Họp báo về vụ cưỡng chế tại huyện Tiên Lãng
Thứ sáu, 13/01/2012 10:36

17h ngày 12.1, UBND TP.Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp báo để thông tin về vụ cưỡng chế làm 6 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội bị thương tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng hôm 5.1.

Ông Phạm Hữu Thư - Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP.Hải Phòng - chủ trì cuộc họp cùng với Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền, GĐ Sở TNMT, Phó chánh án TAND TP, Cơ quan CSĐT.


Căn nhà sau khi bị cưỡng chế. Ảnh: H.Hoan

Đại tá Vũ Sỹ Hưng - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an TP.Hải Phòng thông báo diễn biến xảy ra vụ bắn súng, quá trình bắt giữ chủ đầm Đoàn Văn Vươn cùng anh, em, cháu. Ông Hưng cho biết ông Vươn cùng người nhà đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật và đề đạt được pháp luật khoan hồng.

Trả lời về nguồn gốc khu đất, ông Lê Văn Hiền - Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng - cho biết, ngày 4.10.1993, huyện ra quyết định giao 21ha đất ven biển cho ông Vươn nuôi trồng thủy sản. Sau đó ông Vươn lấn chiếm thêm 19,3ha phía ngoài biển.


Ông Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng (đầu tiên bên phải) tại buổi họp báo.

Phần diện tích lấn chiếm sau này ông Vươn đã đề nghị “hợp thức hóa” nên năm 1997, UBND huyện đã ra quyết định giao đất cho ông với thời hạn 14 năm tính từ năm 1993. Khi hết thời hạn UBND huyện đã ra 2 quyết định thu hồi đất với 40,3ha đầm của ông Vươn, trong đó, 19,3ha đã làm xong thủ tục nên huyện tổ chức cưỡng chế sáng 5.1.2012.

Theo ông Hiền, huyện thu hồi không bồi thường vì quyết định giao 19,3ha cho gia đình ông Vươn để nuôi trồng thủy sản năm 1997 có nêu hết thời hạn giao đất, người được giao sử dụng đất phải trả lại cho Nhà nước mà không được bồi thường.

Trả lời câu hỏi huyện chỉ cưỡng chế thu hồi 19,3ha (phía ngoài biển) theo quyết định thu hồi  đất 461/QĐ-UB ngày 7.4.2009, trong khi căn nhà của ông Đoàn Văn Quý nằm trong diện tích 21ha phía trong giao năm 1993 không thuộc phần diện tích cưỡng chế bị phá hủy, ông Hiền đã nói: “Ngôi nhà nằm trong phần diện tích đầm không cưỡng chế nhưng vì đây là nơi các đối tượng cố thủ và tấn công lực lượng cưỡng chế nên áp dụng các biện pháp...”.

Ông Bùi Quang Sản - Giám đốc Sở TNMT - lý giải đất nuôi trồng thủy sản giao cho gia đình ông Vươn có thời hạn 14 năm vì thời điểm UBND huyện Tiên Lãng giao đất cho ông Vươn là ngày 4.10.1993, trước khi luật đất đai 1993 có hiệu lực (15.10.1993) nên huyện áp dụng theo luật đất đai năm 1987.

Lý giải về văn bản trả lời ông Đoàn Văn Vươn của thẩm phán Ngô Văn Anh, TAND TP.Hải Phòng đã tạo điều kiện để ông Đoàn Văn Vươn thỏa thuận với UBND huyện Tiên Lãng, trong đó ông Vươn đồng ý rút đơn khởi kiện, còn huyện sẽ cho ông Vươn tiếp tục thuê lại đất, ông Phạm Văn Phích - Phó chánh án TAND TP.Hải Phòng cho rằng thẩm phán Ngô Văn Anh đã nhầm lẫn. Theo ông Phích, tháng 3.2010, TAND TP thụ lý 2 vụ án hành chính phúc thẩm giữa ông Đoàn Văn Vươn và Vũ Văn Luân kiện quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng.

Thẩm phán Ngô Văn Anh thụ lý vụ án của ông Luân, đã lập biên bản tạo điều kiện để các đương sự thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ án. Nếu ông Luân rút đơn, huyện sẽ cho thuê đất. Ông Luân rút đơn, tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Vụ án ông Đoàn Văn Vươn do thẩm phán Cao Thành Ngọc thụ lý không lập biên bản thỏa thuận này. Tuy nhiên, ông Vươn rút kháng cáo, TAND TP ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Sau đó, ông Vươn có đơn khiếu nại, thẩm phán Ngô Văn Anh với vai trò Chánh tòa Dân sự, thừa lệnh của Chánh án TAND TP, đã ra công văn trả lời. Do sơ xuất trong nghiên cứu, trả lời đơn, thẩm phán Ngô Văn Anh đã có sự nhầm lẫn giữa trả lời ông Luân thành trả lời ông Vươn. “Tuy nhầm lẫn, nhưng về bản chất vụ án không thay đổi. Thẩm phán Ngô Văn Anh đã phải làm bản kiểm điểm” - ông Phích nói.

Báo Lao động
Tag: Hải Phòng , Cưỡng chế tài sản , Họp báo , Huyện Tiên Lãng