Chuyện tình cảm động của những cặp đôi vận động viên thể thao khuyết tật
Thứ ba, 14/02/2017 22:02

Sân chơi thể thao chính là “nhịp cầu” giao duyên của những đôi trai gái cùng số phận, cùng có hoàn cảnh tương đồng.

Sân chơi thể thao dành cho người khuyết tật không chỉ là “điểm tựa” vững chắc để mỗi người có số phận kém may mắn bày tỏ khát khao hòa nhập cộng đồng, thể hiện ý chí và nghị lực phi thường. Đó còn là “nhịp cầu” giao duyên của những đôi trai gái cùng số phận, cùng có hoàn cảnh tương đồng.

Vợ chồng cặp VĐV khuyết tật Cao Ngọc Hùng- Nguyễn Thị Hải là một trong những cặp đôi với tình yêu cháy bỏng, họ “có duyên” với nhau cũng bởi bằng sự cảm thông cùng chung số phận kém may mắn, với cả khát khao nghị lực trên mỗi đường đua thể thao, cùng chinh phục chiến thắng. Dù ở sân tập thường ngày, đến những đấu trường trong nước, quốc tế, họ luôn đạt được thành tích tốt để cùng “sở hữu” tấm vé và đồng hành trên mỗi cung đường thi đấu. Câu chuyện về tình yêu và cuộc sống, cùng những con đường chinh phục đỉnh cao ước mơ trở thành nhà vô địch Thế giới của họ được chia sẻ.

Cặp đôi VĐV khuyết tật Cao Ngọc Hùng- Nguyễn Thị Hải(Điền kinh).

Cặp đôi VĐV khuyết tật Cao Ngọc Hùng - Nguyễn Thị Hải (Điền kinh).

Cũng giống như nhiều VĐV thể thao người khuyết tật khác, cặp VĐV Cao Ngọc Hùng và Nguyễn Thị Hải đều có chung một số phận kém may mắn. Cơn sốt bại liệt ập tới từ khi còn nhỏ, khiến họ bị bại liệt chân. Cả 2 VĐV này đều sinh ra và lớn lên ở dải đất miền Trung nghèo khó, Hải quê ở Nghệ An, còn Hùng quê ở miền núi tỉnh Quảng Bình. Hùng mồ côi cả cha và mẹ, sống nương tựa vào người chị gái ở T.P Hồ Chí Minh. Còn Hải, cô ở mái ấm tình thương An Bình ( Quận Bình Thạnh- T.P Hồ Chí Minh).

Cũng từ mái ấm này, từ trường học, Hải và Hùng đều được giới thiệu đến Trung tâm Văn hóa- Thể thao quận Tân Bình để luyện tập thể thao. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của cán bộ, HLV môn Điền kinh- Thầy Đặng Văn Phúc (Trung tâm Văn hóa- Thể thao quận Tân Bình), Hải và Hùng đến nay đã có hơn 14 năm gắn bó với thể thao người khuyết tật. Trong chặng đường ấy, Nguyễn Thị Hải và Hùng đều phải trải qua những gian nan, thử thách trong tập luyện.

Cao Ngoc Hùng giành HCĐ ném lao tại Thế vận hội Paralympic Rio 2016.

Cao Ngoc Hùng giành HCĐ ném lao tại Thế vận hội Paralympic Rio 2016.

Vừa tập luyện, vừa phải kiếm tiền để có thể tự trang trải cuộc sống thường nhật ( trong khi đôi chân không còn khỏe mạnh). Vậy mà, kể từ ASEAN Para Games lần thứ III ( 2005) , cùng các kỳ Đại hội thể thao người khuyết tật Châu Á, Đại hội thể thao người khuyết tật Thế giới, Cao Ngọc Hùng và Nguyễn Thị Hải đều đạt tiêu chuẩn tham dự và đều giành thành tích xuất sắc. Niềm vui lớn nhất là Cao Ngọc Hùng đã giành tấm HCĐ tại Thế vận hội Paralympic 2016, tại Brazil.

Tập luyện trong cùng đội tuyển Điền kinh, Hải còn là “đàn chị” vì Hải hơn Hùng những 5 tuổi, nhưng họ đều có chung sự đồng cảm và bằng tình yêu họ đã vượt qua tất cả những định kiến về tuổi tác, cùng đến với nhau và vun đắp cho nhau cả tình yêu thể thao, chia sẻ những khó khăn, ngọt bùi của cuộc sống.

Ở họ luôn tràn ngập yêu thương, cùng vượt khó, chia sẻ ngọt bùi.

Ở họ luôn tràn ngập yêu thương, cùng vượt khó, chia sẻ ngọt bùi.

Đã 3 mùa xuân trôi qua, họ đã cùng chung một mái nhà và có 2 bé kháu khỉnh, dễ thương. Những khó khăn của cuộc sống thường ngày về “cơm áo, gạo tiền”, mơ ước để “sở hữu” một ngôi nhà … với họ vẫn còn mong mỏi từng ngày. Song, ở họ vẫn chung một tinh thần lạc quan, hướng về thành tích thi đấu ở chặng đường phía trước.

Cặp đôi Cao Ngọc Hùng- Nguyễn Thị Hải và những đứa con của họ.

Cặp đôi Cao Ngọc Hùng - Nguyễn Thị Hải và những đứa con của họ.

Ở một trường hợp khác, cặp đôi kình ngư khuyết tật Trịnh Thị Bích Như và Đỗ Viết Thạch, tình yêu của họ cũng như những trang cổ tích. Giữa phong ba bão táp, với khó khăn chồng chất khó khăn, đã có lần họ nói lời “chia tay”… Nhưng rồi, khi xa nhau, họ mới thấy họ thực sự thấy thiếu và cần phải có nhau. Ngày gặp lại, cả hai người chỉ biết nhìn nhau rồi khóc và không thể xa nhau hơn được nữa.

Nhắc về số phận của mình, với di chứng sốt bại liệt từ nhỏ, để lại đôi chân teo tóp… dường như đã khiến ba mẹ Bích Như “mặc định” nỗi buồn và chấm dứt niềm hy vọng về cô gái của mình. Họ chỉ mong sao con gái Bích Như luôn khỏe mạnh, có một việc làm phù hợp với khả năng của cô và không bao giờ nghĩ rằng: Bích Như sẽ xây dựng gia đình. Vì họ sợ con gái lấy chồng sẽ khổ và khó có thể gánh vác được thiên chức của người vợ, người mẹ và cả những trang trải của cuộc sống gia đình.

Cặp đôi VĐV khuyết tật Trịnh Thị Bích Như- Đỗ Viết Thạch hạnh phúc trong ngày hôn lễ.

Cặp đôi VĐV khuyết tật Trịnh Thị Bích Như- Đỗ Viết Thạch hạnh phúc
trong ngày hôn lễ.

Nhưng với lòng quyết tâm, VĐV Trịnh Thị Bích Như và Đỗ Viết Thạch vẫn đến với nhau. Họ cùng tập luyện bơi lội và hướng đến những thành tích ở phía trước.

VĐV khuyết tật Cao Ngọc Hùng và Nguyễn Thị Hải, Trịnh Thị Bích Như và Đỗ Viết Thạch, cũng giống như nhiều VĐV khuyết tật khác, họ đều coi đó như là “nghề” chính để mưu sinh. Bởi vậy, những ước mong về thể thao người khuyết tật luôn được các cấp, ngành quan tâm hơn nữa, nhằm động viên, giúp họ yên tâm với tập luyện, thi đấu mà không phải thấp thỏm với nỗi dằn vặt về cuộc sống thường nhật, phải đi làm thêm để có tiền trả tiền nhà, lo cái ăn, cái mặc hàng ngày... Có thể rất chính đáng đối với những VĐV khuyết tật giàu tiềm năng, triển vọng như thế.

Phapluatplus.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: cặp đôi vận động viên thể thao khuyết tật , vận động viên thể thao khuyết tật , Cao Ngọc Hùng - Nguyễn Thị Hải