Mẹ vô trách nhiệm có thể bị tòa quyết định không cho chăm sóc con
Thứ năm, 02/10/2014 21:26

Theo luật phát Việt Nam, những người mẹ vô trách nhiệm có thể bị tòa quyết định không cho trông nom, chăm sóc, giáo dục con cái.

Mẹ vô trách nhiệm có thể bị tòa quyết định không cho chăm sóc con

Mẹ vô trách nhiệm có thể bị tòa quyết định không cho chăm sóc con

Vụ việc goá phụ bỏ mặc con chưa đầy 3 tuổi cho ông bà nội chăm sóc, không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con suốt 7 năm, nay bất ngờ quay về “bắt cóc” con gái nhằm đưa ra nước ngoài tại ấp Hoà Khanh, xã Thạch Quới, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng đã khiến dư luận khó lòng đồng tình. Về mặt đạo lý, ông bà nội đã chăm sóc, nuôi dưỡng cháu cần được tôn trọng trong trường hợp này. Về mặt pháp lý, Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam) sẽ phân tích trong bài viết dưới đây.

Thưa ông, hành vi bỏ mặc, không chăm sóc con chưa thành niên suốt 7 năm của người mẹ trong vụ việc trên đã vi phạm điều luật nào của Luật Hôn nhân và Gia đình (LHNGĐ)?

- Hành vi này đã vi phạm Khoản 1 Điều 36 LHNGĐ: 'Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình'.

Người mẹ trong vụ việc trên sẽ chịu chế tài xử lý như thế nào khi bỏ mặc, không chăm sóc, nuôi dưỡng con?

- Điều 41 LHNGĐ quy định: 'Khi cha, mẹ đã bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; phá tán tài sản của con; có lối sống đồi truỵ, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì tùy từng trường hợp cụ thể Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 42 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ một năm đến năm năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này'.

Người mẹ trong trường hợp này đã bỏ mặc, không chăm sóc, nuôi dưỡng cháu suốt 7 năm qua phải được coi là đã có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con và phải bị Toà án ra quyết định không cho mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con.

Ông bà nội cháu bé có quyền yêu cầu Toà án ra quyết định không cho mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con?

- Hoàn toàn có thể. Căn cứ quy định tại Điều 15 Nghị định 70/2001/NĐ-CP hướng dẫn LHNGĐ thì những người thân thích sau có quyền yêu cầu Toà án ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; anh ruột, chị ruột; cụ nội, cụ ngoại; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chưa thành niên.

Hậu quả pháp lý khi người mẹ bị Toà án ra quyết định không cho trông nom, chăm sóc, giáo dục con?

- Do cha của cháu bé đã chết, trong trường hợp này ông bà nội của cháu bé sẽ được quyền trông non, chăm sóc, giáo dục cháu theo quy định tại Khoản 2 Điều 43 LHNGĐ.

Có thông tin cho rằng mục đích người mẹ bắt cháu bé đi để nhằm đưa cháu ra nước ngoài. Vậy, cháu bé có được xuất cảnh trong trường hợp này?

- Điều 21 Nghị định 136/2007/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định: 'Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.

2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.

3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.

4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.

5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.

6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ'.

Như vậy, nếu như cháu bé thuộc trường hợp “đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự” cụ thể ở đây là tranh chấp về quyền nuôi dưỡng, chăm sóc thì sẽ không được xuất cảnh.

Ông bà nội cháu bé cần phải làm gì để ngăn mẹ cháu đưa cháu ra nước ngoài?

- Để ngăn người mẹ đưa cháu ra nước ngoài, ông bà nội cháu bé trước tiên cần nhanh chóng nộp đơn yêu cầu Toà án cấp huyện nơi cháu cư trú ra quyết định không cho mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con.

Thẩm quyền quyết định chưa cho cháu bé xuất cảnh?

- Nếu cháu bé thuộc trường hợp đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự thì thẩm quyền quyết định chưa cho cháu bé xuất cảnh thuộc Toà án đã thụ lý vụ án theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 22 Nghị định 136/2007/NĐ-CP.

Diễn biến tiếp theo khi quyết định chưa cho cháu bé xuất cảnh được ban hành?

- Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định 136/2007/NĐ-CP thì Toà án khi quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải gửi văn bản thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, nêu rõ các yếu tố nhân thân của người chưa được xuất cảnh và thời hạn chưa cho người đó xuất cảnh, để thực hiện.

Xử lý như thế nào trong trường hợp mẹ cháu bé đã hoặc đang làm thủ tục xuất cảnh cho cháu bé khi Toà án đang thụ lý giải quyết vụ án?

- Căn cứ quy định tại Điều 25 Nghị định 136/2007/NĐ-CP thì cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện cháu bé đã có hộ chiếu, giấy tờ khác có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh hoặc đang làm thủ tục để đề nghị cấp giấy tờ đó, có trách nhiệm thông báo kèm theo bằng chứng cụ thể cho Toà án để xem xét, quyết định không cấp hộ chiếu, giấy tờ khác có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ngăn chặn người đó xuất cảnh. 

Hưng Hà (Xa lộ pháp luật) - Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: me vo trach nhiem , cham soc con , không cho cham soc con , me vo trach nhiem voi con , con cai , cha me , tin , bao