Xót xa những cảnh ngộ sau vụ cháy 19 căn nhà gần Bệnh viện Nhi
Chủ nhật, 23/09/2018 10:11

Sau vụ cháy 19 căn nhà gần Bệnh viện Nhi Trung ương, hơn 30 gia đình bệnh nhân thuê trọ tại đây đều chung cảnh “không một xu dính túi” sau vụ cháy.

Xót xa những cảnh ngộ sau vụ cháy 19 căn nhà gần Bệnh viện Nhi

Bà Nguyễn Thị Hường (quê ở Nghệ An) đang chăm sóc con gái Phúc Liên bị bại não.
Ảnh: Bảo Loan

Tiền đâu chữa bệnh bây giờ

Gặp PV Báo Gia đình & Xã hội trong một buổi chiều muộn sau vài ngày vụ hoả hoạn xảy ra, nhiều gia đình bệnh nhi hiện ở tạm tại khu nhà lưu trú của Bệnh viện Nhi Trung ương không khỏi xót xa, ngậm ngùi, xen lẫn nước mắt. Hôm ấy, trước những quầng lửa đỏ rực mọi người túa ra bỏ của chạy lấy người. Tài sản quý giá nhất là những chiếc xe lăn, những bộ quần áo nhàu nát, những đồng tiền lẻ còn sót lại để trang trải cho hành trình “ăn, nằm” với bệnh viện cùng con... cũng bị “bà hoả” thiêu rụi. Giờ đây, căn phòng 201 rộng khoảng 25m2 trong khu nhà lưu trú người nhà Bệnh viện Nhi Trung ương, là nơi trú tạm của 23 hộ gia đình đang có con điều trị ngoại trú tại Bệnh viện.

Nhớ lại ngày xảy ra vụ cháy, chị Phan Thị Lộc (31 tuổi, quê ở Nghệ An) nghẹn ngào: “Chiều ngày xảy ra vụ cháy, cả xóm hoảng loạn. Trong gang tấc, tôi chỉ kịp bế sốc bé Gia Bảo ra khỏi phòng. Còn lại tư trang với hơn 11 triệu đồng đưa con đi phẫu thuật bị cháy hết cả rồi...”.

Cùng quê ở Nghệ An, nên khi gặp chị Lộc ở nơi đất khách quê người, chị Bùi Thị Vinh có con đang được điều trị sau mổ sứt môi hàm ếch và tim bẩm sinh như gặp được người thân để nương tựa tinh thần. Nhưng khi xảy ra vụ cháy, “tôi chỉ kịp bế con thoát ra ngoài thật nhanh. Khi đặt con bên đường, tôi quay lại lấy hành lý và tiền trong phòng trọ thì không kịp nữa rồi. Lửa nóng từng tràng táp vào mặt chúng tôi... chẳng ai dám xông vào lấy đồ cả. Chúng tôi bất lực nhìn đồ đạc bị thiêu rụi. Khóc cũng không thành tiếng nữa. Khi đó, trong đầu tôi chỉ hiện lên câu hỏi duy nhất mà không ai có thể trả lời: Làm sao bây giờ? Làm sao để con tiếp tục được chữa bệnh bây giờ?”, chị Vinh chua chát nói.

Khi xảy ra hoả hoạn, hai con của anh Vũ Văn Bình (hơn 40 tuổi, quê ở Nam Định) là Vũ Văn Tiến (12 tuổi) và Nguyễn Thị Hoa (7 tuổi) đang được điều trị bại não và tim bẩm sinh trong khoa Phục hổi chức năng của Bệnh viện Nhi Trung ương. Tuy nhiên, khi vụ cháy xảy ra, vợ chồng anh Bình chỉ biết gào khóc trong đau đớn nhìn những đồng tiền cuối cùng (hơn 8 triệu đồng) hoá thành tro. “Vợ chồng tôi có hai con bị bệnh, gia đình làm nông nghiệp, kinh tế khó khăn. Từ lâu lắm rồi, chúng tôi lấy bệnh viện làm nhà để tìm cách chữa trị cho hai con. Khó khăn lắm chúng tôi mới tích cóp đủ số tiền chữa bệnh cho con. Ấy thế mà... Lúc đó, chúng tôi chỉ biết gào thét trong tuyệt vọng”, anh Bình tâm sự.

Cần lắm những “mạnh thường quân”!

Chị Vinh và chị Lộc thuê trọ trong khu nhà trọ gần Bệnh viện Nhi Trung ương với chi phí là 70.000 đồng/ngày. Sau khi xảy ra vụ hoả hoạn, các chị cùng 29 bệnh nhân đang theo điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Nhi Trung ương được bố trí tạm trú tại khu nhà lưu trú người nhà bệnh nhân của Bệnh viện.

Căn phòng 201 của khu nhà lưu trú trở thành nơi ở tạm của những người nhà và bệnh nhi ảnh hưởng sau vụ cháy. Những ngày này, căn phòng nhỏ khoảng 25m2 luôn chật kín người, ngoài những người thân trong gia đình còn có cả những “mạnh thường quân”. Những gia đình bị ảnh hưởng từ vụ cháy nhận quần áo, tư trang và đồ dùng thiết yếu từ các đơn vị tài trợ. Hầu hết những gia đình này đều có hoàn cảnh éo le, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Những ngày “lấy bệnh viện làm nhà”, họ phải gom góp, chắt bóp, căn cơ từng đồng để có tiền trang trải cho hành trình chữa bệnh cho người thân. Vì vậy, họ rất cần sự quan tâm, chung tay giúp sức từ các nhà hảo tâm, để những người làm cha, làm mẹ bớt đi gánh nặng trên vai. Như anh Vũ Văn Bình từng tha thiết: “Chúng tôi không khao khát, mong cầu gì hơn, chỉ cần hai con nhỏ gọi được một tiếng “ba - mẹ” thôi là vợ chồng tôi đã mãn nguyện lắm rồi”.

Bé Phúc Liên (12 tuổi) là con nuôi của bà Nguyễn Thị Hường (61 tuổi, quê ở Nghệ An). Một thời gian ngắn sau khi bà Hường nhận Phúc Liên từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An về nuôi, bé đã có những biểu hiện bất thường. Sau thời gian thăm khám, bác sĩ kết luận, cháu bé bị bại não. “Tôi đặt tên con là Phúc Liên với mong muốn con vừa là niềm vui, vừa là sự an yên, hạnh phúc của vợ chồng già. Ấy thế mà trải qua 2 lần mổ nhưng bệnh tình của Phúc Liên vẫn không thuyên giảm. Gia đình tôi đã quá khánh kiệt rồi...”, bà Hường mệt mỏi nói.

Cuộc sống của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vốn dĩ đã khó khăn, giờ càng khó khăn chồng chất sau đám cháy. Bởi họ hiện đang bị đẩy vào tình cảnh trắng tay, toàn bộ tư trang ít ỏi, giấy tờ đều bị hóa tro trong đám cháy. Do vậy, cuộc sống của những con người đáng thương này trước mắt đều trông chờ vào sự giúp đỡ của các “mạnh thường quân” và chính quyền địa phương. Mong có thật nhiều tấm lòng vàng đến sẻ chia, giúp đỡ để họ sớm thoát khỏi cảnh khó khăn hiện tại.

Vụ hoả hoạn xảy ra vào chiều 17/9, tại khu nhà trọ gần Bệnh viện Nhi Trung ương (đường Đê La Thành, Hà Nội) khiến 19 ngôi nhà bị thiêu rụi và 31 hộ gia đình có con nhỏ đang điều trị ngoại trú tại bệnh viện bị ảnh hưởng. Ngay sau đó, Bệnh viện Nhi Trung ương đã sắp xếp đưa các nạn nhân vào nhà lưu trú của Bệnh viện. Đồng thời, mỗi bệnh nhi được hỗ trợ 10 triệu đồng từ nhiều nguồn khác nhau. Ngoài ra, Bệnh viện Nhi Trung ương hỗ trợ các suất ăn miễn phí, hỗ trợ chi phí điều trị mà BHYT không thanh toán cho các bệnh nhi. Hiện, Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện đảm nhận việc nhận cứu trợ từ các “mạnh thường quân” để phát cho các nạn nhân.

 

Giadinh.net.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: cháy nhà trọ ông hiệp , vụ cháy ở đê la thành , Cháy 19 căn nhà gần Bệnh viện Nhi