Thầy giáo truyền đề thi Toán và Ngữ văn vào lớp 10 ra ngoài có thể đối mặt với 10 năm tù?
Thứ sáu, 08/06/2018 16:43

Những tài liệu này là bí mật quốc gia, được pháp luật bảo vệ. Những hành vi vô ý hoặc cố ý để lộ thông tin bí mật quốc gia sẽ bị xem xét xử lý bằng chế tài hình sự.

Liên quan đến vụ thầy giáo Nông Hoàng Phúc, giáo viên trường THCS Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội) - người nhận tuồn 2 đề thi Toán và Ngữ văn ra ngoài đang bị tạm giữ tại Công an huyện Đông Anh, Hà Nội. Trao đổi với PV về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội, nhận định: Đây là một vụ việc có tính chất nghiêm trọng. Người thầy này đã vi phạm quy chế thi và các quy định của pháp luật trong việc bảo mật đề thi.

Thầy giáo truyền đề thi Toán và Ngữ văn vào lớp 10 ra ngoài có thể đối mặt với 10 năm tù? - Ảnh 1.

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp
- Đoàn luật sư TP. Hà Nội.

Theo luật sư Cường, văn bản pháp luật thường xuyên quy định, cập nhật các tài liệu được xác định là tài liệu mật, tối mật, tuyệt mật để đảm bảo bí mật thông tin, an ninh thông tin. Những thông tin tài liệu này là bí mật quốc gia, được pháp luật bảo vệ. Những hành vi vô ý hoặc cố ý để lộ thông tin bí mật quốc gia sẽ bị xem xét xử lý bằng chế tài hình sự.

Thầy giáo truyền đề thi Toán và Ngữ văn vào lớp 10 ra ngoài có thể đối mặt với 10 năm tù? - Ảnh 2.

Đề thi xuất hiện trên trang mạng xã hội trước khi kết thúc giờ thi Toán.

Chính vì vậy, theo quy định của pháp luật thì đề thi tuyển sinh PTTH chưa công bố là tài liệu mật, là bí mật quốc gia. Người nào cố ý hoặc vô ý làm lộ bí mật quốc gia thì đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, khoản 5, Điều 1, Thông tư 11/2017/TT-BCA ngày 23/3/2017 Quy định Danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong ngành giáo dục và đào tạo gồm các tin, tài liệu trong phạm vi sau:

"Phương án sắp xếp thí sinh trong phòng thi, mã số phách bài thi và các tài liệu liên quan đến kì thi tuyển sinh PTTH, thi chọn học sinh giỏi các cấp, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh và thi hết môn các cấp học, bậc học, ngành học, trình độ đào tạo chưa công bố."

Ngoài ra, tại Quyết định số 59/2016/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 của Thủ tướng chính phủ cũng quy định Danh mục bí mật nhà nước độ tối mật trong ngành giáo dục và đào tạo gồm các tin, tài liệu thuộc phạm vi sau: "... Đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án, thang điểm bài thi, địa điểm ra đề thi, địa điểm sao in đề thi và các tài liệu liên quan đến các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, thi chọn học sinh giỏi các cấp, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh và thi hết môn các cấp học, bậc học, ngành học, trình độ đào tạo chưa công bố...".

Theo quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh về bảo vệ bí mật nhà nước thì: "Bí mật nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.".

Pháp lệnh cũng quy định: Bảo vệ bí mật nhà nước là nhiệm vụ rất quan trọng của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) và mọi công dân đều có nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước.

Nghiêm cấm mọi hành vi thu thập, làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ trái phép bí mật nhà nước và việc lạm dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che dấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân hoặc làm cản trở việc thực hiện các kế hoạch nhà nước. Việc tiếp xúc, bảo quản, cung cấp và xử lý bí mật nhà nước phải thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Người nào vi phạm các quy định của pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Những hành vi vô ý hoặc cố ý để lộ thông tin bí mật quốc gia sẽ bị xem xét xử lý bằng chế tài hình sự.

Điều 337, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định chế tài đối với hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước như sau:

"Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước

1. Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.

3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.".

Thầy giáo truyền đề thi Toán và Ngữ văn vào lớp 10 ra ngoài có thể đối mặt với 10 năm tù? - Ảnh 3.

Một điểm thi lớp 10 tại Hà Nội ngày 7/6. Ảnh minh họa: D.H

"Như vậy, nếu trong kỳ thi phổ thông trung học quốc gia vừa diễn ra mà phát hiện có người cố ý làm lộ đề thi, đồng thời người đó lại là giám thị của kỳ thi đó thì người này sẽ bị xử lý theo khoản 2, điều 337 Bộ luật hình sự với mức hình phạt là phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền và cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề trong một thời gian nhất định sau khi chấp hành xong hình phạt tù", luật sư Cường nhận định.

Cũng theo luật sư Đặng văn Cường, ngoài chế tài hình sự với người vi phạm thì kết quả thi của khu vực thi bị lộ đề cũng có thể bị hủy bỏ để tổ chức thi lại cho công bằng với những khu vực khác. Cũng cần lưu ý là đề thi chưa công bố nghĩa là thời gian làm bài thi chưa kết thúc, đề thi chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu trước khi bóc đề thi hoặc sau khi bóc đề thi và thời gian làm bài thi chưa kết thúc mà thí sinh hoặc giám thị vô ý hoặc cố ý làm lộ đi thi thì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Với lỗi vô ý thì chế tài xử lý có thể ít nghiêm khắc hơn nhưng vẫn là chế tài hình sự theo quy định tại điều 338 Bộ luật hình sự.

Nếu kết quả điều tra xác minh cho thấy người làm lộ đề thi ở đây thì chính là thầy giáo tham gia coi thi tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội thì thầy giáo này sẽ bị xem xét xử lý theo các quy định nêu trên.

Như thông tin đã đưa, đầu giờ chiều 7/6, khi thí sinh bắt đầu làm bài thi môn toán đã có thông tin lọt đề ra ngoài. Ngay từ lúc thời gian làm bài môn toán bắt đầu, trên mạng đã có thông tin đề thi môn toán bị lọt ra. Hàng loạt hình chụp đề đưa lên mạng với nội dung giống nhau.

Cuối buổi chiều 7/6, Sở GD&ĐT TP Hà Nội đã có cuộc họp để thông tin về việc lọt đề thi Toán và Văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc sở GD&ĐT, Hà Nội, cho biết: Về sự việc lộ đề thi môn Toán, an ninh đang làm việc giáo viên Nông Hồng Phúc, trường THCS Mai Đinh, Sóc Sơn, là cán bộ coi thi số 2 mang điện thoại vào phòng thi và chụp đề thi truyền ra ngoài tại điểm thi THPT Vân Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội).

Cán bộ này đã khai nhận hành vi của mình và nhận có chụp ảnh đề thi môn Ngữ văn và đề Toán trong ngày thi tuyển sinh lớp 10, ông Quang thông tin

Ông Lê Ngọc Quang cũng khẳng định, đây là hiện tượng lọt đề thi, việc này không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của các thí sinh.

Ngay khi phát hiện, thầy giáo Phúc đã bị đình chỉ coi thi.

 

Thoidai.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Lộ đề thi vào lớp 10 , thầy giáo tuồn đề thi ra ngoài , thi vào lớp 10 ở hà nội