“Khoán trắng” con cho vợ, đàn ông chỉ là người cha tồi
Thứ bảy, 05/10/2019 08:54

Sự quan tâm gần gũi của cha là cách giúp con trai có được "uy quyền" một
cách tự nhiên về sau. Ảnh minh họa

Cứng nhắc khi… chia việc cho vợ

Việc người phụ nữ sẽ nuôi dạy con tốt hơn nhờ “uy” của người chồng. Sở dĩ như vậy là bởi, vai trò của người cha trong sự phát triển của đứa con là vô cùng cần thiết, đặc biệt là đối với những trẻ trai.

Chị Tâm ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội kể rằng, anh Đảm chồng chị là một doanh nhân thành đạt nhưng trong vấn đề nuôi dạy con cái lại rất cổ hủ. Anh Đảm giao hẳn việc gia đình, con cái cho chị Tâm lo. Nhà có hai đứa con trai, một bé 10 tuổi, một bé 8 tuổi nhưng đi đâu cũng do chị Tâm chở các con đi.

Một lần chị góp ý khéo với chồng: “Các con rất thích chơi đá bóng mà mẹ lại không biết đá. Bố bớt thời gian đưa các con xuống sân tập thể đá bóng cùng các con nhé. Mẹ thấy dưới sân nhiều ông bố đưa các con đi đá bóng vui lắm”. Đáp trả lời vợ, anh Đảm xua tay nói “Ôi giời, chỉ những ai vợ bỏ, vợ chết thì mới phải đưa con đi chơi. Anh đi làm cả ngày rồi, chiều tối về lại còn đưa con đi chơi nữa thì khác gì cảnh gà trống nuôi con. Thôi em đừng bày vẽ ra nữa”. Không phải một lần mà chị Tâm đã nhiều lần góp ý với chồng đưa con đi chơi nhưng dường như lần nào cũng đều thất bại. “Trong tư tưởng của chồng tôi, việc chăm sóc dạy dỗ con là việc nhỏ, là việc của đàn bà. Đàn ông chỉ làm những việc to tát như kiếm tiền, làm nhà, mua xe, quan hệ ngoại giao…”, chị Tâm nói.

Theo nhà tâm lý Nguyễn An Chất, Công ty Tư vấn An Việt Sơn (Hà Nội), hiện nay, trường hợp gia trưởng một cách cứng nhắc như của anh Đảm là không nhiều. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều ông bố vẫn chưa ý thức được vai trò cũng như tầm quan trọng của mình trong việc chăm sóc và nuôi dạy con cái. Những ông bố “từ chối” vai trò làm cha của mình như trường hợp trên là điển hình cho sự “vắng mặt giả” của người cha trong gia đình. Nói là “vắng mặt giả” là bởi, những đứa trẻ đó mặc dù có một người cha bằng xương bằng thịt nhưng trên thực tế chúng lại không được thừa hưởng những giá trị giáo dục quý báu từ cha.

Nhà tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, có một sự sai lầm khá phổ biến trong suy nghĩ của nhiều ông bố hiện nay là họ xác định vai trò của mình trong gia đình một cách thiếu đầy đủ, thiếu hiểu biết. Nhiều ông bố sai lầm nghĩ rằng, chỉ cần kiếm tiền mang về cho vợ nuôi con là xong trách nhiệm. Họ không hay biết rằng, đứa con không chỉ cần để lớn lên mà còn cần được phát triển cả về đạo đức, nhân cách và trí tuệ. Mà đạo đức, nhân cách hay trí tuệ của đứa trẻ lại không thể được nuôi lớn từ “nguồn tiền” của bố mang về.

Con trai lớn lên thiếu “uy quyền” vì … thiếu bố

Theo chuyên gia Nguyễn An Chất, người bố chính là người mang lại giá trị giáo dục quý báu cho người con trai, rõ nhất đó chính là “uy quyền” mà không người mẹ nào có thể mang lại cho đứa con của mình. Sự “vắng mặt giả” của người bố vì thế cũng ảnh hưởng tiêu cực đến bé trai không kém gì sự vắng mặt thật – là những đứa trẻ không có bố. Trẻ trai “thiếu” cha sẽ thích nghi kém hơn và gặp nhiều khó khăn hơn trong quan hệ tương tác với các trẻ khác.

Theo các chuyên gia, một bé trai khi có bố nhưng bố lại không làm tròn trách nhiệm làm cha thì chúng sẽ phần nào ảnh hưởng đến phát triển nhân cách một cách đầy đủ, toàn diện. Những đứa trẻ “thiếu” bố (cả trong trường hợp vắng mặt thật và vắng mặt giả), tính cách của chúng thường thiếu cương quyết, cư xử do dự, lưỡng lự, không có sự nhiệt tình trước những điều nó thích thú, say mê thất thường, ý thức về đạo đức nghèo nàn, không năng động. Tư tưởng của những đứa trẻ đó cũng trở nên bất an, hay lo âu nhưng trẻ không ý thức điều đó. Sự “vắng cha” vì thế có sự tác động đặc biệt không tốt đến những trẻ trai trong mọi gia đình. Các chuyên gia ví những đứa trẻ “thiếu cha” vì lý do khách quan cũng như chủ quan trên là những đứa trẻ thiếu hụt uy quyền.

Hội chứng thiếu hụt uy quyền của những trẻ trai thường có những biểu hiện như: Trở thành trẻ nhu nhược, không vững chắc về nhân cách; Cô độc về tình cảm, không có khả năng gắn bó trong quan hệ dài lâu; Luôn cảm thấy thiếu an toàn, chấp nhận khả năng không vượt qua. Lý do là bởi, những đứa trẻ trai đó không có bố để nuôi dưỡng quyền lực đàn ông của mình. Một đứa trẻ thiếu “uy quyền”, chúng sẽ mất những cái “phanh hãm” khi cần, thiếu sự kìm chế cho các phản ứng, trẻ thiếu hành vi bắt chước, hay về trễ, mượn những thần tượng bên ngoài gia đình để thay thế, trẻ tin ở sách báo, phim ảnh để tìm ra giá trị của mình.

Những tác động không tốt của người cha tới con trai

Bên cạnh sự thiếu vắng vai trò của người cha thì một người cha lạm dụng uy quyền cũng có tác động tiêu cực đối với đứa trẻ. Những trường hợp được coi là quá lạm dụng uy quyền như: Quan tâm một cách quá mức, bảo vệ con một cách quá đáng, quá cứng rắn hoặc kỳ vọng quá nhiều vào trẻ…

Một trong những biểu hiện của sự lạm dụng uy quyền một cách cực đoan ở người cha trong việc giáo dục con cái đó là sự thô bạo, thiếu tôn trọng con cái khiến cho chúng thấy bất bình, mất đi lòng tự trọng. Trẻ sẽ không muốn gắn bó mình với gia đình, muốn tìm môi trường khác để tự khẳng định mình và với tâm trạng, thái độ, tình cảm như vậy, trẻ khó có thể tìm đến những người bạn tốt. Phần lớn trẻ chủ động, hoặc rất dễ bị lôi kéo gia nhập vào nhóm bạn không chính thức, tiêu cực. Những đứa trẻ có các hành vi lệch chuẩn hoặc gia nhập các băng cướp thường là những đứa trẻ bị đánh đập nhiều, lớn lên sẽ nóng tính, thiếu kiềm chế.

Một sự lạm dụng uy quyền ở người cha nữa đó là việc họ cư xử với người mẹ như người tôi tớ. Điều này đặc biệt đúng với những người có tư tưởng gia trưởng, coi thường và thiếu tôn trọng vợ trước mặt con cái. Việc người chồng hạ thấp hình tượng người mẹ trước mặt con có thể ngăn cản sự tiến triển tình cảm bình thường của đứa trẻ đó.

 
Giadinh.net.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: cách chăm con đúng cách , chăm sóc trẻ nhỏ , lưu ý khi chăm sóc trẻ