“Loạn” dược liệu nhập lậu tại một số cửa khẩu
Thứ sáu, 02/12/2016 15:57

Hàng năm, ngành Dược Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80-85% nhập khẩu (chủ yếu nhập từ Trung Quốc).

Tuy nhiên, số dược liệu nhập khẩu chính ngạch chỉ hơn nghìn tấn, số còn lại là nhập lậu.

Dược liệu không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan.

Dược liệu không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan.

Siết chặt chất lượng, buôn lậu gia tăng

Trước đây, để nguồn dược liệu về Việt Nam, các doanh nghiệp chỉ cần có đơn hàng và giấy tờ thông quan là được phép nhập khẩu dược liệu. Tuy nhiên trong thời gian qua, với cách làm này, nhiều doanh nghiệp đã nhập các loại dược liệu không đủ yêu cầu chất lượng vì không phải chứng minh nguồn gốc.

Đầu năm 2016, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 03/2016/TT-BYT quy định về hoạt động kinh doanh dược liệu. Theo đó, các doanh nghiệp nhập dược liệu vào Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, có đối tác bên nhập từ Trung Quốc được phép kinh doanh dược liệu.

Doanh nghiệp phải đạt các nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc” đối với dược liệu theo quy định tại Thông tư do Bộ Y tế kiểm tra. Đặc biệt, từ ngày 1/7/2016, dược liệu nhập khẩu trong Danh mục phải có Phiếu kiểm nghiệm của từng lô dược liệu của cơ sở sản xuất nếu cơ sở đó đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP).

Với Thông tư 03, việc nhập dược liệu sẽ được siết chặt để đảm bảo chất lượng dược liệu thì tình trạng buôn lậu qua biên giới lại gia tăng.

Theo báo cáo của Cục Quản lý y dược cổ truyền, hàng năm ngành Dược Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80-85% nhập khẩu (chủ yếu nhập từ Trung Quốc).

Trả lời báo chí, Phó Giáo sư Phạm Vũ Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền cho biết: Từ tháng 3/2016 đến tháng 9/2016, Cục mới cấp 14 giấy phép nhập khẩu dược liệu cho các công ty sản xuất dược tại Việt Nam, với tổng số 1.400 tấn dược liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được nhập khẩu.

Số lượng dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng này rất ít so với nhu cầu sử dụng dược liệu hiện nay. Các loại dược liệu của Trung Quốc giá thành rẻ hơn nhiều so với dược liệu trong nước nên rất “hút” khách.

Số lượng dược liệu Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc đã liên tục gia tăng qua nhiều năm, nếu tính cả số lượng nhập khẩu theo đường tiểu ngạch thì rất lớn.

Trên thị trường, nhiều loại dược liệu không đảm bảo chất lượng, không nguồn gốc xuất xứ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả điều trị, sức khỏe của nhân dân và an sinh xã hội được bày bán công khai, được quảng bá có công dụng chữa bách bệnh như thần dược.

Các loại dược phẩm Trung Quốc giá rẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro, không an toàn, từ đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng thuốc. Dược liệu nhập lậu từ Trung Quốc về với giá rẻ, đều đã bị “hút” hết dược chất quý.

Các loại nhân sâm, ba kích, tam thất... khi thu mua về đã được các chủ hàng dùng máy quay ly tâm, quay với tốc độ vài nghìn vòng/phút để vắt sạch tinh chất, nhất là sâm. Tinh chất của sâm được bán cho các công ty dược trong nước của Trung Quốc.

Còn bã sâm được ngâm vào nước cho tươi lại, có mùi vị sâm rồi sau đó đem bán lại cho các đầu nậu Việt Nam. Hàng lậu được nhập về kho với số lượng lớn. Để tránh bị nấm mốc, hư hỏng, nhiều nhà thuốc đông y đã tẩm ướp các chất bảo quản, chủ yếu là lưu huỳnh và một số chất tạo màu. Đông dược khi được tẩm chất bảo quản có thể để nhiều năm vẫn không hư hỏng.

Khó kiểm soát, quản lý

Hoạt động buôn lậu dược liệu ngày càng diễn biến phức tạp, tập trung nhiều ở khu vực biên giới phía Bắc với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Dược liệu lậu chủ yếu được vận chuyển qua lối mòn, sông suối biên giới, đặc biệt các đối tượng vận chuyển còn lợi dụng sơ hở trong các quy định của ngành đường sắt để vận chuyển.

Thậm chí, chúng còn huy động các đối tượng quá khích gây rối, cướp hàng... Phần lớn các đối tượng thường mua các loại nguyên liệu bán thành phẩm giá rẻ (chưa gọi là thuốc hay dược liệu), không rõ chất lượng nguồn gốc, bao bì, nhãn mác...

Nhưng sau đó lại tổ chức gia công, đóng gói, dán nhãn nhái thương hiệu nổi tiếng. Cuối cùng, các sản phẩm này được trộn với hàng thật hoặc đưa vào các cơ sở y tế thông qua đấu thầu giá rẻ, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc buôn bán dược liệu khó quản lý vì các thương lái chủ yếu bán từng loại riêng, không theo thang thuốc chữa bệnh.

Để xử lý các mặt hàng này, phía quản lý thị trường phải phối hợp với ngành Y tế mới có thể kiểm tra xem sản phẩm nào được lưu hành.

Từ đầu năm 2016 đến nay, nhiều vụ nhập lậu, vận chuyển dược liệu lớn không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị phát hiện và bắt giữ.

Ngày 5/1/2016, Cục Cảnh sát Kinh tế đã bắt giữ 1 xe ô tô vận chuyển 238 loại dược liệu chưa rõ nguồn gốc.

Ngày 19/1/2016, Cục Cảnh sát Môi trường thu giữ xe ô tô vận chuyển 59 loại dược liệu với tổng khối lượng 10.120kg chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngày 31/5/2016, Cục Quản lý y dược cổ truyền đã phối hợp với Cục Cảnh sát Môi trường phát hiện xe tải đang vận chuyển 18 loại dược liệu với tổng số lượng gần 9 tấn dược liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Ngày 24/9/2016, tại khu vực biên giới thuộc địa bàn thị trấn Tà Lùng (huyện Phục Hòa, Cao Bằng), lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ xe ô tô mang biển kiểm soát 11C- 02001 đang bốc dỡ khoảng 5 tấn hàng, phần lớn là rễ cây cam thảo nhập lậu từ Trung Quốc.

Ngày 5/10/2016, tại khu vực bến tàu Dân Tiến, TP Móng Cái, Quảng Ninh, Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 Hải quan Quảng Ninh phát hiện một lô hàng đông dược nhập lậu lớn bao gồm 100kg rễ cây cam thảo, 150kg hoa hạ khô, 100kg củ xuyên quy, 100kg củ cát cánh, 50kg hồng hoa.

Toàn bộ số hàng này đều không có chứng từ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Cũng tại khu vực bến tàu Dân Tiến, đầu năm 2016, lực lượng chức năng đã thu giữ, xử lý 300kg rễ cây đan sâm (một loại đông dược có nguồn gốc từ Trung Quốc) nhập lậu qua biên giới.

Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện, xử lý 15 vụ vi phạm trong kinh doanh đông dược, tiêu hủy gần 43 tấn đông dược nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Các con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm lớn. Thực tế thì dược liệu lậu không đảm bảo chất lượng vẫn được bày bán công khai khắp nơi.

Phapluatplus.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: dược liệu nhập lậu , Nhập lậu dược liệu , Nhập lậu hàng Trung Quốc