Bị cấm chơi điện thoại, bé gái 9 tuổi tự nhổ trụi tóc, rạch cào rách da mình
Thứ tư, 09/08/2017 20:02

Cách đây 1 năm khi bị bố mẹ cấm chơi điện thoại, bé gái 9 tuổi ở Hà Nội đã tự nhổ trụi tóc. Bé còn thích tự huỷ hoại mình bằng cách cào cấu chân tay mà không thấy đau đớn

Bệnh nhi được đưa đến Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) vào tháng 8/2017. Tại đây, gia đình em cho biết, em thích chơi game và mê đắm với những trò chơi trên mạng, gần như không chú ý đến việc học. Các mối quan hệ giao tiếp trong gia đình cũng bị em lãng quên, sao nhãng nên cách đây 1 năm, bố mẹ em cấm dùng.

Bức xúc vì bị thu Ipad, điện thoại, không còn thú vui gì khác nên bệnh nhi đã tự nhổ tóc khiến đầu trọc thành mảng to. Không những thế, em còn tự cào cấu vào chân tay mình. Và mỗi lần như thế em còn thấy thoả mãn, không hề đau đớn…

Bệnh nhi chia sẻ với bác sĩ tâm thần, rằng mỗi lần em tự nhổ tóc, cào da sẽ thấy thoải mái mà không hề đau đớn. Ảnh cắt từ clip bác sĩ cung cấp

Bệnh nhi chia sẻ với bác sĩ tâm thần, rằng mỗi lần em tự nhổ tóc, cào da sẽ thấy
thoải mái mà không hề đau đớn. Ảnh cắt từ clip bác sĩ cung cấp 

Phát hiện những biểu hiện bất thường này của con, bố mẹ bệnh nhi đã tổ chức các chuyến đi chơi, dã ngoại để bé được thay đổi không gian, mở rộng giao tiếp với nhiều người nên tình trạng bệnh đã được cải thiện đáng kể.

Bé cũng được đưa đến Viện Sức khoẻ tâm thần để điều trị các liệu pháp tâm lý.

Một trường hợp khác, một nữ sinh 21 tuổi, là nữ sinh đại học ở Hà Nội. Bệnh nhân là con thứ 2 trong gia đình, tính tình hiền, dễ xúc động, học giỏi.

Em mong muốn du học nhưng gia đình không có điều kiện để thực hiện. Sẵn buồn chán vì không thực hiện được ước mơ, lại thêm bị mẹ nói bỏ ý nghĩ du học đi nên bệnh nhân rất buồn và ức chế. Tâm trạng này kéo dài 2 năm (từ khi tốt nghiệp cấp 3) khiến bệnh nhân nảy sinh hành vi thích tự rạch tay bằng dao lam.

Khi phát hiện ra, gia đình em vội vàng đưa con đến bệnh viện điều trị. Khi vào Viện Sức khoẻ tâm thần, trên cổ tay cô gái đã có 16 vết cắt, nông, rỉ máu. Bệnh nhân mô tả là mỗi lần cắt tay như vậy mà không thấy đau, ngược lại còn thấy trong lòng nhẹ nhàng hơn.

Tại đây do được quan tâm và giám sát nên bệnh nhân không cắt tay được nữa. Sau 3 tuần điều trị bằng thuốc hiện sức khoẻ đã ổn định và tiếp tục điều trị tâm lý ngoại trú.

Một nữ sinh 21 tuổi đã tự rạch 16 nhát dao vào tay để ngược đãi bản thân.

Một nữ sinh 21 tuổi đã tự rạch 16 nhát dao vào tay để ngược đãi bản thân. 

Theo các bác sĩ tại Viện Sức khoẻ tâm thần, tự ngược đãi bản thân là hình thức tự làm “đau” về cả thể chất hoặc tinh thần với mục đích loại trừ bản thân hay loại trừ những bất toại…

Một ai đó dùng dao (dao lam), mảnh sành, sứ tự rạch vào da thịt cho chảy máu, giật tóc, tát vào má mình để được thỏa mãn là một trong nhiều biểu hiện của hội chứng ngược đãi bản thân. Hoặc một người nào đó tự đặt ra những hình phạt không phù hợp cho mình…

TS Dương Minh Tâm – Trưởng phòng điều trị stress, Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, dấu hiệu nhận biết bệnh nhân mắc triệu chứng tự ngược đãi bản thân như: Bệnh nhân có hành vi tự gây tổn hại, hay gặp nhất là hình thức cắt tay, cắt cổ tay với những nhát sắc, nông đủ gây rỉ máu nhưng không gây tổn hại đến tính mạng, Bệnh nhân có thể cắt ở nhiều vị trí khác, lao đầu vào tường, tự đánh, tát, nhổ tóc, cấu rách da hoặc nhịn ăn.

Bệnh nhân cũng có thể tự ngược đãi về tinh thần đưa mình vào nhiều hoàn cảnh cấm đoán, để chịu khổ sở.

Quan trọng là sau mỗi lần làm tổn hại bản thân bệnh nhân thấy tâm trạng thoải mái hơn, đây là điểm khác biệt cơ bản, chính vì thế, nên có xu thế tái diễn hành động để giải phóng sự ức chế

Có những bệnh nhân cắt tay nhiều lần, cắt vào đùi, thường gặp ở tay nhiều hơn. Vết cắt thường nông, đủ gây chảy máu nhưng ko nguy hại đến tính mạng. Cách đây vài tuần cũng có bệnh nhân cắt tay được gia đình cho vào viện.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng thường có cảm giác buồn, chán nản, nhưng không đủ gây ra trầm cảm. Bệnh nhân thấy mệt mỏi, dễ cáu giận, rối loạn giấc ngủ, cảm xúc ức chế hầu như chiếm hết thời gian của bệnh. Đôi khi có thể kèm trạng thái lo âu, rối loạn phân ly.

“Với các bệnh nhân trầm cảm cũng có những biểu hiện này, nhưng với bệnh nhân tự ngược đãi bản thân, sau khi được thoả mãn các cảm xúc thì triệu chứng này giảm nhanh” – TS Tâm nói.

Người bệnh thường trong trạng thái ức chế tâm lý kéo dài mà không được giải tỏa sẽ có xu thế muốn loại trừ (đáng ra loại trừ stress thì bệnh nhân lại quay 180 độ để loại trừ bản thân mình). "Ngoài mục đích loại trừ còn có mục đích gây sự chú ý của những người xung quanh" - TS Tâm nói thêm.

TS Tâm cho biết, hiện nay, trẻ vị thành niên là đối tượng hay gặp nhất vì nhà trường chủ yếu là giáo dục tri thức và vẫn nặng về kỷ luật. Ở nhà thì cha mẹ dùng quyền uy gây sức ép, áp lực để uốn nắn con theo ý mình.

Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới sở thích, đam mê hoặc lối sống của trẻ vị thành niên với những suy nghĩ có phần lệch lạc, bi quan, bế tắc. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chứng/ bệnh tự ngược đãi bản thân ở tuổi teen.

Đáng ra người bệnh khi gặp vấn đề căng thẳng thì phải chia sẻ và tìm kiếm sự trợ giúp của người khác, nhưng thay vì làm như vậy người bệnh lại tìm cách loại bỏ bản thân vì không muốn người xung quanh biết. Hoặc ngược lại, họ làm vậy để gây sự chú ý của người khác.

Khi phát hiện ra một người tự thương cần đưa họ đến khám và điều trị tại bác sĩ tâm thần. Các vết thương của bệnh nhân sẽ được khám và điều trị phối hợp bởi bác sĩ chuyên khoa phù hợp. Cần tìm ra nguyên nhân gây ra tự thương để điều trị triệt để, không để tái diễn hành vi tự hủy hoại.

Các thuốc chống trầm cảm và giải lo âu hay được sử dụng nếu bệnh nhân có các triệu chứng căng thẳng, chán nản, tự ti, cô đơn, đầu óc trống rỗng.

Với các bệnh nhân có nghiện rượu và ma túy thì cần phải điều trị cai nghiện cho họ. Thời gian nằm viện kéo dài 2 - 4 tuần. Sau khi ra viện, bệnh nhân cần được khám định kỳ tại phòng khám tâm thần để được hướng dẫn điều trị củng cố trong nhiều năm.

giadinh.net.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: tự ngược đãi mình , tự nhổ tóc vì bố mẹ không cho chơi điện thoại