. Bà Bình cũng là người kiếm được nhiều tiền nhất trên sàn chứng khoán Việt năm 2014.
Bà Bình “chiếm giữ” vị trí số 9 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2014 với số tài sản gần 1.800 tỷ đồng.
Lê Thị Dịu Minh – Ái nữ tỷ phú
Minh là cô con gái cả của ông Quang – bà Bình. Trong danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2014, bà Dịu Minh đang đứng ở vị trí thứ 38.
Cá nhân Dịu Minh nắm giữ 3,16 triệu cổ phiếu MPC. Tính theo giá hiện hành, giá trị cổ phiếu cô nắm giữ đạt 330 tỷ đồng.
Với số lượng cổ phiếu trên, ái nữ của ông Lê Văn Quang dẫn đầu top 5 triệu phú có tài sản gia tăng nhanh nhất trong năm 2014.
Theo nhận xét của một số lãnh đạo MPC, Dịu Minh có năng lực, ham học hỏi, giúp được không ít việc cho cha cô cũng như cả tập đoàn.
Tuy nhiên, Dịu Minh có tiếp quản công việc của cha cô hay không, hiện khó có thể trả lời, bởi cô đã lập gia đình. Nhà chồng bà Minh cũng có công ty rất lớn, hoạt động trong lĩnh vực khác ngành thủy sản.
Ước tính, số tài sản trên sàn chứng khoán của 3 vị đại gia này trên sàn chứng khoán tính đến hết năm 2014 là gần 4.000 tỷ đồng.
Khi Minh Phú hủy niêm yết, đồng nghĩa với việc 3 đại gia trong Top 100 doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt “biến mất”.