Vĩnh biệt nhà thơ Thanh Tùng 'Thời hoa đỏ'
Thứ tư, 13/09/2017 08:39

Tác giả của "Thời hoa đỏ", "Hà Nội ngày trở về" - nhà thơ Thanh Tùng - đã vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 21h50 ngày 12/9/2017 tại tư gia...

Nhà thơ Thanh Tùng, bìa trái, và nhà thơ Lê Minh Quốc

“Gặp về không ngủ nổi/ Hóa ra tình cũ rót vào nhau/ Rượu ấy bây giờ không có nữa/ Chỉ còn trong đáy của hồn sâu/ Ngày xưa ta ủ trong men dại/ Bây giờ mới đủ để mà say/ Tiền biết trả ai, ai nhận nổi?/ Quê hương hun hút mấy trời mây/ Mỗi đứa lại vội vàng mấy ngả/ Bao giờ trở lại uống nhau đây?”

Bài thơ "Gặp bạn" của nhà thơ Thanh Tùng, đã được ông đọc trong dịp sinh nhật tuổi 80 với sự xúc cảm đặc biệt. Bài thơ ngắn, nhưng đủ cho thấy một "ông Tùng quá mê bạn". Vì vậy, trong con hẻm trên đường Phạm Ngọc Thạch, nơi nhà thơ Thanh Tùng sống cùng cô con gái Lan Hương, luôn luôn có bạn hữu ghé chơi.

Nhà thơ Thanh Tùng (tên thật là Doãn Tùng) sinh ngày 7/11/1935 tại Mỹ Lộc, Nam Định nhưng suốt thời trai trẻ của ông lại gắn bó với Hải Phòng. 

Thanh Tùng có thời gian khá dài làm nghề khuân vác tại cảng Hải Phòng, rồi sau đó làm công nhân đóng tàu, và còn làm nghề áp tải hàng. Ông cũng từng bán sách báo trên vỉa hè hoặc đi chào bán báo ở nhiều nơi.  

Công chúng biết đến nhà thơ Thanh Tùng bởi các bài thơ rất nổi tiếng như "Thời hoa đỏ" do Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc, "Hà Nội ngày trở về", "Người về", "Mùa thu giấu em" do Phú Quang phổ nhạc.

Nhà thơ Thanh Tùng đã từng là đại diện của Việt Nam sang Hy Lạp đọc thơ cùng với nhiều nhà thơ khác đến từ nhiều quốc gia, vào năm 1997. Ông xuất bản tập thơ đầu tiên mang tên "Thời hoa đỏ" vào năm 2001 do NXB Văn học ấn hành. Tập thơ này cũng đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng năm 2002. 

Bài thơ "Thời hoa đỏ" được Thanh Tùng viết tặng cho người vợ đầu, khi bà bỏ ông để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Bởi vậy nên "Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say"..

 
Phunuvietnam.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: nhà thơ Thanh Tùng , vĩnh biệt , vĩnh biệt nhà thơ