'Chia tay' Kinh Đô và trung thu buồn của anh em Trần Kim Thành
Thứ hai, 24/09/2018 09:01

Ba năm sau khi "chia tay" Kinh Đô, anh em Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT KIDO, đã có một mùa trung thu buồn vì lợi nhuận sụt giảm mạnh.

Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (KDC) từng là một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm, đặc biệt với thương hiệu Kinh Đô và bánh trung thu. Tuy nhiên, ba năm trước khi KIDO đang là “vua của ngành bánh kẹo”, công ty này quyết định bán lại mảng kinh doanh này cho Mondelēz International.

Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KIDO

Tham vọng “lấp đầy gian bếp Việt” của Kido vừa qua tương tự như Masan với “mỗi gia đình Việt có một sản phẩm của Masan”. Chọn mảng dầu ăn là lĩnh vực thay thế cho bánh kẹo, ban lãnh đạo KIDO không giấu tham vọng bành trướng thị phần nội địa thông qua việc thâu tóm nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong ngành. Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT KIDO, từng khẳng định công ty này sẽ quay lại mốc lợi nhuận 600 tỷ sau ba năm bán đi mảng bánh kẹo. Tuy nhiên, kết quả 6 tháng đầu năm cho thấy một kết quả không mấy khả quan.

Lời hứa khó thành hiện thực

Đầu năm 2015, Kinh Đô (sau này là KIDO) quyết định chuyển nhượng toàn bộ mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International của Mỹ. Thương vụ này đã trở thành một trong những vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực hàng tiêu dùng tại Việt Nam với tổng giá trị thương vụ hơn 9.000 tỷ đồng.

Quyết định này gây bất ngờ không chỉ với giới đầu tư mà ngay cả người tiêu dùng bởi Kinh Đô khi đó được coi như “vua ngành bánh kẹo” và là một trong những thương hiệu Việt hiếm hoi đối chọi lại với làn sóng tấn công từ các thương hiệu nước ngoài. Năm 2014, KIDO, với nguồn thu chính từ mảng kinh doanh này, đạt doanh thu hơn 5.100 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế gần 540 tỷ đồng.

Tại phiên họp thường niên năm 2015, trước quan ngại của cổ đông khi quyết định bán đi “nồi cơm chính” của công ty, ông Trần Kim Thành khi đó không những tin tưởng vào quyết sách của mình mà còn đưa ra cam kết “trong vòng 2 năm KDC sẽ quay lại doanh số 5.000 tỷ đồng và trong vòng 3 năm, KDC sẽ quay lại con số lợi nhuận 600 tỷ đồng”.

Sau khi hoàn tất chuyển nhượng mảng bánh kẹo, KIDO liên tiếp đưa ra nhiều quyết định mở rộng đối với nhiều ngành hàng, đồng thời thực hiện hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập nhằm tăng sở hữu tại các công ty trong lĩnh vực thiết yếu như Tường An (TAC), Vocarimex, Thực phẩm Đông lạnh Kido, Golden Hope Nhà Bè…

Sau khi hoàn tất thâu tóm 65% vốn điều lệ của Công ty Dầu thực vật Tường An và nâng tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) lên 51%, KIDO trở thành doanh nghiệp nắm giữ thị phần lớn trong ngành dầu ăn.

Tuy nhiên, quả ngọt với KIDO sau nhiều năm đi M&A vẫn chưa đến, lợi nhuận theo chiều hướng sụt giảm. Năm 2018 – năm thứ 3 của “lời hứa” trước các cổ đông, Chủ tịch Trần Kim Thành trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch doanh thu 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, vượt xa con số 660 tỷ đồng đã đạt được trước khi bán đi mảng bánh kẹo. Dù vậy kết quả thực tế sau nửa năm 2018 của doanh nghiệp này lại hoàn toàn khác. Doanh thu thuần tăng trưởng hai chữ số, nhưng lợi nhuận của KIDO vẫn lao dốc mạnh.

Do không còn lợi nhuận phát sinh từ mua công ty con và thanh lý một số khoản đầu tư như nửa đầu năm 2017, cộng thêm phải khấu hao lợi thế thương mại khi hợp nhất kết quả kinh doanh của Vocarimex nên nguồn thu tài chính giảm hơn 12 lần, chỉ còn 46 tỷ đồng.

Điều này khiến lợi nhuận của KIDO bị ảnh hưởng nghiêm trọng bất chấp doanh thu thuần tăng trưởng 21% so với cùng kỳ và chi phí tài chính, bán hàng được kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, luỹ kế doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế sáu tháng đầu năm lần lượt đạt 3.716 tỷ đồng và 47 tỷ đồng, tương ứng tăng 26% và giảm 89%. Con số này không chỉ cách xa kế hoạch năm đã đề ra mà còn thấp hơn rất nhiều so với lời hứa năm xưa của Chủ tịch Trần Kim Thành.

KDC giảm mạnh là do kết quả kinh doanh không được ổn định của công ty này. Trong 6 tháng đầu năm 2018, KDC (công ty mẹ) lỗ hơn 72 tỷ đồng, lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ KDC trên báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm cũng là 11,23 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên kể từ khi niêm yết năm 2005 KIDO ghi nhận một quý lỗ.

Mặc dù dầu ăn đang trở thành một trong những nguồn thu chính của KDC, thay thế cho bánh kẹo nhưng lợi nhuận tụt giảm do tiền chi trả nợ gốc vay tăng vọt, 6 tháng đầu 2018 lên đến hơn 2,4 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, KDC còn phải chi 77 tỷ đồng để trả lãi vay. KDC hiện vay nợ cả ngắn hạn và dài hạn gần 2 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, tổng tài sản cũng có sự sụt giảm nhẹ xuống còn 12.328 tỷ đồng so với cuối năm 2017 là 12.749 tỷ đồng; Tiền và tương đương tiền giảm mạnh từ 1.807 tỷ cuối năm 2017 xuống còn 746 tỷ đồng.

“Gặp hạn” với bất động sản

Lấn sân vào lĩnh vực bất động sản với nhiều kỳ vọng, nhưng KIDO của anh em Trần Kim Thành lại rất mờ nhạt trên thị trường, hầu hết các dự án có sự tham gia đều chậm tiến độ. Trong đó một cái tên đang thu hút sự chú ý gần đây là dự án số 8-12 Lê Duẩn.

Khu “đất vàng” 8-12 đường Lê Duẩn diện tích gần 5.000m2 có 3 mặt tiền giáp các tuyến đường trung tâm quận 1 vừa bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm, trong đó có việc giao và cho thuê đất với giá rẻ, làm thất thoát ngân sách.

Ban đầu khu đất được giao cho Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM quản lý và cho 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương thuê. Sau đó, 4 công ty này từng chuyển nhượng lại cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH Đầu tư KIDO) quyền đầu tư phát triển dự án trên khu đất nói trên. Tháng 6.2011, UBND TP.HCM lại có quyết định chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Lavenue sử dụng toàn bộ diện tích khu đất này để đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm.

Khu “đất vàng” 8-12 đường Lê Duẩn diện tích gần 5.000m2 có 3 mặt tiền
giáp các tuyến đường trung tâm quận 1 vừa bị Thanh tra Chính phủ
chỉ ra hàng loạt sai phạm

Lavenue hiện là công ty liên doanh của KIDO. Theo báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2018, KIDO nắm giữ 50% vốn điều lệ của Lavenue, tương đương quy mô rót vốn hơn 1.070 tỷ đồng. Do dự án chưa triển khai, KIDO liên tục chịu lỗ trong thời gian gần đây liên quan đến công ty. Bên cạnh đó, việc chuyển nhượng đất vàng ở Trung tâm TP HCM với giá rẻ đang khiến KIDO đứng trước nguy cơ phải trả lại đất, dù chưa được hưởng lợi gì từ dự án.

KIDO cũng từng đầu tư một dự án bất động sản khác tại quận Thủ Đức - TP.HCM, thông qua Công ty TNHH Tân An Phước (TAP). Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, sau 12 năm với bao lần khởi công hụt KIDO đã chính thức từ bỏ dự án này bằng việc chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn góp cho nhóm các nhà đầu tư khác.

Một dự án khác có bóng dáng của công ty này là dự án SJC Tower nằm tại khu tứ giác Lê Lợi - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, rộng 4.000m2 với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD. Chủ đầu tư dự án SJC Tower là Công ty Sài Gòn Kim Cương. Công ty này được thành lập vào năm 2007 với các cổ đông sáng lập là Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, Công ty Cổ phần Hùng Vương, KIDO và Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á.

Mặc dù nắm cổ phần trong một dự án tại vị trí đắc địa, nhưng KIDO của anh em Trần Kim Thành sau đó cũng chuyển nhượng 50% vốn góp tại đây cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) để thu về 425 tỷ đồng.

Danviet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'

Tag: Trần Kim Thành , anh em Trần Kim Thành , KIDO