Vợ chồng trước bờ vực đổ vỡ: Phải làm gì với con khi một mai kia ta không còn chung đường?
Chủ nhật, 11/03/2018 21:01

Đứng trước quyết định ly hôn, điều những người làm cha làm mẹ phải lo lắng nhất chính là con cái của họ rồi sẽ ra sao khi bố mẹ chúng không còn chung đường...

Có rất nhiều những cặp đôi dù không còn tình cảm vẫn quyết định tiếp tục cuộc hôn nhân nguội lạnh của mình vì nghĩ tới con cái. Nhưng một gia đình không còn tình yêu, đó sẽ chỉ là thứ hạnh phúc giả tạo.

Con cái mạnh mẽ hơn ta tưởng, nhưng chúng cũng cần có thời gian để hàn gắn những vết thương lòng.

Hãy thành thật

Những đứa trẻ có quyền được biết sự thật. (Ảnh minh họa)

Thực tế có không ít những người cha, người mẹ nhận trách nhiệm chăm sóc con cái sau ly hôn vì sợ con buồn và mặc cảm nên chọn cách nói dối:"Mẹ đi công tác xa lắm, con ngoan rồi mẹ sẽ về.", "Bố về quê chăm ông bà ốm, khi nào ông bà khỏe lại bố sẽ lên."… Còn vô vàn những lời nói dối vụng về để giải quyết lập tức những câu hỏi ngây ngô của con trẻ như thế. Nhưng những lời nói dối ấy đâu có thể nói từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm nọ cho được?

Thế nên, hãy thành thật! Việc giấu giếm con sự thật rằng gia đình đã tan vỡ sẽ chỉ càng khiến cho con cảm thấy bất an, lạnh lẽo và lo lắng. Chúng sẽ cảm thấy có điều gì đó to lớn đã thực sự xảy ra mà mình không được biết, sẽ suy diễn về những điều tiêu cực, trở nên lầm lì, ít nói và ngại chia sẻ. Không đứa trẻ nào mong muốn bố mẹ mình mỗi người một ngả, nhưng đó rõ ràng đó là biến cố lớn trong tuổi thơ của chúng, và chúng thì có quyền được biết về điều này.

Hãy yêu thương

'. Vợ chồng trước bờ vực đổ vỡ: Phải làm gì với con khi một mai kia ta không còn chung đường? .'

Yêu thương và chia sẻ hơn thật nhiều. (Ảnh minh họa)

Không có nghĩa là hàng ngày, chúng ta chưa yêu thương con trẻ. Nhưng trong giai đoạn nhạy cảm này, không gì quan trọng hơn việc thể hiện rõ ràng với chúng rằng dù có thế nào, chúng vẫn luôn được yêu thương. Hãy tâm sự với con, tinh tế nhận ra những thay đổi về tâm sinh lý của chúng. Hãy nói rằng: "Bố mẹ sẽ xa nhau, nhưng cả hai sẽ vẫn yêu thương con như chẳng có gì thay đổi."

Điều quan trọng cần nhớ thêm rằng, các bậc cha mẹ không nên vì quá thương con mà nghĩ sẽ làm tất cả để bù đắp vết thương lòng cho chúng. Việc đáp ứng mọi đòi hỏi của con chỉ vì "chúng đã đáng thương quá rồi" sẽ khiến tâm lí đứa trẻ bị vặn vẹo, khiến chúng trở thành một người yếu đuối trước hoàn cảnh.

Hãy bao dung

Hãy chữa lành vết thương lòng cho con nhờ sự bao dung. (Ảnh minh họa)

Bao dung ở đây là bao dung với những lỗi lầm trong quá khứ của đối phương, để dù có căm hận, ghét bỏ đến mức nào, vẫn có thể bỏ qua vì các con. Nhiều người sau khi ly hôn không muốn qua lại, gặp gỡ hay có liên quan gì đến người cũ. Nhưng việc này vô hình trung cũng làm cho đứa trẻ không có cơ hội được gặp lại cha, mẹ mình. Tuổi thơ của chúng cũng sẽ vì thế mà khuyết đi một mảnh yêu thương của cha hoặc mẹ.

Cha, mẹ cũng nên cho các con gặp gỡ ông bà, họ hàng, gia đình nhà bên bình thường. Bởi gia đình và mối liên hệ về huyết thống là điều tối quan trọng để hình thành nhân cách một con người. Hãy nhớ, chỉ yêu thương mới sinh ra yêu thương.

Theo thời gian, những vết thương lòng của chúng ta hãy con trẻ cũng sẽ dần lành lại. Mặc dù nó để lại vết sẹo không thể xóa nhòa, nhưng biết đâu nhờ nghịch cảnh ấy, chúng sẽ có động lực mà vươn lên. Vậy nên, nếu một mai ta không còn chung đường, xin hãy nhớ 3 điều: thành thật, yêu thương và bao dung.

 

ttvn.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: hôn nhân , ly hôn , gia đình , làm gì khi ly hôn