'Lửa' đốt 4 tỷ USD: Tin xấu vùi dập, đại gia giật mình
Thứ năm, 12/04/2018 08:16

Hàng tỷ USD bốc hơi chỉ trong một phiên giao dịch. Giới đầu tư lo ngại những tin xấu dồn dập có thể là cái cớ khiến thị trường bị vùi dập.

Cú giảm sốc 4 tỷ USD

Một cơn ác mộng lặp lại trên thị trường chứng khoán (TTCK). Phiên giảm giá bất ngờ với chỉ số VN-Index rớt hơn 31 điểm khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) ngỡ ngàng và lo sợ về một triển vọng không mấy sáng sủa trong thời gian tới.

Trong phiên giao dịch ngày 11/4, áp lực bán tháo bất ngờ tăng vọt trên diện rộng khiến hàng loạt nhóm cổ phiếu giảm mạnh. Chốt phiên, VN-Index giảm giảm 31,01 điểm (2,59%) xuống 1.167,11 điểm, rớt khỏi vùng đỉnh thập kỷ 1.170 điểm.

Đây là phiên nối tiếp đà giảm điểm gần 10 điểm trong phiên liền trước sau khi VN-Index thiết lập đỉnh mới vượt 1.200 điểm. Những diễn biến tích cực trên các TTCK thế giới, trong đó có Mỹ trong phiên liền trước dường như không thể hỗ trợ được chứng khoán Việt.

Áp lực chốt lời mạnh diễn ra ở nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn khiến VN-Index ghi nhận phiên điều chỉnh mạnh và đóng cửa ở mức thấp nhất phiên.

tin chứng khoán,chứng khoán,VN-Index,thị trường chứng khoán,cổ phiếu ngân hàng,cổ phiếu chứng khoán  

Càng về cuối phiên giao dịch, áp lực bán ra càng lớn và trải trên diện rộng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán giảm rất mạnh. Trong đó Vietcombank giảm hơn 4%, còn Vietinbank (CTG) cũng giảm 4,3%.

Sức cầu bắt đáy cũng rất lớn với hàng chục triệu cổ phiếu ngân hàng được chuyển nhượng, thanh khoản chung trên thị trường cũng rất lớn nhưng không giúp thì trường hồi phục được. Các cổ phiếu gây ấn tượng trong thời gian gần đây như VPBank, BIDV, MBBank… đều giảm mạnh.

Các cổ phiếu trụ cột trên thị trường như Vingroup (VIC), Bảo Việt (BVH), VietJet (VJC), Masan (MSN), GAS, PNJ, HCM, SSI… đều giảm mạnh. Chứng khoán HCM thậm chí giảm 5,9% xuống 84.700 đồng/CP. SSI giảm 3,9% xuống 41.800 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng cũng giảm nhanh với những cái tên như VIC, VRE, FLC, LDG, KBC, VPH…

Cách đây khoảng 2 tháng, TTCK cũng chứng kiến 2 phiên đỏ lửa với VN-Index đánh mất hơn 93 điểm (tương đương 8,6%) xuống sát mốc 1.000 điểm. TTCK khi đó đã bốc hơi tổng cộng hơn 300 ngàn tỷ đồng (tương đương khoảng 14 tỷ USD).

Thị trường chịu áp lực lớn

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng Môi giới chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, TTCK giảm mạnh chủ yếu là do sức ép bán tăng nhanh sau khi giới đầu tư lo ngại một cuộc chiến ở Syria sẽ khiến dòng vốn rút khỏi TTCK, nhất là trong bối cảnh VN-Index đang ở đỉnh cao lịch sử.

Lo ngại chiến tranh Syria trên thực tế là lo ngại về cuộc đối đầu Nga Mỹ. Hiện tại, không phận Syria đã không còn máy bay bay ngang do cảnh báo không kích. Một số dự báo cho rằng, lần này Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể mạnh tay hơn, khả năng Mỹ sẽ không kích bằng tên lửa hành trình.

tin chứng khoán,chứng khoán,VN-Index,thị trường chứng khoán,cổ phiếu ngân hàng,cổ phiếu chứng khoán  

Cũng theo ông Tuấn, sức ép rút tỷ lệ margin về 40% cũng khiến cho giới đầu tư lo sợ và bán tháo nhằm tránh một kịch bản khó lường ở phía trước.

Vấn đề hạ tỷ lệ margin đã được nói tới từ vài tháng nay nhưng phiên họp chiều 4/11 của UBCK về vấn đề này khiến thị trường thực sự lo ngại. Hiện tại, việc rút bớt tỷ lệ margin từ 50% xuống tối đa 40% có được thực hiện hay không chưa được quyết định nhưng ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường là khá rõ. Hiện UBCK đang tính phương án và thời gian cho hợp lý.

Hiện tượng các quỹ ETF nội bị rút gần ngàn tỷ đồng trong thời gian gần đây cũng có tác động tiêu cực tới thị trường. Vấn đề cơ bản nằm ở chỗ, thị trường đã tăng mạnh và nhanh trong thời gian vừa qua, và đã trải qua một mùa xuân tươi đẹp. Giá cổ phiếu hiện được coi là khá cao. Đây là điều khiến nhiều quỹ chùn chân.

Các quỹ ngoại trong khoảng 2 tháng gần đây cũng đang bán ròng. Chỉ số giá/thu nhập cổ phiếu (P/E) của nhóm blue-chips trên thị trường đã lên gần 30x, còn toàn thị trường cũng khoảng 20x, là khá cao so với các quỹ không tính dài hạn.

Bên cạnh đó, giới đầu tư còn lo ngại dòng vốn tín dụng vào bất động sản có thể bị siết lại do thị trường tăng mạnh ở nhiều nơi trên phạm vi cả nước, nhất là các đặc khu kinh tế. Một cú khóa van sốc (nếu có) có thể ảnh hưởng tới thị trường.

Các phân tích kỹ thuật cũng cho thấy, áp lực bán vẫn khá lớn và xác suất nhóm cổ phiếu VN30 tiếp tục điều chỉnh là cao. CTCK KB Việt Nam (KBSV) thậm chí còn cho rằng, rủi ro thị trường đã đến ngưỡng báo động. BSI cho rằng sự rung lắc sẽ còn lớn hơn và sự phân hóa dòng tiền rõ rệt hơn.

Với diễn biến tiêu cực trong phiên 11/4, Asean Securities cho rằng xu hướng tăng ngắn hạn đã bị phá vỡ. Thị trường có thể sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ gần nhất tại 1.140-1.160 điểm.

Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia và CTCK cho rằng, việc thị trường điều chỉnh là điều đã được báo trước và đây là cơ nhà đầu tư tìm ra những mã cổ phiếu để mở vị thế sau đợt điều chỉnh kết thúc.

Triển vọng của nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng vẫn tốt, các ngân hàng và CTCK… có kết quả kinh doanh ấn tượng và triển vọng tươi sáng. Những xấu dồn dập có thể là cái cớ khiến thị trường bị vùi dập.

Theo VCBS, trong phiên liền trước, dù áp lực chốt lời lớn nhưng lực cầu tiềm năng vẫn là tương đối dồi dào, nhất là trong những nhịp điều chỉnh của thị trường, và dòng tiền mới vẫn đang tìm kiếm các cơ hội để giải ngân.

Vietnamnet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: thị trường chứng khoán , đại gia việt , tỷ phú