Xử gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La: Nhân chứng có bị dẫn giải?
Chủ nhật, 22/09/2019 13:03

Hai phiên tòa xét xử gian lận điểm thi THPT ở Hà Giang và Sơn La liên tiếp phải hoãn lại vì nhân chứng vắng mặt quá nhiều. Để đảm bảo phiên tòa tiếp theo không bị hoãn, những nhân chứng này có bị dẫn giải?

Như Dân Việt thông tin, ngay 18/9, Toà án Nhân dân tỉnh Hà Giang bắt đầu phiên xét xử sơ thẩm vụ tiêu cực thi cử THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh này. Tòa đã triệu tập 177 nhân chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tuy nhiên có tới 62 người vắng mặt không lý do, 60 người vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt.

Điều này đã khiến cho phiên tòa xét xử bị hoãn.

Trước đó, ngày 16/9, TAND tỉnh Sơn La cũng phải ra quyết định hoãn phiên tòa xét xử vụ gian lận điểm thi ở tỉnh này vì nhiều người được triệu tập nhưng vắng mặt.

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Người làm chứng là những người biết nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được tòa án triệu tập. Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 có những quy định rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của người làm chứng”.

xu gian lan diem thi o ha giang, son la: nhan chung co bi dan giai? hinh anh 1

Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà xét xử gian lận điểm thi THPT
tại Hà Giang ngày 18/9.

Luật sư phân tích, Bộ luật TTHS quy định người làm chứng có quyền như: Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;...

Bên cạnh đó, người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải theo quy định của Bộ luật TTHS. Nhân chứng phải trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

“Như vậy, người làm chứng phải có mặt tại phiên tòa, trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng có thể bị dẫn giải. Trong trường hợp người làm chứng vắng mặt khi tòa án triệu tập lần thứ nhất nhưng chưa rõ lý do thì tòa án sẽ hoãn phiên tòa, nếu thấy cần thiết, tòa án sẽ tiến hành áp dụng biện pháp dẫn giải nếu những người làm chứng quan trọng cố tình vắng mặt tại phiên toà.

Đến phiên tòa tiếp theo, những người làm chứng quan trọng biết rõ thông tin về vụ án, những thông tin đó quyết định đến việc buộc các bị cáo hoặc có thể minh oan cho các bị cáo hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án hình sự đó mà chưa đầy đủ, chưa làm rõ trong hồ sơ vụ án thì tòa án sẽ bắt buộc họ phải có mặt. Việc vắng mặt những người này sẽ cản trở việc xét xử của tòa án, bởi vậy trong trường hợp cố tình vắng mặt tòa án sẽ áp dụng biện pháp dẫn giải đến tòa để xét xử” – Luật sư cho hay.

Cũng theo luật sư, điều tra viên, cấp trưởng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định dẫn giải.

Quyết định quyết định dẫn giải phải ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị dẫn giải; thời gian, địa điểm người bị dẫn giải phải có mặt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật TTHS.

Người thi hành quyết định dẫn giải phải đọc, giải thích quyết định và lập biên bản về việc dẫn giải theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật TTHS. Cơ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định dẫn giải. Không được bắt đầu việc dẫn giải người vào ban đêm; không được dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế.

Danviet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: gian lận điểm thi , gian lận thi cử , Gian lận thi THPT