Bắt cô giáo mầm non khoe mình quen biết nhiều rồi lừa đảo hàng trăm triệu đồng
Thứ năm, 19/10/2017 08:12

Là một cô giáo mầm non nhưng người phụ nữ ra sức quảng cáo có thể "chạy" vào các trường công an, thậm chí "chạy" cả chế độ thương binh rồi chiếm đoạt hàng trăm triệu.

Công an tỉnh Thái Bình cho biết, đơn vị vừa bắt giữ đối tượng Lại Thị Thấm (34 tuổi, trú tại xã Minh Châu, huyện Đông Hưng, là giáo viên trường Mầm non xã Minh Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Với việc dựng vỏ bọc bên ngoài là một công chức, biên chế của trường mầm non trong một thời gian dài, Thấm đã đánh trúng vào tâm lý, điểm yếu của các nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo. Thấm còn đến tận nhà các nạn nhân giả vờ động viên, an ủi, tỏ lòng thương, đồng cảm đối với những bị hại nhằm lấy lòng tin, chính vì vậy có những nạn nhân tin tưởng Thấm đến gần 10 năm.

Trước đó, Công an tỉnh Thái Bình từng được một số người dân đến cơ quan điều tra trình báo đã bị Lại Thị Thấm chiếm đoạt tài sản. Thậm chí, có người còn đi vay nặng lãi để "nhờ cậy" cô giáo mầm non Lại Thị Thấm chạy việc làm, chạy chế độ mong được công nhận thương binh, công nhận bị chất độc da cam để hưởng trợ cấp.

Lại Thị Thấm tại cơ quan Công an.

Ông N.G.N. (61 tuổi, trú tại xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà, Thái Bình) đã tố giác về việc ông bị lừa một số tiền lớn khi nhờ Thấm xin học cho con vào một trường Cảnh sát tại Hà Nội. Tại cơ quan điều tra, Thấm đã thừa nhận hành vi nhận tiền của ông N.G.N. để chạy việc.

Theo đó, khoảng tháng 9/2015, sau khi gặp ông N., Thấm cho ông biết hiện đang có một chỉ tiêu vào học tại một trường cao đẳng Cảnh sát ở Hà Nội.

Thấm có khả năng chạy được cho người khác vào đây với chi phí hết khoảng 250 triệu đồng, chỉ cần ông đưa trước 170 triệu đồng, còn lại sau khi vào học mới phải đưa nốt. Thấm còn bảo ông N. đưa con đến nhà để mình dẫn đi khám sức khỏe.

Sau khi dẫn con ông N. đi khám sức khỏe, ông N. đã xuống nhà Thấm và gửi trước 70 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Thấm vẫn không làm bất kỳ việc gì liên quan tới việc chạy trường. Khi nhận thấy Thấm không làm được những việc như thỏa thuận, ông N. nhiều lần đến nhà yêu cầu Thấm trả tiền nhưng do không có khả năng chi trả, Thấm tìm cách khất lần.

Cuối năm 2016, sau nhiều lần bị ông N. đòi tiền, Thấm đã chủ động đến nhà ông N. và viết cho ông một giấy vay với số tiền 300 triệu đồng.

Một trường hợp khác xảy ra tương tự, bằng những lời lẽ, chiêu trò ngon ngọt, khéo léo, Thấm đã nhiều lần khiến ông L.V.Đ. (65 tuổi, trú tại xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng) đưa tiền để chạy chế độ thương binh với số tiền lớn. Đến thời điểm vụ án được phá, đã tròn 10 năm ông Đ. đằng đẵng chuyển tiền cho Thấm với số tiền lên tới 105 triệu đồng.

Một trường hợp khác là ông N.N.C. (trú huyện Hưng Hà). Thông qua một người quen giới thiệu, năm 2011, ông C. gặp Thấm và nhờ lo cho ông chế độ chất độc da cam. Theo thỏa thuận, Thấm yêu cầu ông C. chuyển 15 triệu đồng vào tài khoản của mình.

Số tiền Thấm chiếm đoạt được hầu như đều đã sử dụng cho cuộc sống hằng ngày mà không hề nhờ ai chạy việc hay chạy chế độ cho các nạn nhân.

Tính tới thời điểm hiện tại, cơ quan An ninh điều tra đã xác định Thấm đã lừa hơn 10 người với số tiền gần 600 triệu đồng. Hiện, vụ án đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.

Để cảnh báo người dân trước những đối tượng lừa đảo, có thủ đoạn tương tự, cơ quan công an yêu cầu người dân không nghe theo những lời hứa chạy chọt việc làm, xin học các trường, hưởng trợ cấp, chế độ để rồi tiền mất tật mang.

Trên thực tế, mọi người phải bám vào những quy định của nhà nước và các hướng dẫn thông tư nghị định của các cấp chính quyền địa phương, để có đường hướng, cách làm thủ tục hồ sơ để được hưởng chế độ theo đúng quy định.

 
Khoevadep.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: lừa đảo , cô giáo mầm non lừa đảo , lừa đảo hàng trăm triệu đồng