Vụ sạt lở kinh hoàng ở Cần Thơ: Dân không dám ngủ vì sợ 'trôi sông'
Thứ ba, 22/05/2018 10:00

Đến nay, người dân ở khu vực sạt lở vẫn chưa hết bàng hoàng vì nhà cửa đã bị “hà bá” cuốn trôi. Họ nói không dám ngủ vì quá bất an.

Người phụ nữ cứu cả xóm

Chiều tối 21/5, chúng tôi trở lại bờ sông Ô Môn (ở phường Thới Lợi, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) nơi vừa xảy ra sạt lở kinh hoàng làm 5 căn nhà bị cuốn trôi xuống sông, hàng chục căn khác bị ảnh hưởng. Dù đang mưa nhưng 1 số hộ dân vẫn tất bật dọn đồ đạc. Bên cạnh đó, nhiều người ngồi thẫn thờ, mắt đỏ hoe, nghẹn ngào không nói nên lời, mắt nhìn về phía bờ sông nơi căn nhà của họ bị “hà bá” cuốn trôi vào sáng cùng ngày. Họ nói đây là lần đầu tiên thấy cảnh sạt lở khủng khiếp như vậy.

sạt lở,sạt lở ở miền Tây,biến đổi khí hậu,miền tây,Cần Thơ,ĐBSCL

Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng tại sông Ô Môn (TP Cần Thơ)

“Giờ nói gì nữa chú ơi. Không biết đêm nay ngủ ở đâu nè. Cả đời làm lụng vất vả cất được căn nhà nhưng giờ nằm dưới sông, tiêu tan hết rồi. Người ta nói cháy nhà là mất hết. Nhưng cháy còn cái nền, tích cóp vài năm cũng cất lại được căn nhà, còn sạt lở thì mất hết”, một người phụ nữ ôm con thất thần nói.

Ngồi trong con hẻm nhỏ gần cách nơi sạt lở chỉ vài mét, chị Bùi Thị Nga (45 tuổi) cho biết, mình là người đầu tiên phát hiện ra dấu hiệu bất thường của vụ sạt lở để chạy đi báo cho các hộ khác biết.

sạt lở,sạt lở ở miền Tây,biến đổi khí hậu,miền tây,Cần Thơ,ĐBSCL

Chị Nga ngồi thất thần kể lại giây phút chạy đi khắp xóm thông báo cho mọi người biết
sạt lở sắp xảy ra

“Sáng sớm, hai vợ chồng tôi dọn đồ ăn ra bán như mọi ngày thì nghe tiếng “răng rắc”, đất nứt nên thấy không ổn. Tôi kêu ông xã dọn đồ đạc lên nhà trên (cách đó khoảng 100 m - PV), còn tôi vừa chạy vừa la làng khắp xóm để mọi người biết", chị Nga kể và cho biết, khoảng 5 phút sau thì các căn nhà bị nhấn chìm xuống sông.

sạt lở,sạt lở ở miền Tây,biến đổi khí hậu,miền tây,Cần Thơ,ĐBSCL

Sạt lở tại khu vực này có 5 căn bị sụp đổ xuống sông hoàn toàn; 14 căn nhà bị sụp
một phần; 15 căn nhà khác bị ảnh hưởng phải di dời.

Còn anh Nguyễn Hoàng Thông (41 tuổi) mắt đỏ hoe nói: “Sống ở đây đã mấy chục năm nhưng chưa bao giờ tôi phải chịu cảnh này. Tài sản tích góp bấy lâu, xây căn nhà gần tỉ bạc mà sống chỉ được hơn 2 năm giờ không được ở phải dọn đi tá túc nhờ bà con".

Ngồi bần thần dưới thềm nhà của người quen, nước mắt lưng tròng bà Phạm Thị Cam (54 tuổi) cho biết, gia đình bà là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nhất. Bà kể, lúc bà còn thiu thiu ngủ trong nhà thì bất ngờ nghe hô hoán của mọi người bên ngoài. Theo quán tính, bà vội mở cửa chạy ra ngoài.

sạt lở,sạt lở ở miền Tây,biến đổi khí hậu,miền tây,Cần Thơ,ĐBSCL

Bà Nga nói, xóm làng bây buồn hiu, dân bất an không dám ngủ 

“Nhà tôi làm xưởng may, đầu tư cả tỉ đồng giờ thì trắng tay rồi. Từ nhỏ đến giờ tôi mới chứng kiến vụ sạt lở khủng khiếp như vậy. Đến giờ tôi còn bàng hoàng, không biết nói gì, không ngờ nhà mình bị trôi sông nhanh như vậy”, bà Cam rưng rưng nước mắt nói.

sạt lở,sạt lở ở miền Tây,biến đổi khí hậu,miền tây,Cần Thơ,ĐBSCL

Người dân dùng búa tạ để phá vách những căn nhà tường bị sạt một phần để giảm tải
cho khu vực phía trong.

“Xóm này trước vui lắm, giờ thì buồn hiu. Tôi mong muốn ngành chức năng xây cho dân chúng tôi cái bờ kè. Sống kiểu này bất an quá”, bà Cam nói. 

Theo quan sát, sạt lở tại bờ sông Ô Môn có nguy cơ tiếp tục ăn sâu vào đất liền, đe dọa nhiều hộ dân khác. 

Sạt lở bủa vây người dân miền Tây 

Tình trạng sạt lở hiện đang bủa vây ở miền Tây. Những hộ dân sống ven sông chia sẻ đang rất lo âu vì bất cứ lúc nào “hà bá” có thể kéo sập nhà của họ. Nhiều người nói không dám ngủ vì sợ 'trôi sông'. 

Hơn 15 ngày qua, người dân sinh sống ở bờ kinh Hai Quý (phường Thành Phước, TX Bình Minh, Vĩnh Long) nơm nớp lo sợ vì tình trạng sạt lở liên tục.

Vụ sạt lở đầu tiên xảy ra vào ngày 8/5, khiến 7 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Cách đây 4 ngày, tại khu vực này tiếp tục sạt lở khiến người dân khiếp sợ. Hiện vụ sạt lở đã kéo dài 100m, xoáy sâu vào bờ 2- 8m ảnh hưởng trực tiếp 16 hộ dân. Ngoài ra, tại huyện Long Hồ, Vũng Liêm cũng xảy ra các vụ sạt lở làm nhiều căn nhà của người dân rơi xuống sông và hư hỏng.

sạt lở,sạt lở ở miền Tây,biến đổi khí hậu,miền tây,Cần Thơ,ĐBSCL

Sạt lở đang bủa vây ĐBSCL khiến người dân nơm nớp lo sợ 

Tại ấp Phú Lợi, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) mới đây cũng xảy ra sạt lở ảnh hưởng trực tiếp 4 hộ dân và làm sụp đoạn đường bê tông gây hưởng giao thông.

Anh Lê Châu Cận (ngụ TX Bình Minh) than rằng sạt lở như là hung thần rình rập, có thể cuốn trôi nhà cửa, tài sản, thậm chí là tính mạng của người dân vùng này bất cứ lúc nào.

“Sạt lở khắp nơi. Lúc trước nhiều người thích cất nhà theo các tuyến sông, kênh thì giờ phải 'chạy làng' lên bờ", anh Cận nói.

Theo ngành chức năng, hiện tại ĐBSCL có 562 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786 km, trong đó có 42 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 148 km đe doạ trực tiếp đến an toàn của nhiều khu dân cư, công trình hạ tầng. Các tỉnh xảy ra sạt lở nhiều nhất là An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho các địa phương vùng ĐBSCL để xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu. 

Vietnamnet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: sạt lở kinh hoàng ở Cần Thơ , sạt lở , sạt lở 5 căn nhà ở cần thơ