Vụ học sinh hứng 231 cái tát: Khi trường học không 'an toàn' với trẻ
Chủ nhật, 25/11/2018 08:40

“Nhà trường, nơi được xem là môi trường gắn bó và thân thiện với học sinh chỉ sau gia đình nhưng dường như đang có những khoảng trống về giải pháp, cách thức tổ chức.”

Đây là quan điểm của ĐB Phạm Minh Hiền (Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) chia sẻ với báo Điện tử Infonet xung quanh câu chuyện một học sinh ở Quảng Bình hứng trọn 231 cái tát của giáo viên và các bạn cùng lớp đến mức phải nhập viện.

Việc làm sai và hoàn toàn không chấp nhận được

Như Báo Infonet phản ánh, vào chiều ngày 19/11, em Hoàng Long N. (11 tuổi, học sinh lớp 6.2 - Trường THCS xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh,Quảng Bình) có lỡ miệng nói tục về ba mẹ bạn ngồi bên cạnh, bị bạn mách cô giáo chủ nhiệm.

Em Hoàng Long N. học sinh lớp 6.2 Trường THCS Duy Ninh hứng trọn 231 cái tát của
cô giáo và các bạn sưng lệch mặt phải vào viện cấp cứu

Cô Thủy liền đưa ra hình phạt là bắt toàn bộ học sinh trong lớp tát liên tiếp vào má em N. Mỗi bạn tát 10 cái, bạn nào tát nhẹ thì cô yêu cầu tát lại. Từ 23 học sinh trong lớp lúc đó với 1 cái tát từ cô giáo, tất cả em N. phải chịu 231 cái tát. Em N. mặt mũi bị sưng tím, miệng mở hạn chế, không nói được, gia đình phải đưa vào bệnh viện Đa khoa Dinh Mười cấp cứu, điều trị.

Vào viện, em N. được sự điều trị và chăm sóc tận tình của y bác sĩ. Đến chiều ngày 23/11, gia đình em N. xin ra viện nhưng em chưa trở lại trường học vì tâm lý không ổn định.

Giám đốc Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình  Đinh Quý Nhân - nói rằng bản thân ông cảm thấy "đau lòng" trước vụ việc trên đối với ngành giáo dục tỉnh nhà. Sau khi báo chí phản ánh ông đã chỉ đạo cấp dưới xem xét xử lý trường hợp cô Thủy và khẳng định sẽ xử lý nghiêm minh, bảo đảm không lặp lại tình trạng trên.

Được biết, trước đây, lúc còn dạy ở trường THCS Hải Ninh, cô Thủy cũng có cách "giáo dục mạnh tay" khiến phụ huynh bức xúc và vừa chuyển về công tác tại Trường THCS Duy Ninh được vài tháng lại xảy ra vụ việc đau lòng nói trên.

Cũng liên quan đến vụ việc, trả lời trên PL TP HCM, Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết sau khi nắm được thông tin sự việc xảy ra ở Quảng Bình, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Sở GD&ĐT kiểm tra và có báo cáo. Theo đó, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình sẽ có cuộc họp vào chiều nay và thông tin cụ thể sẽ làm báo cáo gửi về Bộ.

Về quan điểm của Bộ GD&ĐT về vụ việc trên, bà Nghĩa cho rằng, “việc cô giáo phạt học sinh như trên là sai và hoàn toàn không chấp nhận được”. Theo bà Nghĩa, dù nguyên nhân là gì, nhà trường cũng phải xử lý nghiêm vì cách xử phạt học sinh của giáo viên như vậy là hoàn toàn không được. “Sáng nay (24/11), Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu Sở GD&ĐT Quảng Bình có chỉ đạo xử nghiêm” – bà Nghĩa nói.

Cần luật hóa quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể

Trao đổi với Infonet về câu chuyện này, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho rằng, đây là vấn đề mà bà đã từng góp ý trong dự thảo Luật Giáo dục đặc biệt tại các điều khoản quy định về Quyền của người học trong đó có trẻ em.

“Tôi đã đề nghị cần bổ sung “Quyền được bảo vệ về thể chất, tinh thần” đối với trẻ em Mầm non ở Điều 79; “Quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể” dành cho người học tại Điều 81. So với quy định dành cho nhà giáo ở Điều 69 thì quyền này được quy định rất cụ thể, vậy tại sao người học lại không được bảo vệ?”- ĐB Phạm Thị Minh Hiền nói.

Bởi theo ĐB Minh Hiền, bên cạnh giá trị truyền thống cao quý của nghề giáo cần gìn giữ và phát triển, thì trong tương quan xã hội hiện nay, đã đến lúc chúng ta cần đưa ra những quan điểm mạnh mẽ, bình đẳng trong mối quan hệ thầy và trò, dạy và học, quyền và trách nhiệm của các bên liên quan.

“Trong những trường hợp có đối nghịch về quan điểm và lợi ích thì nhận thức này sẽ giúp các bên có thể cân nhắc, lập luận, cân đối, làm hài hòa sự khác biệt.

Chính vì thế, mối quan hệ ấy giờ đây không chỉ là cho, nhận và sự hàm ơn, truyền đạt và tiếp thu thụ động mà còn là cùng nhau xây dựng tri thức, cùng có nghĩa vụ và bổn phận với nhau, cùng vun đắp những giá trị chung, tôn trọng giá trị cá nhân riêng biệt, hướng đến những giá trị nhân văn, nhân bản”, bà Hiền nhấn manh.

Sau hàng loạt những vụ việc gây bức xúc trong dư luận vừa qua, ĐB Phạm Minh Hiền cho rằng trách nhiệm của nhà trường là xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Trong đó, không thể bỏ qua yếu tố tư vấn, tham vấn tâm lý học đường, từng bước chuyên nghiệp hóa công tác xã hội trong trường học.

“Trên thực tế, với những biến động của đời sống XH trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, đã có nhiều vấn đề nảy sinh trong trường học theo hướng phức tạp, đa dạng, liên quan tới quyền của người học, quyền nhà giáo, dẫn đến việc học sinh, giáo viên gặp khủng hoảng tâm lý, trầm cảm, rối loạn sức khỏe tâm thần, rối loạn cảm xúc dẫn đến hành vi tiêu cực mà bản thân họ không tự giải quyết được…

 Điều đó cho thấy, nhà trường, nơi được xem là môi trường gắn bó và thân thiện với học sinh chỉ sau gia đình, nơi mà lâu nay các mối quan hệ được hành xử dựa trên nguyên tắc giữ gìn sự tôn nghiêm, bồi dưỡng tình cảm và rèn luyện đạo đức nhằm phát triển hình thành nhân cách của giới trẻ, nhất là đối với các em học sinh ở độ tuổi vị thành niên, thì nơi này dường như đang có những khoảng trống về giải pháp, cách thức tổ chức trong xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho sự nổ lực đổi mới về phương pháp giáo dục chưa đạt hiệu quả như mong đợi và thường chỉ dừng lại ở “mô hình kỳ vọng”. Nhưng theo tôi, một phần là do công tác tham vấn, tư vấn tâm lý cho giáo viên, học sinh bị xem nhẹ, bỏ qua trong quá trình giảng dạy, học tập. Hay nói cách khác, công tác xã hội học đường chưa được nhìn nhận, quan tâm đúng mức và được ứng dụng theo hướng chuyên nghiệp trong giáo dục phổ thông”, bà Hiền nói.

Bà Hiền cũng đưa ra nhận định những thiệt hại về thể chất, thương tổn về tinh thần mà các hội chứng tâm lý gây ra cho các đối tượng và các bên liên quan là rất lớn. Nếu không được phát hiện để có những biện pháp ngăn ngừa, trợ giúp, can thiệp sớm sẽ dẫn đến hậu quả rất nặng nề.

Một phương pháp giáo dục đúng đắng rất cần sự phối hợp trách nhiệm giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng. Và điều này, nhiệm vụ nhân viên CTXH trong trường học thật sự đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Vì thế, bà Hiền  cho rằng, CTXH trường học không chỉ có chức năng như một liệu pháp giải tỏa những căng thẳng trong suy nghĩ, cảm xúc và tự tìm kiếm hướng giải quyết cho chính bản thân của các đối tượng trường học, mà cần được xem như một quyết sách đúng đắn, cần thiết trong tiến trình cải cách giáo dục tại Việt Nam bằng một lộ trình xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý.

 
Infonet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: học sinh hứng 231 cái tát , cô giáo cho tát học sinh 231 cái , học sinh nhập viện vì 231 cái tát