10 sân vận động lớn nhất thế giới

Với 150.000 chỗ ngồi, Rungrado May Day ở Triều Tiên được công nhận là sân vận động có sức chứa "khủng" nhất trên thế giới.

1. Rungrado May Day (Triều Tiên, 150.000 chỗ ngồi)

Rungrado May Day nằm ở Pyongyang, Triều Tiên được xây dựng năm 1989. Đây là một trong những sân vận động đẹp nhất giữa những năm 1980 thế kỷ trước. Nếu nhìn từ trên xuống, Rungrado tựa như một bông hoa đang nở. Không chỉ là nơi diễn ra những trận bóng đá hấp dẫn, sân vận động này còn là nơi tổ chức đấu vật. Năm 1995, đã có 190.000 cổ động viên chen chúc trong này để xem một trận đấu vật.

2. Salt Lake (Ấn Độ, 120.000 chỗ ngồi)

Sân vận động có sức chứa 120.000 cổ động viên được xây dựng từ năm 1984 với lối kiến trúc ba tầng, giúp khán giả có thể nhìn rõ nhất những diễn biến trên sân. Salt Lake là nơi diễn ra chủ yếu môn bóng đá và điền kinh.

3. Michigan (Mỹ, 109.901 chỗ ngồi)

Được biết đến với tên gọi "The Big House" (Ngôi nhà lớn), sân vận động Michigan xây dựng năm 1925 chỉ với sức chứa 72.000 người. Tuy nhiên, sau vài lần tu sửa và mở rộng, Michigan đã có thể phục vụ 109.901 cổ động viên, trở thành một trong sáu sân vận động lớn nhất thế giới.

4. Beaver (Mỹ, 107.282 chỗ ngồi)

Beaver là sân vận động của CLB Penn State Nittany Lions của trường đại học Park, Pennsylvania. Năm 1960, Beaver được xây dựng chỉ với 46.284 chỗ ngồi, sau đó mới được sửa chữa và nâng lên thành 107.282.

5. Estadio Azteca (Mexico, 105.000 chỗ ngồi)

Đây là sân vận động lớn nhất khu vực Bắc Mĩ và nằm ngay ở trung tâm thành phố của Mexico. Estadio Azteca là nơi duy nhất vinh dự được hai lần tổ chức World Cup vào các năm 1970, 1986. Sân vận động này được xây dựng nhằm phục vụ Olympics 1968.

6. Neyland (Mỹ, 102.455 chỗ ngồi)

Sân vận động Neyland nằm ở Knoxville, bang Tennessee, chủ yếu là sân nhà của đội bóng bầu dục Tennessee Volunteers, những cũng được sử dụng để tổ chức các hội nghị lớn. Được xây dựng từ năm 1921, trải qua 16 dự án mở rộng, có thời gian, Neyland có thể chứa được 104.079 cổ động viên

7. Ohio (Mỹ, 102.329 chỗ ngồi)

Được khởi công xây dựng từ năm 1922, trải qua nhiều lần nâng cấp, hiện tại sân nhà của đội bóng bầu dục Ohio State Buckeyes có sức chứa 102.329 người. Ngoài ra, Ohio cũng thường xuyên tổ chức các buổi biễu diễn ca nhạc quy mô lớn.

8. Bryant-Denny (Mỹ, 101.821 chỗ ngồi)

Nằm ở thành phố Tuscaloosa, bang Alabama, Hoa Kỳ, sân vận động được mở cửa lần đầu tiên năm 1929. Ban đầu, sân vận động này được lấy tên là Denny để tỏ lòng tôn kính tới cựu thống đốc bang Alabama - George Hutchenson Denny.

9. Darrell K. Royal-Texas Memorial (Mỹ, 100.119 chỗ ngồi)

Sân vận động này trước đây từng có rất nhiều tên gọi như: sân vận động tưởng niệm chiến tranh, sân vận động tưởng niệm và sân vận động tưởng niệm Texas (War Memorial Stadium, Memorial Stadium, Texas Memorial Stadium).

10. Melbourne Cricket Ground (Australia, 100.018 chỗ ngồi)

Được xây dựng từ năm 1853, Melbourne Cricket Ground được coi là một trong những sân vận động lâu đời nhất. Lúc đầu, nơi đây có thể chứa được 130.000 người, tuy nhiên sau nhiều lần cải tạo, con số này đã bị thu hẹp xuống 100.018.