Thói quen sai lầm khiến con dễ rơi vào nguy cơ đuối nước mà cha mẹ không hề biết
Thứ sáu, 22/09/2017 22:20

Khi thấy con ra nghịch nước, các phụ huynh thường nói là "không được" và lôi con vào, đó là cách làm sai lầm mà các bậc cha mẹ thường mắc phải - một chuyên gia cho biết.

Thời gian gần đây liên tiếp có nhiều tai nạn trẻ em bị đuối nước thương tâm mặc dù lâu nay, người dân luôn được cảnh báo bởi quá nhiều sự việc đáng tiếc như vậy vào mỗi mùa hè hằng năm.

Cũng theo thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và vị thành niên tại Việt Nam do tai nạn thương tích.

Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010 - 2015 có khoảng 2.800 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Trong đó, nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao từ 5 -14 tuổi.

Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do đuối nước ở Việt Nam khá cao so với các nước trong khu vực.

Các bậc phụ huynh mắc phải những sai lầm gì trong cách dạy bảo con cái mà chính những điều đó lại vô tình hại con? Các bậc cha mẹ cần làm gì để giúp con tránh được nguy cơ bị đuổi nước?

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục kỹ năng sống cho trẻ (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) phân tích:

Những sai lầm của phụ huynh

Theo TS Hương, nhiều bậc phụ huynh thường mắc phải một số sai lầm trong cách dạy con mà những điều này vô tình khiến trẻ dễ bị rơi vào tình huống đuối nước.

"Một là, cha mẹ không chú ý các chum vại, ao hồ gần nhà. Những khu vực có nước thì họ cũng ít quan tâm để be bờ tránh sự nghịch ngợm của trẻ. Vì thế, có nhiều cháu bị rơi xuống hố nước và đuối nước.

Hai là, khi con ra nghịch nước, họ thường nói là "không được" và lôi con vào. Bị cấm nên trẻ cảm thấy tò mò và càng thích các khu vực có nước.

Để con hiểu về những nguy cơ, cha mẹ nên cho con làm quen dần bằng cách cho con chơi trong chậu nước ít, thỉnh thoảng làm cháu giật mình. Khi đứa trẻ giật mình, các cháu thường rất sợ nên sau sẽ nghĩ là tại nước và có ý thức tránh những chỗ có nước hơn.


Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và vị thành niên tại Việt Nam do tai nạn thương tích. (Ảnh minh họa)

Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và vị thành niên tại
Việt Nam do tai nạn thương tích. (Ảnh minh họa)

Ba là, các cha mẹ lại không dạy con cách cứu người chết đuối. Vì không dạy, trẻ không biết nên khi thấy bạn rơi xuống thì sẽ lao xuống cứu và bị đuối nước. Trong khi đó, thông thường, nếu có người rơi xuống nước thì người trên bờ cần ném cho họ vật dụng để nổi và bám vào rồi kêu cứu chứ không được xuống nước".

Đồng thời, theo TS Hương, có một điểm đáng chú ý nữa chính là thói quen mắng mỏ sai lầm trong cách dạy con của cha, mẹ cũng có thể vô tình đẩy trẻ rơi vào tình huống bị đuối nước, điều này là khá chính xác.

Mỗi khi trẻ làm mất đồ thì nhiều phụ huynh thường mắng mỏ khiến con cảm thấy sợ vì phạm lỗi, nếu vô tình làm rơi đồ vật xuống nước thì sẽ càng cố gắng để vớt lên và rất dễ bị ngã xuống nước.

"Tuy nhiên, trong trường hợp như vậy thì phải là mắng thật sự rất nhiều. Điều quan trọng ở đây là cha mẹ đã không cho con được phạm lỗi nên đứa trẻ phạm lỗi là sợ. Dù cha mẹ không mắng vì đánh rơi đồ nhưng các tội khác đều mắng thì trẻ vẫn sẽ cố gắng xuống nước nhặt đồ rơi thôi".

Cần dạy con những gì?

Về cách phòng tránh đuối nước, TS Hương cho biết, ngoài dạy con học bơi thì các bậc cha mẹ nên cho trẻ học cách nổi lên mặt nước bằng việc nín thở. "Đây là kĩ thuật khá đơn giản. Đôi khi chỉ cần học nổi không cần học bơi trẻ vẫn có thể xử lý được".

Theo đó, khi ở dưới nước mà không chạm được chân xuống đáy thì trẻ sẽ vô cùng hoảng hốt. Vào trường hợp này, cần tập cho trẻ cách thả lỏng cơ thể dưới nước, nín thở.

Vì cơ thể người vẫn có không khí nên khi nín thở và thả lỏng thì cơ thể tự động nổi lên trên mặt nước, lúc đó con chỉ khoát nhẹ tay để người trôi đi. Sau đó, cố lái người vào bờ hoặc vào gần những vật nổi trên mặt nước như tấm gỗ lớn, phao bơi, hoặc xốp rồi ra tín hiệu xin cứu giúp.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngoài ra, trẻ nên học cách giữ bình tĩnh để tìm vật giúp cơ thể mình nổi lên trên mặt nước.

Thêm vào đó, trẻ cần học cách cứu người hiệu quả, không phải là nhảy xuống cứu mà là ném vật dụng nổi xuống cho họ và kêu cứu.

Với các trẻ đã biết bơi, đặc biệt dạy con cách cứu người bị đuối nước một cách an toàn. Cần cho con biết các điều kiện bơi lội an toàn và những giới hạn chịu đựng của cơ để con giữ được an toàn cho bản thân như: Khoảng cách bờ, độ sâu mà con có khả năng xử lý, khả năng nín thở, khả năng xử lý vấn đề khi mất bình tĩnh...

Cần lưu ý khi cho trẻ học bơi:

Cho trẻ tập bơi sớm là một trong những biện pháp chống đuối nước cần thiết.

Cần đảm bảo sức khỏe con em mình có đảm bảo để có thể tham gia hoạt động bơi lội hay không vì không phải trẻ em nào cũng có thể học bơi.

Ví dụ như những em nhỏ mắc các bệnh hen phế quản, bệnh đường hô hấp mạn tính: Viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn, viêm da dị ứng… không nên xuống nước vì có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn, dẫn tới những tai nạn không mong muốn khi bơi.

Các bậc cha mẹ cần trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi cho các em nhỏ như: cần phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, xử lý sao khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa tuổi...

 
Giadinh.net.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: thói quen sai lầm của cha mẹ , làm mẹ , dạy con khỏi đuối nước