100.000 cử nhân thất nghiệp trong năm 2013 là số liệu được công bố tại Hội thảo “Tăng cường phân luồng học sinh nghề sau trung học” do Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động thương binh và xã hội tổ chức sáng 22.1 tại TP.HCM.
Loay hoay với phân luồng
Theo PGS-TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (thuộc tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động thương binh và xã hội) thì trong năm 2013 có một triệu lao động thất nghiệp. Trong đó có gần 49% số người ở độ tuổi từ 16 - 24, có khoảng 100.000 người có bằng đại học.
Theo nhiều đại biểu tham gia hội thảo, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do công tác phân luồng học sinh sau trung học ở Việt Nam kém hiệu quả.
Giáo sư Nguyễn Lộc, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục (Bộ Lao động thương binh và xã hội) cho biết: “Ở các nước phát triển, người ta đã phổ cập đại học hết rồi, trong khi chúng ta đang loay hoay với việc phân luồng”.
Đặc biệt, các chuyên gia giáo dục tại hội thảo nhận định: Việc phân luồng, hướng nghiệp dường như chỉ đổ trên đầu giáo viên các môn kỹ thuật, công nghệ, hoặc giáo viên bộ môn khác (ở trường THCS), nhưng những giáo viên này lại không được đào tạo bài bản, chưa có kinh nghiệm, chuyên môn.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng đánh giá, các cơ sở đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp chưa hấp dẫn được người học, chất lượng đào tạo nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu xã hội.
Cần thành lập ban chỉ đạo phân luồng
Đề xuất về giải pháp cho vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM, cho biết: “Chúng ta phải có một ban chỉ đạo phân luồng chung từ địa phương đến trung ương. Vì thực chất, hiện nay tổ chức quản lý phân luồng học sinh chưa thật sự khoa học, chồng chéo dẫn đến việc nguồn lực sử dụng lãng phí. Điển hình là 2 bộ: Giáo dục, Bộ Lao động thương binh xã hội".
“Bởi vì cả 2 ngành này cùng làm những công việc như nhau từ trung ương đến địa phương, và thậm chí đến các cơ sở đào tạo”, ông Thanh nói thêm.
Đồng tình với quan điểm này, giáo sư Nguyễn Lộc nói: “Việc thành lập một ban chỉ đạo chung là hết sức cần thiết. Vì có như vậy, chúng ta mới có thể thống nhất trong triển khai, quản lý, đánh giá”.
Một vấn đề khác cũng được đặt ra là ngành giáo dục cần cho học sinh đến tham quan tại doanh nghiệp, hoặc cho các em có điều kiện tìm hiểu kỹ ngành nghề, thay vì chỉ hướng dẫn, tư vấn trên lý thuyết.
Hiện nay, ngành giáo dục TP.HCM đang làm một đề án phân luồng học sinh sau trung học, sẽ trình UBND TP.HCM vào thời gian tới.
Theo đề án này, ngành giáo dục có áp dụng mô hình 9+5. Nghĩa là sau khi học lớp 9, nếu các em không đủ điều kiện vào THPT, thì có thể vào các trường có đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, để 5 năm sau, các em có thể có bằng cao đẳng.
Giáo sư Nguyễn Lộc cho rằng mô hình 9+5 là mô hình của Nhật, rất phát triển, nếu chúng ta áp dụng được thì đúng xu thế phát triển chung.