Vì bố không ăn cơm đúng giờ
Thứ tư, 30/11/2016 10:35

Mỗi lần bà nội bảo Bin lên gọi bố xuống ăn cơm, bố thường không xuống ngay. Bố bảo: “Vâng” rồi lại tiếp tục dán mắt vào điện thoại hoặc xem nốt bộ phim.

Cả nhà ăn cơm vui vẻ, còn bố thì vẫn ở lỳ trên gác xem ti vi hoặc làm dở việc gì đó. Có hôm nhà ăn gần xong bữa thì bố xuống, nhưng cũng có hôm ăn xong dọn mâm bát, rửa bát rồi bà úp cái lồng bàn vào phần thức ăn của bố mà bố vẫn chưa xuống ăn.

Thỉnh thoảng, bố về nhà đúng bữa cơm nhưng lại ra đầu ngõ uống nước chè, hút thuốc, bà lại sai Bin lấy thêm cái đĩa để phần thức ăn cho bố. Hình như mọi sinh hoạt chung của gia đình đều không ảnh hưởng gì đến bố. Bố thích ăn thì ăn, thích ngủ thì ngủ, chẳng ai bắt bố phải làm cái nọ hay cái kia cho đúng giờ.

Mẹ thì khác. Lúc nào cũng bắt Bin phải dậy đúng giờ, ăn đúnng giờ, học đúng giờ, thậm chí đánh răng cũng phải đúng giờ. Bin thấy mẹ thật khó tính, chẳng giống như bà, bố là con của bà mà chẳng phải làm gì đúng giờ, thế mới thích.

Thỉnh thoảng Bin cũng muốn ngủ nướng, cũng muốn xem nốt bộ phim hoạt hình, vậy mà mẹ cứ gọi đi tắm, ăn cơm, học bài. Bin phụng phịu thì bị mẹ mắng. Đôi khi Bin chỉ muốn ở với bà, với bố. Mẹ mà đi công tác mấy ngày là Bin mở cờ trong bụng vì sắp được thoát khỏi gông cùm của mẹ. Trong mấy ngày ấy Bin được bà chiều chuộng, bố cũng chỉ quát lấy lệ nếu Bin chưa đúng giờ rồi thì cho Bin thoải mái chơi, ăn, ngủ.

'. Vì bố không ăn cơm đúng giờ .'

Ảnh mang tính minh họa

Càng lớn lên, Bin lại càng tỏ thái độ không ưa cách “cai trị” của mẹ. Bin ngày càng bướng bỉnh và hay cãi. Mỗi lần muốn phản đối mẹ, Bin đều lấy “gương” của bố ra để làm chứng. Nào là bố cũng không đúng giờ mà có bao giờ bị bà mắng đâu. Nào là bố ăn ngủ không đúng giờ nhưng vẫn “nên người” đấy thôi… Nào là người lớn được tự do thoải mái lại bắt trẻ con làm đủ thứ mà trẻ không muốn. Nó ra sức lý luận rằng, cứ gì phải đúng giờ mới trở thành người tốt, điển hình bố nó là người tốt mà không cần đúng giờ.

Mẹ bắt đầu cằn nhằn vì việc bố không nề nếp làm gương xấu cho con. Bố bảo mẹ cứ phức tạp mọi chuyện lên, chứ bố vẫn hoàn thành tốt công việc và kiếm tiền được đấy thôi. “Lớn lên thì sẽ đâu vào đấy!”. Bố bảo thế, Bin thấy bố nói thật chí lý.

Bin bắt đầu có thái độ “câu giờ” giống như bố. Mẹ gọi xuống ăn cơm, Bin nì nèo: “Phim hay quá, cho con xem nốt… một tí thôi”. “Con đang chơi dở game nốt ván này rồi con học bài, mẹ nhé”. Quát mắng mãi cũng mệt, mẹ cũng dần dần nới lỏng kỷ cương. Bin thấy cái chiêu câu giờ của mình thật hiệu quả, đôi lúc mẹ nản quá cũng chẳng bắt Bin làm cái nọ cái kia đúng giờ nữa. Đến khi mẹ sinh em nhỏ thì mẹ quá bận rộn chẳng có thời gian mà nhắc nhở.

Năm Bin lên lớp 12, Bin trở thành người bạn thân thiết của bố. Hai bố con thoải mái ăn ngủ, xem ti vi, chơi game lúc nào cũng được. Tiếng cằn nhằn của mẹ cũng ít đi và nỗi thất vọng trong mắt mẹ ngày càng rõ nét hơn nhưng Bin chẳng mảy may để ý.

Hôm thi đại học, em bị ốm nằm viện, mẹ giao cho bố đưa Bin đến điểm thi. Mẹ gọi điện giục hai bố con từ lúc 5 giờ sáng nhưng hai bố con cứ lần lữa mãi, đến khi ra khỏi nhà thì tắc đường. Đến điểm thi thì đã muộn nên không được vào thi. Năm đó Bin được ở nhà chơi xả láng vì chưa phải đi học đại học. Cả năm cày game, ngủ nướng, rong chơi khiến cho ý chí học tập vốn đã ít ỏi của Bin giờ chỉ còn một nhúm. Năm sau Bin thi trượt đại học và tiếp tục ở nhà. Cái thói chểnh mảng lười biếng đã ăn sâu vào ý thức khiến Bin không còn muốn phấn đấu. Động viên mãi Bin mới đi học nghề nhưng lúc học xong cũng không kiếm được việc làm. Đến lúc này thì bố hoàn toàn bất lực trước ông con quý tử.

Hôm ấy cả gia đình đã phải ngồi họp để bàn bạc về chuyện của Bin. Bây giờ nó đã lớn, việc uốn nắn đã trở nên quá muộn. Mẹ khóc lóc vì đã không cố ghìm con vào kỷ luật. Bố hối hận vì đã làm gương xấu cho con theo, ông bà nội thì day dứt vì đã quá nuông chiều cả con và cháu. Sau cái quyết định cho Bin nhập ngũ, bố hứa với gia đình kể từ nay sẽ … ăn cơm đúng giờ.

 
Giadinhvietnam.com

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: tâm sự , suy ngẫm , gia đình