Giả mạo chữ ký giám đốc, lừa đảo hơn 10 tỷ đồng
Thứ tư, 22/11/2017 14:44

Sau khi gửi tiền, khách phát hiện 5 quyển sổ tiết kiệm họ gửi không phải do ngân hàng phát hành. Chữ ký trên sổ là của Nhung, người đang bị ngân hàng đình chỉ công tác.

Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai, xác định đã có 30 trường hợp là bị hại của Cấn Phương Nhung (27 tuổi, trú tại Lào Cai), với số tiền bị chiếm đoạt lên tới hơn 10 tỷ đồng.

Vụ án bắt nguồn từ đơn trình báo của 3 bị hại gửi đến Công an TP Lào Cai. Các nạn nhân gồm Đào Mạnh Cường, Hoàng Khánh và Nguyễn Thị Hiền (cùng trú tại TP Lào Cai) tố cáo việc bị lừa đảo, chiếm đoạt những khoản tiền rất lớn.

Theo đó, nạn nhân Cường gửi số tiền là 1 tỷ đồng, chị Lành (vợ của anh Khánh) gửi 2 tỷ đồng và chị Hiền với sổ tiết kiệm trị giá 7,6 tỷ đồng vào một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Nhưng sau đó, tất cả phát hiện 5 quyển sổ tiết kiệm mà họ gửi không phải do ngân hàng phát hành. Chữ ký trên sổ là của Nhung, người đang bị chi nhánh ngân hàng này tạm đình chỉ công tác.

Tiếp nhận thông tin, Công an TP Lào Cai đã tạm giữ, niêm phong 5 sổ tiết kiệm nêu trên. Cấn Phương Nhung sau đó đã đến Công an TP Lào Cai đầu thú.

Gia mao chu ky giam doc, lua dao hon 10 ty dong hinh anh 1

Cấn Phương Nhung.

Ngày 9/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Lào Cai đã ra quyết định tạm giữ hình sự Nhung về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc đến Phòng cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai thụ lý theo thẩm quyền.

Quá trình xác minh, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai xác định đã có 30 trường hợp là bị hại của Nhung.

Nhung sinh ra trong một gia đình khá giả tại Lào Cai. Sau khi tốt nghiệp, cô xin được vào một ngân hàng trên địa bàn TP Lào Cai, làm kế toán phòng giao dịch...

Lợi dụng sơ hở trong việc quản lý ấn chỉ quan trọng (phôi sổ tiết kiệm), từ tháng 5/2016 đến tháng 3/2017, Nhung đã tự ý lấy 25 phôi sổ tiết kiệm của phòng giao dịch. Sau đó, cô tự ý ký vào mục thủ quỹ, kế toán và ký mạo chữ ký của giám đốc chi nhánh rồi đóng dấu phòng giao dịch để huy động tiền gửi tiết kiệm của 30 khách hàng với với tổng số tiền lên đến hơn 10 tỷ đồng.

Thủ đoạn phạm tội này rất tinh vi, ngay cả những người là bạn bè của Nhung cũng trở thành nạn nhân. Trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Điệp (trú tại Lào Cai) là một ví dụ. Nhung là bạn của con ông Điệp.

Sau khi huy động tiền gửi tiết kiệm, ông Điệp phần vì nể bạn của con, phần khác cũng đang có một khoản tiền dư giả để ở nhà nên đã đồng ý mang tiền đến ngân hàng nơi cô làm việc gửi 1 tỷ đồng, kỳ hạn một tháng, với lãi suất 4,3%/năm.

Sau khi ông Điệp viết, ký vào chứng từ gửi tiền, Nhung lấy một sổ tiết kiệm trắng, điền các thông tin khách hàng với số tiền gửi vào các mục quy định và chữ ký của chị ta dưới mục kế toán, thủ quỹ; giả mạo chữ ký của giám đốc chi nhánh rồi đóng dấu vào quyển sổ tiết kiệm đưa cho nạn nhân.

Ngày 6/2, ông Điệp về Hà Nội mua ôtô, đã yêu cầu Nhung rút trả tiền trên. Vì sợ sự việc bị bại lộ, cô đã huy động chuyển trả cho ông Điệp 1 tỷ đồng tiền gốc và 2 triệu đồng tiền lãi theo mức lãi suất của ngân hàng...

Quá trình đấu tranh, Phòng cảnh sát hình sự xác định, trong thời gian từ tháng 11/2016 đến tháng 2/2017, Nhung đã trực tiếp giao dịch, nhận tiền gửi tiết kiệm của 6 khách hàng/8 sổ tiết kiệm với số tiền là 10,5 tỷ đồng, nhưng cô chỉ hạch toán 10% số tiền của khách gửi vào hệ thống máy tính của ngân hàng, số còn lại chiếm đoạt để chi tiêu.

Khi phát hiện một chi nhánh trong hệ thống ngân hàng, huy động vốn với lãi suất cao hơn so với các ngân hàng thương mại, có chi trả thêm ngoài lãi suất huy động, ngân hàng trung tâm nơi Nhung làm việc đã đề nghị xác nhận số dư tiền gửi tiền tiết kiệm mang số seri 0471982...

Sau khi kiểm tra thẻ lưu tiết kiệm, không thấy có mã số như trên và phát hiện Nhung tự ý lấy phôi sổ tiết kiệm, phòng giao dịch của ngân hàng này đã yêu cầu cô phải thu hồi và giao nộp lại các phôi, sổ tiết kiệm đã lấy.

Sau đó, Nhung đã huy động tiền thanh toán được cho 12 khách hàng/17 sổ tiết kiệm, với số tiền gần 6 tỷ đồng mà trước đó chị ta đã giả mạo chữ ký của giám đốc chi nhánh để huy động tiền gửi của họ; đồng thời trả được 3,5 tỷ đồng cho 4 khách hàng mà trước đó cô đã chiếm đoạt 90% số tiền của họ khi gửi tiền vào ngân hàng.

Còn lại 11 sổ tiết kiệm mà Nhung đã chiếm đoạt tiền gửi không có khả năng thanh toán, cô đã in 150 phôi, sổ tiết kiệm giả rồi tiếp tục mạo chữ ký của giám đốc để làm 7 sổ tiết kiệm giả khác.

Với lý do phục vụ công tác kiểm tra của ngân hàng, Nhung gặp các khách hàng để đổi lấy 11 sổ tiết kiệm cũ của khách hàng mang nộp lại cho ngân hàng (có 2 sổ tiết kiệm giả, Nhung thống nhất với khách hàng ghi tổng số tiền của 6 sổ tiết kiệm cũ lại). Cô gái này tiếp tục sử dụng 6 phôi sổ tiết giả để huy động thêm tiền gửi tiết kiệm của 6 khách hàng 6 sổ với tổng số tiền là 6,5 tỷ đồng.

Vụ việc tiếp tục được cơ quan công an điều tra, làm rõ.

Cand.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Lừa đảo , chiếm đoạt tài sản , giả mạo chữ ký giám đốc , nhân viên ngân hàng lừa đảo