Từ 2018, những tội ác nào sẽ bị trừng phạt bằng án tử hình?
Chủ nhật, 31/12/2017 21:13

Giết người, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tham ô tài sản và 15 tội danh khác thuộc Bộ luật Hình sự mới sẽ áp dụng hình phạt tử hình.

Từ 2018, những tội ác nào sẽ bị trừng phạt bằng án tử hình? - 1

18 tội danh Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi sẽ áp dụng hình phạt tử hình.

Từ ngày 1.1.2018, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.

Trao đổi với PV, luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty luật Inteco) cho biết, so với Bộ luật Hình sự 1999, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi có nhiều thay đổi mức hình phạt ở các tội danh, trong đó bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh và áp dụng hình phạt tử hình với 18 tội danh.

Giết người, hiếp dâm người dưới 16 có thể bị tử hình

“Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do bộ luật này quy định”, luật sư Phong cho biết.

Từ 2018, những tội ác nào sẽ bị trừng phạt bằng án tử hình? - 2

Luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty luật Inteco)

Theo luật sư Phong, một số tội danh đáng chú ý Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi áp dụng án tử hình có thể kể đến như tội Giết người, tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội Nhận hối lộ…

Cụ thể, đối với tội “Giết người” (Điều 123) nêu rõ, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp: Giết 2 người trở lên; Giết người dưới 16 tuổi; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Có tính chất côn đồ; Có tổ chức; Vì động cơ đê hèn… thì bị phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

“Nếu phạm tội không thuộc các trường nêu trên thì bị phạt tù 7-15 năm. Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5 năm”, luật sư Phong cho biết.

Về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” (Điều 142), luật quy định, phạt tù từ 7-15 năm với người dùng, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái ý muốn người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc với người dưới 13 tuổi.

“Người phạm tội sẽ bị phạt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình nếu hành vi phạm vào những tình tiết tăng nặng như: Có tổ chức; nhiều người hiếp 1 người, phạm tội với người dưới 10 tuổi; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên”, luật sư Phong viện dẫn quy định tại điều 142.

Tội “Tham ô tài sản” (Điều 353) quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2 đến dưới 100 triệu hoặc dưới 2 triệu nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi mà còn vi phạm, bị kết án về một trong các tội về chức vụ, quyền hạn chưa được xóa án tích bị phạt tù 2-7 năm.

“Người phạm tội này còn đối mặt với hình phạt 20 năm tù, tù chung thân đến tử hình nếu có các tình tiết tăng nặng: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên… Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định 1-5 năm, có thể bị phạt tiền 30-100 triệu, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điểm mới của tội này so với Bộ luật Hình sự 1999 là người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản cũng bị xử lý”, luật sư Phong cho biết.

Ngoài 3 tội nêu trên, còn 15 tội khác có mức phạt lên tới án tử hình gồm: Phản bội Tổ quốc (Điều 108), Gián điệp (Điều 110), Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109), Bạo loạn (Điều 112), Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113), Phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114), Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194), Sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), Vẫn chuyển trái phép chất ma túy (điều 250), Mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251), Khủng bố (Điều 299), Nhận hối lộ (Điều 354), Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421), Chống loài người (Điều 422), Tội phạm chiến tranh (Điều 423).

Trường hợp nào được miễn án tử?

Luật sư Hà Huy Phong cho biết, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi cũng quy định một số trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình ngay cả khi người phạm tội bị truy tố vào tội danh có hình phạt tử hình.

“Theo Điều 40 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội.

Luật cũng quy định không áp dụng hoặc thi hành án tử hình với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên.

Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn cũng được miễn thi hành án tử hình”, luật sư Phong cho biết.

Luật sư Hà Huy Phong cho biết thêm, so với Bộ luật hình sự 1999, Bộ luật hình sự mới không áp dụng hình phạt tử hình với 8 tội sau: Hoạt động thổ phỉ; cướp tài sản; hủy hoại công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh và tội đầu hàng địch; buôn bán, sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy.

Danviet.vn
Tag: Tử hình , Tội bị tử hình , Tội gì bị phạt tử hình