Những mũi tiêm quan trọng cho trẻ sơ sinh
Thứ bảy, 03/12/2016 10:26

Với trẻ sơ sinh, việc tiêm phòng ngay từ khi lọt lòng là cần thiết để tránh được những nguy cơ sức khỏe về sau.

Tiêm chủng là việc cần thiết với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Với trẻ sơ sinh, tiêm chủng càng sớm càng tốt mà không cần xét nghiệm. Cha mẹ có thể đưa trẻ đi tiêm tại các điểm tiêm chủng mở rộng, ngoài ra còn có nhiều mũi tiêm ngừa thêm không nằm trong chương trình.

Để có thể chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe con trẻ, cha mẹ có thể tiêm thêm nhiều mũi chủng ngừa khác.

Dưới đây danh sách những mũi tiêm quan trọng cho trẻ sơ sinh:

nhung-mui-tiem-quan-trong-cho-tre-so-sinh--giadinhvietnam.com 1

Những mũi tiêm quan trọng cho trẻ sơ sinh gồm tiêm vitamin K, viêm
gan siêu vi B... (Ảnh minh họa)

1. Tiêm vitamin K cho trẻ ngay sau khi sinh

Vitamin K là vitamin tan trong chất béo. Thức ăn và sữa mẹ cung cấp vitamin K cho cơ thể. Mặt khác, vitamin K được tổng hợp từ vi khuẩn đường ruột. Vitamin K có vai trò đặc biệt trong quá trình đông máu, tạo thành phức hợp prothrombin cần cho tạo cục máu đông, tránh xuất hiện chảy máu. Tiêm vitamin K cho trẻ mới sinh là một biện pháp dự phòng chủ động, tránh hiện tượng xuất huyết não – màng não hay gặp ở trẻ lúc khoảng 1 tháng tuổi.

2. Trẻ sơ sinh cần tiêm viêm gan siêu vi B

Hiện nay, đa số các trường hợp, người ta áp dụng lịch chủng ngừa: 0-1-6, có nghĩa là hai mũi tiêm đầu cách nhau một tháng để tạo miễn dịch cơ bản ban đầu, còn mũi thứ ba tiêm nhắc lại cách 6 tháng tính từ mũi đầu tiên.

Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt cần kích thích nhanh đáp ứng miễn dịch của cơ thể, nhất là ở trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm siêu vi B mãn tính, người ta tiêm 4 mũi theo lịch: 0-1-2-12, có nghĩa là 3 mũi đầu cách nhau 1 tháng để tạo miễn dịch cơ bản, còn mũi thứ tư cách mũi đầu tiên 12 tháng (mũi tiêm nhắc lại). Ngoài ra, còn tiêm theo lịch 0-7-21, mũi tiêm thứ hai và thứ ba cách mũi đầu là 7 và 21 ngày; tuy nhiên lịch này chỉ áp dụng cho những người ở vùng không có dịch mà cần đến gấp vùng có dịch viêm gan B lưu hành.

3. Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh

Tiêm vắc xin phòng bệnh lao cho trẻ là vô cùng cần thiết, theo các bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất các bà mẹ nên đưa trẻ đi tiêm trong tháng đầu tiên khi trẻ sinh ra.

4. Vacxin DTC (phòng bạch hầu - uốn ván - ho gà)

Vắc- xin DTC (phòng bạch hầu - uốn ván - ho gà) có hiệu quả nhất nếu được tiêm cho trẻ lúc 2-6 tháng tuổi. Sau 6 tháng, miễn dịch của cơ thể trẻ giảm đi.

5. Tiêm phòng sởi

Vắc- xin sởi được tiêm chủng miễn phí cho trẻ trong buổi tiêm phòng hàng tháng tại các trạm y tế. Ở Việt Nam, trẻ được tiêm phòng mũi đầu tiên lúc 9 tháng tuổi, mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi. Chủ động tiêm phòng sởi cho trẻ là cách tốt nhất và an toàn nhất bảo vệ con khỏi dịch bệnh nguy hiểm này.

Giadinhvietnam.com

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Tiêm phòng , Trẻ sơ sinh , Mũi tiêm quan trọng cho trẻ