Đổi tiền lẻ để hưởng chênh lệch có thể bị phạt tới 40 triệu đồng
Thứ năm, 01/03/2018 08:06

Nắm bắt nhu cầu của người dân thường có nhu cầu đổi tiền mệnh giá nhỏ để mừng tuổi và đi chùa mỗi dịp đầu năm, nhiều “dịch vụ” đổi tiền lẻ để hưởng chênh lệch đã nở rộ.

 

Đổi tiền lẻ để hưởng chênh lệch có thể bị phạt tới 40 triệu đồng

Hành vi đổi tiền lẻ trái pháp luật có thể bị phạt tới 40 triệu đồng -Ảnh minh họa.

Dù pháp luật đã có quy định cấm, nhưng vì lợi nhuận và cả sự thờ ơ của các cơ quan chức năng nên tại nhiều nơi, việc đổi tiền lẻ vẫn ngang nhiên diễn ra. Trong trường hợp này, đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào?

Vẫn diễn ra phổ biến

Từ trước tết cả tháng, nhiều đối tượng đã mở “dịch vụ” đổi tiền lẻ để kiếm lời. Không giống như trước kia, việc đổi tiền mệnh giá nhỏ (và còn mới) thường chỉ diễn ra tại các khu vực đền, chùa hay những nơi diễn ra nhiều lễ hội; nhưng mấy năm gần đây, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều đối tượng còn lập hẳn một trang mạng riêng để kinh doanh “dịch vụ” này. 

Có cung thì sẽ có cầu và ngược lại. Tất nhiên, hình thức đổi tiền như vậy không bao giờ ngang giá mà người đi đổi tiền luôn luôn mất một khoản “phí” nhất định, thường là từ 20-40%, thậm chí là 70-80% tùy thuộc vào mệnh giá của số tiền họ cần đổi.

Chẳng hạn, khi đổi mệnh giá 100.000 đồng thì phí đổi là 20% trên tổng số tiền; loại tiền mệnh giá 50.000 đồng có phí đổi là 30%; nhưng với loại tiền mệnh giá 20.000 đồng, 10.000 hoặc 5.000 đồng thì phí đổi sẽ dao động từ 50-80%... Nghĩa là, càng đổi tiền mệnh giá nhỏ thì mức phí càng cao và thông qua việc làm bất chính này, nhiều đối tượng có thể thu về hàng chục triệu đồng chỉ trong một mùa lễ hội và dịp Tết.

Thông thường, đối với việc trao đổi trực tiếp thì phía khách hàng (người có nhu cầu) sẽ được nhận lại số tiền cần đổi ngay khi hoàn trả đủ số tiền chênh lệch cho đối tượng làm “dịch vụ”. Nhưng với việc đổi tiền qua mạng xã hội thì đôi khi người đổi tiền nếu không cảnh giác sẽ bị mất trắng số tiền “đặt cọc”.

Chẳng hạn, các đối tượng xấu sau khi lập ra các trang mạng xã hội nhận đổi tiền mệnh giá thấp và “mồi chài” được các nạn nhân thì sẽ cầu họ nộp trước một khoản tiền nhất định cho mình (thông qua chuyển khoản hoặc nạp thẻ cào điện thoại cho đối tượng lừa đảo).

Khi đã nhận được tiền, ngay lập tức những đối tượng này sẽ xóa trang mạng rồi ẵm số tiền của các nạn nhân cao chạy xa bay. Đến lúc này, các “khách hàng” chỉ còn biết khóc dở mếu dở vì chẳng biết nhân thân của đối tượng lừa đảo mình là ai.

Mức chế tài không phải ai cũng biết

Theo luật sư Lê Thiên- Giám đốc Công ty Luật Lê và Liên danh, “dịch vụ” đổi tiền mệnh giá thấp để hưởng chênh lệch là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, theo Điểm a Khoản 5 Điều 30 Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, quy định: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật”.

Chấn chỉnh các hoạt động đổi tiền lẻ, mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 48/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018, trong đó, yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường phát hiện và xử lý các hành vi đổi tiền lẻ trái quy định của pháp luật.

“Như vậy, hành vi đổi tiền lẻ trái quy định của pháp luật sẽ có mức phạt tiền rất cao, có thể lên tới 40 triệu đồng theo Nghị định 96”- luật sư Thiên nói.

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ cũng như mục đích, thủ đoạn của hành vi vi phạm, đối tượng mở “dịch vụ” đổi tiền lẻ nhưng sau đó bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Baophapluat.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Đổi tiền lẻ , Cấm đổi tiền lẻ