Chuyên gia “vạch mặt” loại đồ ăn, thức uống làm tăng nguy cơ trẻ mắc đái tháo đường
Thứ hai, 15/07/2019 07:03

Nếu không kiểm soát việc trẻ ăn uống hàng ngày sẽ rất nguy hiểm, bởi tất cả những trẻ thừa cân béo phì đều có nguy cơ mắc đái tháo đường.

chuyen gia “vach mat” loai do an, thuc uong lam tang nguy co tre mac dai thao duong - 1

TS.BS Lê Quang Toàn – Trưởng khoa Đái tháo đường (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, nguyên nhân của đái tháo đường type 1 và type 2 đều liên quan đến yếu tố di truyền và sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Trong đó, đái tháo đường type 2 rất nguy hiểm thì có liên quan mật thiết đến vấn đề ăn uống, tập luyện.

Theo TS Toàn, đối với trẻ em những trẻ thừa cân, béo phì đều có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2, nguyên nhân sâu xa chính là do không kiểm soát được chế độ ăn của trẻ.

“Trước hết chúng ta cần phải hiểu rằng không có loại đồ ăn nào khi ăn vào trực tiếp dẫn đến đái tháo đường, mà những loại đồ ăn đó nếu ăn quá nhiều sẽ dẫn đến thừa cân, béo phì. Từ đó dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Đối với chế độ ăn thì tổng năng lượng thu nhận vào là quan trọng nhất, nếu ăn quá nhiều năng lượng, nhưng tiêu hao năng lượng ít thì dễ dẫn đến thừa cân, béo phì”, TS Toàn phân tích.

Đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên rán, nước ngọt... khiến trẻ dễ béo phì và đó là nguy cơ
mắc bệnh tiểu đường. (Ảnh minh họa)

Có một thực tế hiện nay mà hầu như gia đình nào cũng gặp phải, đó là việc không kiểm soát chế độ ăn của trẻ mà để trẻ ăn theo sở thích. Đó là vấn đề rất nguy hiểm, vì dường như các trẻ đều thích các loại đồ ăn, đồ uống có hàm lượng năng lượng cao, nhưng lại rất lười ăn rau xanh và vận động.

Nếu để trẻ ăn trong một thời gian dài, năng lượng đó tích lũy lại và gây nên tình trạng thừa cân, béo phì. Đó chính là nguy cơ dẫn đến nhiều căn bệnh khác nhau, không chỉ riêng tiểu đường.

Đặc biệt, hiện đang là thời gian nghỉ hè nên việc trẻ sử dụng các loại đồ ăn nhiều năng lượng cũng rất đáng cảnh báo. Theo TS Lê Quang Toàn, những loại đồ ăn trẻ nên hạn chế hoặc tốt nhất không nên sử dụng đó là nước ngọt, bánh kem, bánh quy, kem, socola, các loại đồ ăn nhanh,...

“Đây đều là những loại đồ ăn chứa nhiều năng lượng, có thể người lớn nhìn trẻ ăn với cùng một khối lượng, nhưng năng lượng lại rất cao so với các loại đồ ăn thực phẩm khác. Vì thế phụ huynh tốt nhất hạn chế hoặc tránh cho trẻ ăn những thực phẩm đó”, TS Toàn cảnh báo.

Kiểm soát chế độ ăn uống cho trẻ là vô cùng cần thiết để ngăn chặn bệnh đái tháo đường.

Theo TS Toàn để hạn chế trước hết phải kiểm soát việc ăn uống của trẻ, không quá nuông chiều trẻ. Ngoài ra, trong ngày hè cần phải tăng cường các hoạt động như các trò chơi, giải trí phù hợp với trẻ để lôi cuốn trẻ em. Nếu làm được như vậy không những sẽ khiến trẻ tiêu hao được năng lượng, mà còn làm trẻ quên đi những loại đồ ăn như bánh kẹo, đồ ăn nhanh hay nước uống có ga.

Đối với trường hợp trẻ đã mắc đái tháo đường, thì việc lựa chọn thức ăn cũng vô cùng quan trọng. Trước hết vẫn không nên chọn đồ ăn quá nhiều năng lượng làm tăng đường máu như: đường, các trái cây ngọt nhiều đường, các chất tinh bột: cơm gạo, khoai mỳ, ngô, mạch...

“Một số loại thức ăn sẽ làm tăng đường huyết nhanh hơn đó là các loại tinh bột được tinh chế, nấu kỹ sẽ giúp hấp thu nhanh ví dụ như bánh mỳ trắng, bột dạng nhỏ tinh chế, bánh gạo, khoai nhuyễn, hạt ngô bắp chiên giòn.

Ngược lại các loại đồ ăn sơ chế như gạo lứt, cơm nấu không nát thì sẽ hấp thu chậm hơn... Ngoài ra để giảm đường máu thì cần ăn nhiều rau xanh. Bữa ăn nên cung cấp đủ chất cần thiết, như dầu thực vật.

Các loại hoa quả ngọt nên hạn chế tối đa, đặc biệt là loại quả chứa nhiều đường như chuối, nhãn, vải... Ăn tăng các loại quả như thanh long, ổi... Nhưng điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được số lượng năng lượng nạp vào”, TS Toàn khuyến cáo.

Khampha.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Bệnh đái tháo đường , Trẻ mắc đái tháo đường , Sức khỏe trẻ em