Tại sao Facebook và nút Like gây nghiện như ma túy?
Thứ bảy, 25/04/2015 11:03

Số lượng người dùng Facebook đã vượt qua mốc 1 tỷ và vẫn tiếp tục tăng, vậy vì lý do gì mà mạng xã hội này lại gây nghiện tới mức đấy?

Thông thường, mọi người đều tự nhủ sẽ chỉ vào Facebook một lát, bình luận vài dòng cập nhật trạng thái của mấy người bạn thân hay lượn lờ Fanpage của ngôi sao ưa thích vài phút, rồi sau đó sẽ quay về công việc bỏ dở giữa chừng.

Tuy nhiên, ít người có thể dễ dàng dứt bỏ khỏi "cơn nghiện" để chú tâm làm việc hoàn toàn, thay vì thế, sẵn sàng bỏ mấy tiếng đồng hồ chỉ để nhấn "Like" và đọc từ bài viết này tới dòng trạng thái khác. Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra hàng loạt nguyên nhân tâm lý gây nên điều này.

Lý do Facebook thu hút: Não sản sinh cảm xúc thỏa mãn 

facebook

Ăn Facebook, ngủ Facebook...(Ảnh: i-reflect.com)

Rất nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để tìm hiểu hoạt động của não khi tham gia các trang mạng xã hội, mà cụ thể ở đây là Facebook.

Một công trình gần đây đã phát hiện ra mối quan hệ sâu sắc giữa Facebook và vùng nhân não liền kề (nhân cạp). Đây là vùng não sản sinh cảm xúc thỏa mãn đối với một số điều như thức ăn, tình dục, tiền và sự chấp nhận trong xã hội.

Khi ta nhận được phản hồi tích cực từ mạng xã hội, cảm xúc này lại xuất hiện ở một phần của não bộ. Càng sử dụng Facebook thường xuyên, sự thỏa mãn lại càng sản sinh mạnh mẽ.

Một nghiên cứu khác cho thấy các phản ứng tâm lý như giãn nở đồng tử ở các tình nguyện viên khi họ xem trang Facebook của mình, từ đó cho thấy hoạt động này gợi lên cảm xúc hứng khởi, đặc biệt chỉ xuất hiện khi chăm chú tham gia vào một dự án hoặc học hỏi kỹ năng nào đó.

Tại sao nút "thích" lại dễ gây nghiện đến vậy?

Một trong những đặc trưng của Facebook là nút "thích" xuất hiện ở bất cứ bài đăng nào.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) khảo sát hàng nghìn người về đời sống trên mạng xã hội, họ phát hiện ra rằng gần 44% người sử dụng Facebook nhấn "thích" bài đăng của bạn bè mình ít nhất một lần/ngày, ngoài ra, 29% số người thường xuyên làm điều đó.

likes

Luôn có những người nghiện nhấn "Thích" trong danh sách bạn bè (Ảnh: Facebook)

Trong thí nghiệm "dừng nhấn Thích trên Facebook" trong 2 tuần của Elan Morgan, cô cho biết "nút Thích như thể sự chấp nhận không lời đối với các bài viết thay vì phải đánh máy bình luận".

Bên cạnh đó, sau khi khảo sát hơn 58.000 người dùng Facebook, các nhà khoa học thấy rằng một yếu tố về Facebook mà ít ai nhận ra đó là tần suất sử dụng nút Thích cũng cho thấy người dùng đang thể hiện tính cách và bản chất của mình.

Ngoài ra, một báo cáo đăng tải trên tờ Psychology Today chứng minh rằng càng dành nhiều thời gian lướt Facebook cũng như chuyện trò trên mạng xã hội, người dùng càng tỏ ra đồng cảm "ảo", đồng thời, đây cũng là cách để nhận được "sự đồng cảm ảo" từ bạn bè hay người xung quanh.

Một trong những lý do khác cho hành vi "nghiện nhấn nút Thích" đó là cảm giác "được nhận lại một thứ gì đó". Một khảo sát của trang Syncapse đã cho thấy hầu hết mọi người đều quyết định vấn đề nào đó dựa trên các yếu tố thực tế như muốn nhận được giảm giá hay cập nhật tin tức từ công ty họ thích.

Trong khi đó, lý do để ghét bỏ một nhãn hàng hay không nhấn "Thích" công ty nào trên Facebook lại phụ thuộc vào trải nghiệm về chất lượng hoặc tính riêng tư trên mạng xã hội, chẳng hạn như "không muốn bị làm phiền bởi quảng cáo hay tin nhắn" hoặc "không muốn đưa thông tin cá nhân cho công ty".

Mặc dù vậy, số lượng Thích giống như loại tiền tệ trong thế giới mạng xã hội, ai cũng thể sử dụng bất cứ lúc nào với "số tiền" theo ý muốn, nhưng điều đó không có nghĩa sẽ nhận lại tương đương.

"Ngày nào tôi cũng phải bình luận một câu mới chịu được"

Câu trả lời cho câu hỏi "tại sao lại phải bình luận nhiều thế?" có vẻ khá rõ ràng - họ bình luận khi họ muốn thể hiện quan điểm hay ý kiến.

facebook

Mở mắt ngủ dậy là phải vào Facebook là thói quen của rất nhiều người
(Ảnh: onewomansview.co.uk)

Một điều thú vị đó là cách não con người phản ứng với số lượng bình luận có sự khác biệt với số lượng Thích họ nhận được. Moira Burke đã nghiên cứu hơn 1.200 người dùng Facebook, từ đó tìm hiểu được rằng họ cảm thấy thỏa mãn với tin nhắn cá nhân hơn là giao tiếp qua nút Thích thông thường. 

Cô giải thích rằng những người nhận được tin nhắn như vậy thường cảm thấy bớt cô đơn hơn, trong khi đó, số người chỉ nhận được vài nút Thích lại đắm chìm trong nỗi buồn ấy.

Ngoài ra, hành động bình luận này cũng khiến người dùng cảm thấy thoải mái, tường nhà bớt "rác" vì nút Thích và cũng nhận ra mình trở nên vui vẻ hơn. 

Đăng tải trạng thái để làm gì?

Một nghiên cứu của Trung tâm Pew cho hay mặc dù nhiều người dùng thích các nội dung và thường xuyên bình luận ảnh của bạn bè mình, hầu hết trong số đó lại không hay đăng tải trạng thái.

10% người dùng Facebook thay đổi hoặc cập nhật trạng thái trên Facebook như một thói quen hàng ngày, ngoài ra, 4% lại đăng tải nhiều lần trong ngày. Ngược lại, khoảng 25% người dùng tiết lộ họ không bao giờ thay đổi hay cập nhật trạng thái trên Facebook của mình.

Điều này hoàn toàn có lý khi nghiên cứu đó cũng chỉ ra rằng việc chia sẻ quá nhiều "trạng thái cập nhật" là một trong những phiền toái hàng đầu đối với người dùng mạng xã hội. Vậy vì sao rất nhiều người dành thời gian suy nghĩ và sau đó lại luôn đăng tin hay ảnh lên Facebook? 

Các nhà khoa học tại Đại học Arizona đã giám sát một nhóm sinh viên và theo dõi "mức độ cô đơn" của họ khi cập nhật trạng thái. Nghiên cứu phát hiện ra rằng khi sinh viên càng đăng tải thường xuyên, họ sẽ càng giảm thiểu cảm giác đơn độc, ngay cả khi không có ai nhấn Thích hoặc bình luận về thông tin đó.

Trái lại, các nghiên cứu từ chính Facebook về những thông tin người dùng đăng tải nhưng để chế độ bí mật đã cho ra những kết quả bất ngờ. 

facebook

Nghiện Facebook dần trở thành một căn bệnh của thời hiện đại (Ảnh: Yahoo News)

Sau 17 ngày tìm hiểu 3,9 triệu người dùng, họ phát hiện ra 71% trong số đó đã đánh máy ít nhất một trạng thái hoặc bình luận nhưng lại không đăng lên. Trung bình, người dùng sẽ đổi ý đối với khoảng 4,52 trạng thái và 3,2 bình luận.

Các nhà nghiên cứu đặt giả thuyết rằng mọi người có xu hướng che giấu khi họ cảm thấy người đọc khó mà hiểu được suy nghĩ của mình. Người dùng Facebook thường khá đa dạng, cho nên rất phức tạp và khó khăn nếu muốn thu hút tất cả mọi người. 

Nhấn nút "Chia sẻ" để lan tỏa thông tin

Vài năm trước, tờ New York Times đã thực hiện một nghiên cứu thú vị và đáng giá về lý do người dùng chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, từ đó cho thấy năm nguyên nhân chính dẫn đến "hành động" ấy. 

49% phản hồi cho rằng việc chia sẻ giúp họ thông tin cho người quen biết về thứ họ quan tâm, đồng thời thay đổi ý kiến hoặc cổ vũ hoạt động nào đó; 68% tiết lộ họ làm điều đó để cho người khác cảm nhận tốt về tính cách hoặc sở thích của họ.

Bên cạnh đó, 78% phản hồi cho biết họ "phát tán" thông tin trên mạng xã hội bởi điều đó giúp họ kết nối với mọi người, còn 69% lại giải thích rằng hành động ấy khiến họ cảm thấy đóng góp cho cuộc sống và xã hội. Ngoài ra, 84% người trả lời tin rằng đây là cách tốt để ủng hộ những vấn đề họ quan tâm.

Mặt khác, số lượng thông tin được chia sẻ nhiều càng đánh thức các cảm xúc mạnh, ví dụ như hào hứng, vui vẻ, sợ hãi hoặc tức giận, đối lập với những cảm xúc như buồn bã hay thỏa mãn.

Mặt tối của Facebook

Nghiên cứu năm 2010 của Carnegie Mellon phát hiện ra rằng khi người dùng tham gia vào mạng xã hội như đăng tải trạng thái, nhắn tin, nhấn Thích,..họ càng mở rộng lòng mình cũng như cảm thấy hòa đồng với xã hội hơn. Tuy nhiên, những người ngày càng dấn sâu vào thế giới ảo thì Facebook trở thành nguyên nhân khiến họ dần cô lập với thế giới bên ngoài.

facebook

Không ít người thừa nhận họ không thể sống thiếu Facebook dù chỉ vài giờ
(Ảnh: bloggingcage.com)

Theo Burke, việc chìm đắm trong Facebook có mối tương quan với mức độ trì trệ ngày càng tăng. Ví dụ nếu hai phụ nữ nói chuyện với bạn bè trong cùng khoảng thời gian tương tự, người dành thời gian đọc thông tin của bạn chủ yếu trên mạng xã hội sẽ trở nên mệt mỏi và trầm cảm hơn.

Depplus.vn/MASK

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: Facebook , Facebook và nút Like , Facebook và nút Like gây nghiện