Đại gia Hứa Thị Phấn lại bị đề nghị truy tố
Thứ hai, 19/08/2019 13:16

Bà Hứa Thị Phấn lại bị cơ quan điều tra đề nghị truy tố vì gây thiệt hại hơn 1.338 tỉ đồng.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất hồ sơ, đề nghị VKS truy tố bà Hứa Thị Phấn (nguyên Cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín -Trustbank, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư phát triển Phú Mỹ) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 điều 175 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).

Cùng với bà Phấn, CQĐT còn đề nghị truy tố năm đồng phạm gồm Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty Phú Mỹ); Lâm Kim Dũng (nguyên giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang) và ba người cháu bà Phấn gồm Huỳnh Thị Xuân Dung; Lâm Hứa Quỳnh Trinh; Phạm Hồng Hảo.

Theo kết luận điều tra, bà Phấn lợi dụng việc nắm giữ 84,92% cổ phần ngân hàng TMCP Đại Tín (viết tắt Trustbank, năm 2013 đổi tên thành ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB) và cố vấn cao cấp HĐQT thâu tóm, lũng đoạn hoạt động của Trustbank, gây thiệt hại cho Trustbank tổng cộng hơn 1.338 tỉ đồng.

Thời điểm năm 2009 và 2010, bà Phấn chỉ đạo Trustbank trực tiếp đầu tư sai quy định hơn 1.037 tỉ đồng vào 4 dự án bất động sản do các công ty của bà làm chủ đầu tư.

Cụ thể, bà Phấn chỉ đạo đầu tư hơn 570 tỉ đồng vào dự án đầu tư xây dựng khu đô thị Phú Mỹ Garden II (xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) do Công ty cổ phần Phú Mỹ (bà Phấn làm Chủ tịch) làm chủ đầu tư.

Bà này cũng chĩ đạo đầu tư hơn 330 tỉ đồng vào hai dự án The Star City và Go Go City (huyện Nhà Bè, TP.HCM) do địa ốc Lam Giang làm chủ đầu tư; hơn 136 tỉ đồng vào dự án Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) do Công ty TNHH Phú Mỹ (bà Phấn làm Chủ tịch) làm chủ đầu tư.

Đại gia Hứa Thị Phấn lại bị đề nghị truy tố - ảnh 1

Bà Phấn khi đang điều trị tại bệnh viện

Hiện, Phú Mỹ Garden II đã bị thu hồi, hai dự án The Star City và Go Go City đã quá thời hạn chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án và vẫn chỉ là bãi đất trống. Với mục đích chiếm đoạt tiền huy động từ các tổ chức và cá nhân của Trustbank, thông qua Loan cùng một số con cháu và các nhân viên dưới quyền, bà Phấn chỉ đạo thực hiện việc mua đi bán lại các bất động sản trên.

Đồng thời, thông qua Công ty Hồng Đức và Công ty Năm Thành Viên sử dụng thông tin thẩm định giá thiếu căn cứ và không có cơ sở để thẩm định giá và nâng khống giá trị 4 bất động sản.

Tiếp đến, bà Phấn chỉ đạo HĐQT và ban điều hành Trustbank mua lại 4 bất động sản với lý do là mở rộng hệ thống ngân hàng hoặc đầu tư bất động sản với tổng giá trị là 661 tỉ đồng. Trong khi Trustbank đã vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định. Đến nay, 4 bất động sản này đến nay chưa thể hạch toán vào tài khoản tài sản cố định của ngân hàng.

CQĐT nêu rõ những thiệt hại nêu trên cũng chính là nguyên nhân dẫn đến thực trạng Trustbank năm 2011 và 2012 rất xấu và bị ngân hàng nhà nước xếp ngân hàng loại D (loại yếu kém). Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của VNCB sau này, khi nhóm cổ đông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ liên quan đến TrustBank nhóm cổ đông Hứa Thị Phấn, thực hiện tái cơ cấu, dẫn đến ngân hàng nhà nước phải mua lại giá 0 đồng đầu năm 2015 để gánh toàn bộ hậu quả nêu trên.

Trước đó, bà Phấn đã bị đưa ra xét xử nhiều lần ở các đại án Oceanbank, Trustbank, VNCB. Tuy nhiên, bà Phấn đều vắng mặt với lý do sức khỏe mất 93%, không có khả năng đi lại. Được biết, bà Phấn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng (quận 7, TP.HCM) với nhiều bệnh.

Tháng 11-2018, TAND cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm mức án 30 năm tù đối với bà Phấn về các tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Plo.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Hứa Thị Phấn , lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản , tin pháp luật