Người tiêu dùng phải trả thêm bao nhiêu khi giá điện tăng 8,36%?
Thứ năm, 21/03/2019 11:55

Bộ Công Thương tổ chức họp báo để thông tin thêm về việc tăng giá điện từ ngày 20/3. Cơ quan này cũng đưa ra tính toán việc tăng giá khiến người tiêu dùng phải trả thêm bao nhiêu.

Chiều 20/3, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thông tin thêm về việc tăng giá điện. Chủ trì họp báo là Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn.

Trước đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định điều chỉnh giá bán điện tăng thêm 8,36%. Mức giá điện trung bình được điều chỉnh lên 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Giá bán lẻ điện sinh hoạt được điều chỉnh tương ứng chia làm 6 bậc. Bậc 1 từ 0-50 kWh được tính giá 1.678 đồng/kWh. Bậc 2 được tính giá 1.734 đồng cho mức tiêu thụ 51-100 kWh. Bậc 3 giá bán là 2.014 đồng cho mức tiêu thụ 101-200 kWh.

Giá bậc 4 là 2.536 đồng cho 201-300 kWh; bậc 5 có giá 2.834 đồng cho 301-400 kWh; bậc 6 được tính 2.927 đồng cho 401 kWh trở lên.

Người tiêu dùng phải trả thêm bao nhiêu khi giá điện tăng 8,36%?

Giá điện được điều chỉnh tăng thêm 8,36% từ ngày 20/3. Ảnh: EVN.

Tăng giá điện để bù chi phí đầu vào

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết việc điều chỉnh tăng giá điện dựa trên kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có các văn bản trình phương án bán lẻ điện bình quân năm 2019.

Sau đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính để kiểm tra, rà soát các thông số đầu vào để tính toán giá điện theo quyết định 24/2017 của Thủ tướng, bao gồm nhiều thông số đầu vào, chênh lệch tỷ giá... Trong kịch bản có nhiều phương án khác nhau, và đều được báo cáo Thủ tướng, Thường trực Chính phủ xem xét.

Ông Nguyễn Anh Tuấn giải thích thêm một số yếu tố đầu vào tăng giá, khiến áp lực phải tăng giá điện trong năm nay. Theo đó giá than đã tăng 2,6-2,7% khiến chi phí phát điện tăng thêm trên 2.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, đồng thời với tăng giá điện lần này, giá than cũng được điều chỉnh bước 2. Than của TKV tăng giá thêm 3,77%, Than Đông Bắc tăng thêm 5%, ước làm tăng chi phí 2.500 tỷ đồng nữa.

Ngoài ra, từ ngày 20/3, toàn bộ khí bán cho các nhà máy điện (trong bao tiêu và trên bao tiêu) thực hiện theo giá thị trường. Khi đó, ước chi phí sản xuất điện tăng 5.800 tỷ đồng.

Ông Anh Tuấn cũng cho biết trong năm nay, một số khoản chi phí ngành điện phải trả bằng USD, tỷ lệ chênh lệch tỷ giá là 1,36%. Ngoài ra, EVN vẫn còn một khoản chênh lệch tỷ giá phải phân bổ dần vào giá điện trong giai đoạn 2016-2020.

Hàng năm EVN đều thuê kiểm toán độc lập để tính toán giá thành sản xuất kinh doanh điện. Những chi phí không hợp lý sẽ bị loại trừ ra. Ông khẳng định kết quả kiểm toán được báo cáo độc lập. Bộ Công Thương cũng mời các bộ khác như Bộ LĐ&TBXH, Bộ Tài chính, VCCI, Văn phòng Quốc hội, Hội bảo vệ người tiêu dùng… kiểm tra giá thành.

Hộ gia đình dùng dưới 50 kWh/tháng chỉ phải trả thêm 7.000 đồng

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Bộ Công Thương đã tính toán kỹ việc tăng giá điện ảnh hưởng như thế nào đến các khách hàng mua điện. Trên cả nước đang có khoảng 25,8 triệu khách hàng dùng điện sinh hoạt.

Theo cách tính giá bậc mới, khách hàng dùng dưới 50 kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 7.000 đồng/tháng. Với bậc 2 dùng từ 51-100 kWh, mỗi tháng sẽ phải trả thêm 14.000 đồng. Với bậc 2, khách dùng từ 101-200 kWh/tháng thì phải trả thêm là 31.600 đồng; với bậc 4 (dùng từ 201-300 kWh/tháng) thì phải trả thêm 53.100 đồng.Với khách hàng dùng trên 400 kWh/tháng thì phải trả thêm trung bình 77.200 đồng.

Người tiêu dùng phải trả thêm bao nhiêu khi giá điện tăng 8,36%?

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh lượng hộ sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng vẫn chiếm đa số (chiếm 35,6%), trong khi lượng dùng trên 300 kWh/tháng chỉ chiếm 15% và trên 400 kWh/tháng chỉ 7,9%.

Với các hộ dùng điện nhiều dùng cho kinh doanh, EVN thống kê cả nước đang có 443.00 khách hàng. Theo đó, bình quân mỗi khách hàng phải trả thêm 500.000 đồng/khách hàng.

Ngoài ra, với 1,4 triệu khách sản xuất, mỗi hộ phải trả 12,39 triệu tiền điện/tháng, nghĩa là tăng thêm 839.000 (điều kiện hành vi sử dụng điện tương đương năm 2018) EVN cũng khảo sát nhiều khách hàng sản xuất rất lớn như sắt thép, xi măng…

Với 40 khách hàng sản xuất xi măng, khách phải tăng thêm 7,19%, trả thêm 13 triệu đồng/tháng. Người trả thêm cao nhất là 95 triệu đồng/tháng.

Khi khảo sát 40 khách hàng tiêu biểu sản xuất sắt thép, hộ trả thêm thấp nhất là 7,3%, tương đương 50 triệu đồng. Hộ trả thêm cao nhất là 8,28%.

Theo thống kê của Global Petrol Prices, năm 2018, Việt Nam là một trong những nước có giá điện bình quân vào nhóm thấp của thế giới. Cụ thể, giá điện của Việt Nam hiện tại là 0,07 USD/kWh, chỉ bằng 1/2 giá điện bình quân của thế giới tức 0,14 USD/kWh.

Trong số 93 nước được thống kê, nếu tính từ thấp đến cao thì Việt Nam đứng thứ 21, tức là giá điện của Việt Nam chỉ cao hơn 20 nước nhưng thấp hơn tới 73 nước khác.

Thống kê Global Petrol Prices cho thấy, một số nước có giá điện rất cao, chẳng hạn như Đức là 0,33 USD/kWh - cao gấp 4,7 lần giá điện Việt Nam; Australia là 0,26 USD/kWh gấp 3,7 lần; Tây Ban Nha ở mức 0,25 USD/kWh gấp 3,5 lần; Italy là 0,23 USD/kWh gấp 3,2 lần. Nước có giá điện cao nhất là Đan Mạch với 0,34 USD/kWh, gấp gần 5 lần so với giá điện của Việt Nam.

Zing.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Tăng giá điện , người tiêu dùng , tin nóng