'Xe bus phụ nữ' bắt đầu chạy tại Hà Nội vào ngày 5/1/2014

10 ngày nữa, “xe buýt phụ nữ” sẽ bắt đầu chạy thí điểm tại một số tuyến đường Hà Nội để hạn chế nạn quấy rối tình dục.

Ông Nguyễn Hoàng Hải (Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội) cho biết, TP. Hà Nội đã chính thức quyết định chủ trương tổ chức xe buýt dành riêng cho phụ nữ và có trẻ em đi cùng. Theo đó, UBND TP. Hà Nội đã giao cho Trung tâm quản lý giao thông – Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chủ trì thí điểm xe buýt cho phụ nữ.

3 trục chính có “xe bus phụ nữ”

Ông Hải cho biết, Sở giao thông vận tải đang phối hợp với công ty vận tải Hà Nội (Transerco) bắt đầu cho “xe buýt phụ nữ” chạy từ ngày 5/1/2015. Bước đầu, xe buýt phụ nữ sẽ được bố trí trên 3 trục chính bao gồm: Trục đường số 1 đi về Nam của thành phố (khu vực trục đường Giải Phóng). Trục số 2 là hướng về quốc lộ 6 (đường Nguyễn Trãi – Thanh Xuân). Trục số 3 là hướng quốc lộ 32 (Cầu Giấy – Xuân Thủy). Đây là những trục đường đi qua nhiều trường đại học. Nhiều trẻ em và phụ nữ có nhu cầu đi lại trong giờ cao điểm trên các tuyến này.

Khi được hỏi sẽ tăng xe, tăng lượt như thế nào, ông Hải cho hay, việc này sẽ tùy thuộc tình hình thực tế trên từng tuyến, không chuyên biệt cho tuyến xe cụ thể.

Về cách phân biệt xe buýt phụ nữ với các xe khác, theo ông Hải, xe buýt phụ nữ sẽ được dán thông báo trước cửa để hành khách nhận biết. Ngoài ra, lượt xe  buýt phụ nữ nào chạy vào giờ nào sẽ có thông báo cụ thể trên toàn tuyến, tại các cơ sở hạ tầng và các phương tiện thông tin đại chúng cho hành khách biết.

Khi chúng tôi hỏi xe buýt phụ nữ có mang màu đặc trưng hay không, GĐ Trung tâm quản lý giao thông cho rằng, có thể thực hiện việc này khi chương trình chính thức hoạt động.

Ngoài ra, theo ông Hải, trên xe buýt phục vụ phụ nữ trẻ em, nhân viên phục vụ, bán vé có thể sẽ là phụ nữ nhằm tạo thiện cảm cho hành khách.

Trước câu hỏi về chi phí để tăng cường cho những lượt xe này,  ông Hải khẳng định chi phí vận tải cho thí điểm của dự án này sẽ không đáng kể. Theo ông Hải, việc bố trí xe buýt cho nữ giới dựa trên nguồn xe sẵn có. Hiện nay, vào giờ cao điểm, Hà Nội vẫn luôn huy động xe buýt tăng cường, đặc biệt cho những trục đường nói trên.  Bây giờ sẽ bố trí một số xe phục vụ phụ nữ trong số này.

Xung quanh con số hơn 30% phụ nữ từng bị quấy rối tình dục, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho rằng, đó là nghiên cứu về một hiện tượng xã hội, nó không chỉ xảy ra ở xe buýt mà xảy ra ở rất nhiều nơi.

"Nhiều người tưởng rằng con số nghiên cứu trên xe buýt là không đúng. Chính vì vậy đôi khi cách thức tổ chức khoa học của một điều tra cũng có vấn đề" - ông Hải băn khoăn.

Nhưng theo ông Hải, dù sao đây cũng là một lời nhắc nhở mà các nhà quản lý phải lưu ý ngăn chặn. Việc bố trí xe buýt cho nữ giới là sự chủ động của thành phố. Đợi đến khi trở thành vấn nạn mới bắt đầu thì quá muộn.

“Không phải vì số thống kê đó mà chúng ta mới làm,  mà mình thấy cái đó cần thiết nên mình làm.” – Ông Hải nói.

TS. Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam

Cũng theo ông Hải, đó không phải là một vấn nạn đến mức phụ nữ đòi hỏi  nhà nước phải chuẩn bị dánh riêng tuyến xe buýt cho minh. Nhưng nhà nước đang chủ động để người dân thấy rằng, xe buýt và dịch vụ công cộng đang ngày càng được quan tâm.

Vội tin số liệu?

Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Trọng Thái (Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) cho biết, 30% phụ nữ từng bị quấy rối tình dục mới chỉ là đánh giá của một tổ chức nghiên cứu về hai thành phố. Sau khi có thông tin này, Ủy ban ATGT quốc gia đã có văn bản gửi 2 thành phố yêu cầu kiểm tra, đánh giá toàn bộ.

Dựa trên đánh giá công bố có tình trạng quấy rối tình dục đó, Ủy ban đã đề nghị 2 thành phố phải nắm lại tình hình, khảo sát đánh giá. Nếu thực tế như đánh giá, Ủy ban yêu cầu các thành phố có những biện pháp khắc phục xử lý và có biện pháp phòng tránh cho người dân.

Khi được hỏi Hà Nội có quá vội vàng tổ chức “xe buýt phụ nữ” chỉ từ đánh giá của một tổ chức xã hội”, ông Thái thừa nhận, các thành phố cần khảo sát và đánh giá lại cụ thể ở từng khu vực, địa điểm và tỷ lệ nhiều hay ít…

Khi xác minh địa điểm phức tạp mình sẽ đưa ra biện pháp khắc phục để người dân phòng tránh và ngăn chặn sự việc diễn biến phức tạp. Mặt khác, cơ quan công an của thành phố phải vào cuộc vì đây là vấn đề liên quan đến an ninh trật tự.

TS. Nguyễn Ngọc Long (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam) cảm thấy bất ngờ với chủ trương này của thành phố Hà Nội. 

 “Tôi thấy hơi ngạc nhiên. Các nước Hồi giáo là nơi phụ nữ và nam giới bị giữ khoảng cách mà cũng chưa tổ chức xe buýt riêng cho phụ nữ. Tại sao chúng ta lại phải đến mức như vậy?” – ông Long nói.

Theo ông Long nước ta từ lâu đã mở cửa giao lưu với thế giới, quan hệ nam nữ khá tự do, anh ninh trật tự đảm bảo. Làm như vậy phải chăng cơ quan chức năng bất lực với hành vi quấy rối tình dục.

Điều quan trọng là khi một tổ chức xã hội đưa ra đánh giá, chính quyền sở tại phải xem xét tổ chức đó uy tín đến mức nào, số liệu đó có đúng hay không. Để đánh giá một vấn đề xã hội, phải có nhiều tiêu chí, góc độ. Số liệu hơn 30% là từ đâu mà có cần phải được điều tra cụ thể và phải công bố đam bảo tính trung thực, thay vì bịt lỗ này, bịt lỗ kia. Phương pháp tiến hành điều tra như thế nào, thời gian cụ thể, các báo cáo số liệu có đủ độ tin cậy không. Không chỉ dựa trên tiếng tăm tin cậy của một tổ chức nào đó mà không xác minh lại thông tin.

Nói Hà Nội có 30% phụ nữ xe buýt bị quấy rối tình dục là dựa trên cơ sở nào, căn cứ ra sao, bằng chứng đâu?” – TS. Long nhấn mạnh.