Người dân Hà Nội lo lắng trước tin cấm xe máy
Thứ sáu, 23/09/2016 11:04

Sở GTVT Hà Nội đang lấy ý kiến về chuyên gia về Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố".

Những ngày gần đây dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến việc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đang lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố". Thông tin gây tranh cãi nhiều nhất là dự thảo cấm xe máy ngoại tỉnh từ năm 2020.

4 năm nữa xe máy sẽ không vào được vành đai I

Ngày 21/9, thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, cho biết đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố" mới chỉ là dự thảo sơ bộ. Dự thảo đề án do Sở GTVT Hà Nội và Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) nghiên cứu xây dựng. Hiện tại, Sở GTVT đang tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện trước khi báo cáo Thành ủy, UBND TP Hà Nội. Đây mới là dự thảo, cũng chưa phải là đề xuất chính thức.

dixemay-xahoi.com.vn-1474600635

Số phận những xe máy thuộc khu vực bị cấm sẽ đi về đâu? Ảnh: Đình Việt

Dù đang trong giai đoạn dự thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và chưa báo cáo Thành ủy, UBND TP nhưng đề án trên đang gây ra nhiều luồng ý kiến khác nhau. Dự thảo này đề xuất lộ trình hạn chế xe máy ở Thủ đô theo ba giai đoạn: Giai đoạn 1 có mốc từ năm 2020, Hà Nội sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, lễ, Tết. Năm 2021, dừng hoạt động đối với xe máy vào khu vực nội đô (Vành đai 1 – đường Đê La Thành) từ 7h - 19h hàng ngày; Hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.

Giai đoạn 2 từ năm 2023, dừng hoạt động đối với xe máy trong (Vành đai 2 – đường Láng), mở rộng khu vực hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...). Giai đoạn 3 đến năm 2025, cấm xe máy một số địa điểm trong Vành đai 3 (Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng…). Ô tô cá nhân sẽ hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. Nội dung dự thảo đề án nêu rõ lộ trình cấm xe máy theo từng mốc thời gian nhất định. Việc cấm xe máy sẽ được thực hiện đồng loạt và không có mục nào quy định về việc cấm xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội. Tại Hà Nội, lượng xe máy mang BKS ngoại tỉnh là con số không nhỏ trong tổng số hơn 5 triệu xe máy ở thời điểm hiện tại. Phần lớn là xe máy mang BKS ngoại tỉnh ở Hà Nội là của sinh viên trên toàn quốc học tập tại các trường ở Thủ đô.

Mục tiêu của đề án nêu trên là để chống ùn tắc giao thông đang và sẽ diễn ra triền miên tại Hà Nội. Trước đó, để chống ùn tắc, cơ quan chức năng Hà Nội đã đưa ra nhiều ý tưởng. Từng được người dân nhắc đến nhiều nhất có thể kể đến ý tưởng cho phương tiện lưu thông, đỗ theo ngày chẵn, lẻ; Hạn chế số lượng xe taxi; Chống xe khách đi xuyên tâm thành phố… Về mặt hạ tầng thì cách đây gần 10 năm về trước, đường phố Hà Nội được biến thành đại công trường, nhiều nút giao dùng đèn tín hiệu, ngã tư bị xóa bỏ. Hàng loạt giải phân cách mềm, cứng được đặt ra, vỉa hè lòng đường được mở rộng; Hệ thống cầu vượt nhẹ, cầu cho người đi bộ được ồ ạt xây dựng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là các giải pháp tình thế để giải quyết theo điểm và Hà Nội vẫn thiếu một giải pháp tổng thể cho giao thông nội đô.

Cấm không thuyết phục khó… khả thi

Ông Nguyễn Thành An, Khu tập thể Văn Công, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Vì phương tiện cá nhân, nhất là xe máy góp phần không nhỏ vào việc tắc nghẽn giao thông nên cấm xe máy tôi cũng đồng ý. Tuy nhiên, để cấm được xe máy phải đưa ra các giải pháp tổng thể, thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân. Đó là sự phát triển hạ tầng đô thị, phương tiện công cộng phải thuận tiện cho việc đi lại. Có dự thảo cấm xe máy mà không đưa ra giải pháp tổng thể, không thuyết phục được nhân dân chỉ tổ gây bức xúc dư luận, không có tính khả thi”.

Cũng theo ông Thành An, “nếu hạ tầng giao thông vẫn như hiện nay thì chuyện ách tắc sẽ vẫn tiếp tục xảy ra, nhất là những khu nội đô, hai phương tiện giao thông công cộng (xe buýt) to đùng gặp nhau, tránh nhau còn khó làm sao giao thông thông thoáng được. Hơn nữa, khi đó sẽ có rất nhiều phương tiện công cộng cỡ lớn, với hạ tầng giao thông như hiện nay không tắc mới lạ”.

Chị Nguyễn Thị Lan, Khu tập thể Học viện Tài chính, tổ 7, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm bày tỏ: “Tôi có 2 đứa con, đứa lớn học lớp 1, đứa nhỏ học mẫu giáo. Chồng tôi thì đi làm quá xa không đón được con, tôi thì 17h15 mới hết giờ làm, phóng như bay về đón con mà hôm nào đứa lớn cũng dài cổ ngóng còn đứa bé đã bị đưa xuống lớp đón muộn từ lâu. Nếu cấm xe máy, cơ quan tôi ở trong ngõ, lại phải chạy ra tít đường lớn chờ xe buýt mới về được thì việc đón các con sẽ vô cùng nan giải. Tổng lương hai vợ chồng tôi có 13 triệu, nếu phải thuê cả người đi đón con cuộc sống sẽ càng khó khăn hơn”.

Việc thảo luận vấn đề này cũng đang rất rôm rả trên cộng đồng mạng. Nick name Toan Tony bày tỏ: “Người dân có đến 50% thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng thì tiền đâu mua ô tô. Đồng ý là phát triển xe công cộng nhưng thử hỏi một anh phụ hồ cuối giờ làm quần áo đầy bê tông vôi vữa, có dám lên xe buýt không? Chị nhà ở Hà Đông mang xôi lên chợ Khâm Thiên bán có được cho lên xe buýt không? Còn có cụ bán gà chẳng lẽ xách cả lồng gà lên tàu cao tốc hay họ phải mua ô tô hay gọi taxi? Cấm xe máy thích hợp khi đường phố đã hoàn chỉnh và đồng bộ. Liệu sau năm 2020 đường phố đã ổn chưa”...

Nick name Nguyễn Tiến thì cho rằng: “Để thực hiện được thì cơ quan chức năng phải làm được các việc sau: Thứ nhất là, mua lại toàn bộ xe máy của các hộ trong khu vực bị cấm; Thứ hai là, hệ thống vận tải công cộng đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân; Thứ ba là, hệ thống trường học từ tiểu học đến trung học phổ thông phải thuận tiện cho việc sử dụng phương tiện công cộng cho học sinh”.

Chống ùn tắc là việc làm cần thiết nhưng cần tính đến giải pháp đồng bộ. Điều người dân hoang mang lo lắng là nếu cấm xe máy, sẽ đi lại như thế nào, phương tiện có thuận tiện không?

“Người ta cấm xe máy được là vì có hệ thống tàu điện ngầm, xe bus chỉ nhiệm vụ trung chuyển khách đến nơi chưa có đường tàu điện ngầm. Khi đưa ra luật cấm, giải pháp đồng bộ phải thực hiện trước đó...”, nick name Long Nguyen bình luận.

Giadinh.net.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Xe máy , cấm xe máy , người dân lo lắng tin cấm xe máy