Những sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2015
Chủ nhật, 07/02/2016 11:16

Trong hàng nghìn câu chuyện được đăng tải, chúng tôi sẽ điểm lại một số sự kiện 'nóng' được độc giả quan tâm hàng đầu có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới.

Những sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2015 - Ảnh 1

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Nhân vật của năm 2015 trên bìa tạp chí Time.

Bước ngoặt tại biển Đông

Biển Đông trong năm 2015 là một trong những điểm nóng trên bàn nghị sự khu vực với những vấn đề đáng chú ý. Hoạt động bồi lấp và xây đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam tạo nên một làn sóng phản đối trong dư luận quốc tế. Bên cạnh đó, các hoạt động tuần tra của Mỹ và việc tòa án quốc tế xử vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc càng làm vấn đề Biển Đông nóng lên. Với những diễn biến đó, Biển Đông năm 2016 nhiều khả năng vẫn tiếp tục là chủ đề lớn trong khu vực và thế giới.

Paris đêm kinh hoàng

Những sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2015 - Ảnh 2

Paris đêm kinh hoàng vì khủng bố.

Câu chuyện được quan tâm nhất trong năm 2015 là vụ khủng bố xảy ra ngày 13/11 tại Paris, Pháp. Sự việc đau lòng này đến nay vẫn là đề tài thu hút bạn đọc. Sau đêm thứ Sáu đen tối của nước Pháp, các nước huy động một lực lượng an ninh lớn chưa từng có, báo động tình trạng an ninh khẩn cấp. Những thông tin về quá trình xác minh danh tính thủ phạm, câu chuyện cảm động của nạn nhân cũng như kế hoạch chống khủng bố của châu Âu được báo ĐS&PL cập nhật liên tục. Gần đây nhất, vào đầu tháng 1/2016, một nạn nhân bị bắn 6 phát đạn trong vụ xả súng ở nhà hát Bataclan đã hồi phục một cách thần kỳ.

Vị thế cường quốc của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố

Vụ khủng bố tại Paris đã cho thấy những lỗ hổng trong hệ thống an ninh toàn khu vực châu Âu. Vì vậy, các nước phương Tây sẵn sàng “tung hoa” chào đón bất kỳ đồng minh nào giúp họ trong cuộc chiến chống khủng bố. Đây cũng là lúc các nước phương Tây đã phải suy nghĩ lại về các chiến dịch không kích chống khủng bố của Nga tại Syria từ tháng 9/2015. Nga trở thành một mũi nhọn trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Nga và các nước phương Tây đang xích lại gần nhau. Sự can thiệp của Nga trong xung đột Syria đang chứng tỏ vị thế của một cường quốc, đóng vai trò giải quyết những vấn đề lớn của quốc tế. Hiện nay, các đợt oanh kích của Nga đã có tác động thực sự lên nhóm khủng bố cực đoan. Các quan chức Mỹ dù không muốn nhưng cũng phải thừa nhận rằng, Moscow đang làm rất tốt nhiệm vụ và hoàn thành được mục tiêu của mình ở cuộc xung đột Syria. Một công bố vào giữa năm 2015 cho thấy, các cuộc khủng bố đã làm thiệt hại của thế giới 52,9 tỉ USD trong năm 2014, số tiền tương đương với toàn bộ tổng sản phẩm trong nước hàng năm của Bulgaria. Riêng nước Mỹ mỗi năm dành ít nhất 100 tỉ USD vào các nỗ lực chống khủng bố. Con số này sẽ không dừng lại vì theo dự báo, cuộc chiến sẽ ngày một khốc liệt và cam go.

“Lương tâm của châu Âu” trước làn sóng tị nạn

Còn nhớ vào tháng 9/2015, hình ảnh đầy bi kịch về cái chết của một bé trai khi đang chạy trốn khỏi Syria đã gây sốc cho toàn thế giới. Bức ảnh cậu bé Aylan Kurdi 3 tuổi giống như đang nằm ngủ trên bờ biển trở thành biểu tượng cho khủng hoảng di cư trong năm 2015. Thảm kịch của Aylan là động lực để châu Âu thống nhất và đưa ra một kế hoạch giúp xử lý hiệu quả cuộc khủng hoảng người di cư trái phép. Tuy đến nay, châu Âu vẫn chưa thể đi đến thống nhất nhưng số phận những người tị nạn đã được để ý tới. Thủ tướng Đức Angela Merkel là người đã mở rộng vòng tay tiếp đón người tị nạn. Bà quyết định mở cửa nước Đức cho người tị nạn, chủ yếu đến từ các khu vực đang xảy ra xung đột và chiến sự dù nhiều quốc gia châu Âu khác từ chối hành động này. Quyết sách trên của “người đàn bà thép” Merkel được nhiều người ca ngợi là “lương tâm của châu Âu”. Bà được nhiều người dân tôn sùng, gọi một cách thân mật là “mẹ”.

Những sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2015 - Ảnh 3

Họa sĩ Ai Cập, Islam Gawish, vẽ thêm đôi cánh trắng cho Aylan.
"Cậu bé muốn tự do này thiệt mạng bởi nỗi sợ hãi chiến tranh
 cuộc chiến không thuộc về em", Gawish lý giải.
Ảnh: Islam Gawish

Cũng vì hành động này mà tạp chí Time danh tiếng của Mỹ đã bình chọn nữ Thủ tướng Angela Merkel trở thành Nhân vật của năm với tầm ảnh hưởng quan trọng trước tình hình thế giới năm 2015. Năm 2015 đánh dấu sự khởi đầu của năm thứ 10 bà Angela Merkel đảm nhận vị trí nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Đức. Nữ chính trị gia này đã bắt tay vào việc dẫn dắt nước Đức bước vào kỷ nguyên lãnh đạo mới. Hiện nay bà là nhân vật có tiếng nói quan trọng hàng đầu trong Liên minh châu Âu. Tờ NewYork Times nhận định, phong cách làm chính trị của bà khá tinh tế và thu hút. Mọi quyết định và đường lối là tư duy sắc nét và sự tận tâm của một nhà khoa học trước mọi thông tin, dữ liệu. Bà luôn cẩn thận đi từng bước, theo sát những việc cần làm rồi sau đó mới quyết định.

Trung Quốc với chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”

Trung Quốc đang ráo riết thực hiện chiến dịch chống tham nhũng trên toàn quốc, một chiến dịch do đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo. Chưa bao lâu sau khi chiến dịch được triển khai, không ít quan chức cấp cao bị sa lưới. Người dân Trung Quốc kỳ vọng, chiến dịch sẽ giúp xóa sạch tệ nạn tham nhũng ở nước này. Các chiến dịch chống tham nhũng đã phát hiện hàng nghìn quan chức tham nhũng trên toàn quốc, trong đó có cả những kẻ đã chạy trốn ra nước ngoài.

Những sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2015 - Ảnh 4

Hàng loạt quan tham Trung Quốc bị bắt vì nhận hối lộ.

Chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, đã có tới 100.000 quan chức lớn nhỏ bị điều tra về tham nhũng, hầu như ở mọi cấp. “Con hổ” lớn nhất phải kể đến là cựu ủy viên Thường vụ bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng bộ Công an, từng làm Chủ nhiệm Ủy ban Chính trị - Pháp luật Trung ương (2007-2012), tiếp đến là hai Phó chủ tịch quân ủy Trung ương Trung Quốc là tướng Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng hay Hề Hiểu Minh - Phó Chánh án TAND Tối cao... Sau khi nhằm vào các quan chức chính quyền cũng như quân đội, ông Tập Cận Bình dần dần chuyển chiến dịch “bàn tay sạch” sang các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, hàng không cũng như tài chính. Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, ít có lãnh đạo nào chống tham nhũng triệt để như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tổng thống Mỹ và bài toán kiểm soát súng

Các vụ nổ súng liên tục diễn ra với tần suất dày đặc trong năm 2015 làm dấy lên quan ngại trong xã hội Mỹ về tình trạng các cơ quan chức năng “bất lực” trong kiểm soát súng đạn khi thậm chí những người bảo vệ pháp luật cũng trở thành mục tiêu tấn công. Trên mạng Twitter, Tổng thống Mỹ trích dẫn những thống kê chính thức như sau: Số các vụ nổ súng gây thiệt hại nhân mạng tại Mỹ cao gấp gần 300 lần so với ở Nhật Bản, cao gấp 49 lần so với ở Pháp và 33 lần so với Israel.

Trong quá khứ, người đứng đầu Nhà Trắng đã nhiều lần thúc giục Quốc hội Mỹ thắt chặt luật sở hữu súng, đặc biệt là sau vụ thảm sát năm 2012 tại một trường học ở Newton và mới đây nhất là vụ xả súng làm chết gần 20 người ở California vào tháng 12/2015. Các dân biểu đảng Cộng hoà chiếm đa số tại Quốc hội Mỹ vốn có lập trường ủng hộ việc sở hữu vũ khí. Ông Obama cũng từng tuyên bố sẽ sử dụng quyền lực đang có để đưa ra các biện pháp kiểm soát sở hữu súng mà không cần thông qua Quốc hội. Và ngày 5/1/2016, ông đã biến lời tuyên bố đó thành hiện thực.

Doisongphapluat.com

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Cậu bé syria chết trên bờ biển , Khủng bố ở Paris , Biển Đông