Nỗi ân hận muộn màng của người đàn ông sát hại em rể
Thứ ba, 30/09/2014 22:56

Đâm chết em rể vì cãi nhau với vợ, Thông day dứt và coi việc cướp đi mạng sống của người khác là không thể tha thứ được. Mặc dù gia đình nạn nhân không lời oán trách.

Con dao giết người (Ảnh minh họa)

Con dao giết người (Ảnh minh họa)

Khi biết tin cô em vợ của mình đã tái giá, lại ra nước ngoài sống với chồng, Thông lại càng cảm thấy khó nghĩ  bởi như thế chỉ được phần cô vợ trong khi đứa trẻ chẳng có tội tình gì lại bơ vơ vừa mất bố vừa xa mẹ. Ngước nhìn chúng tôi bằng đôi mắt buồn buồn sau cặp kính lão, giọng Thông trũng xuống: “Tôi không chỉ làm gia đình họ tan nát mà ngay cả gia đình mình cũng không được”. Hóa ra sau ngày Thông đi tù được 3 năm, vợ ông ta cũng nộp đơn xin ly hôn với lý do rất chẳng đâu vào đâu: “Vì mẹ chồng không chia tài sản cho con dâu”.

Đâm chết người vì cãi nhau chuyện dạy con

Nguyễn Trung Thông, sinh năm 1956, ở phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây, Hà Nội hiện đang là phạm nhân cải tạo bản án 20 năm tù về tội giết người ở Trại giam Nam Hà. Thông có 4 con, ba trai một gái đều đã lớn, trong đó 2 người con đã lập gia đình còn cậu con trai út đang học lớp 11. Theo lời tâm sự của người đàn ông này thì trong số 4 đứa con trai ấy, cậu con trai thứ ba tên Nguyễn Thế Anh khiến ông rầu lòng hơn cả. Cậu này vừa nhác làm, ham chơi, suốt ngày lông bông chẳng làm việc gì được lâu, đã thế lại đam mê bài bạc.

Thế nhưng theo lời Thông thì Thế Anh lại rất hợp với tính mẹ, một phần có lẽ tại lúc bé cậu ta ốm đau luôn nên được mẹ nuông chiều hơn so với các anh chị em khác. Chính vì thế mà mỗi lần cậu ta đi đánh bạc về, vợ Thông lại thậm thụt tìm cách che chắn cho con trai để không bị chồng phát hiện. Nếu lần nào không giấu được Thông, người phụ nữ này cũng tìm cách để tội của con nhẹ hơn và đương nhiên vì quá chiều con đã khiến vợ chồng Thông lần nào cũng vì chuyện của Thế Anh mà xảy ra cãi vã.

Cô tính, thu nhập của hai vợ chồng chỉ trông vào cửa hàng tạp hóa, bốn đứa con thì 2 đứa yên phận gia đình, còn hai đứa mình vẫn phải nuôi thế mà nay nó cắm xe lấy tiền đánh bạc, mai nó lại trộm tiền đi chơi, làm sao không bực mình. Tôi nói thì con vợ cứ bênh con, thử hỏi làm sao dạy được con. Chung quy nó hư cũng tại mẹ nó tất”, Thông làm luôn một tràng như muốn xả ra những bực bội đang chất chứa trong lòng.

Thống kê, rất nhiều lần con trai ăn trộm tiền đi trả nợ. Thông biết nhưng không làm gì được bởi từ trước tới nay tiền bạc trong nhà đều do vợ quản, Thông chỉ biết bán hàng, không hơn.

Đêm 26 rạng ngày 27/4/2003, giữa Thông và vợ là chị Nguyễn Thị Nga lại xảy ra cãi vã chuyện dạy bảo con cái. Nguyên nhân là tối 26, Thế Anh đi đánh bạc về muộn, bị bố mắng chửi. Thấy vậy, chị Nga đã nhảy ra bênh vực con khiến ông chồng càng thêm tức. Gần sáng, mọi chuyện mới vãn hồi, Thông lên giường đi ngủ nhưng không  sao chợp mắt được. Cứ nghĩ đến việc vợ bênh con chằm chặp là bao nhiêu bực tức dâng lên. Thấy vợ ngủ say, Thông liền gọi chị Nga dậy để nói phải trái. Lời qua tiếng lại, đôi bên xảy ra cãi vã. Sợ bị chồng đánh, chị Nga trở dậy mặc thêm quần áo rồi lấy xe đạp bỏ ra khỏi nhà.

Khoảng 8h sáng ngày 27/4, không thấy vợ quay về dọn hàng để bán, Thông lấy con dao dắt vào cạp quần rồi ra phố uống rượu. Khi cảm thấy ngà ngà hơi men, Thông về nhà bạn là anh Đặng Xuân Thường ngủ. Chiều đến tỉnh dậy, Thông đi về nhà. Nhìn thấy chị Nga đang lúi húi thổi nấu dưới bếp, Thông liền quẳng xe đạp đang đi rồi chạy vào với ý định cho vợ vài cái bạt tai. Nghe tiếng xe đổ, biết chồng chuẩn bị thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với mình, chị Nga vội vã chạy ra ngoài đường kêu cứu. Thông đuổi theo nhưng không bắt kịp. Đang lúc quay về nhà, Thông tình cờ gặp chị Nguyễn Vân Anh, là em gái chị Nga từ trong nhà đi ra. Nhìn thấy anh rể trong điệu bộ đằng đằng sát khí, có lẽ đã được chị gái tâm sự nên người phụ nữ này buông lời bóng gió: “Đàn ông con trai gì mà chỉ suốt ngày đánh vợ con” khiến Thông nổi đóa: “Đứa nào nói đấy”. Rồi Thông vơ chiếc xe đạp dựng gần đó, ném về phía chị Vân Anh. Chồng Vân Anh là Nguyễn Ngọc Quang khi đó cũng đứng cạnh vợ liền giơ chân đỡ chiếc xe đạp do Thông ném, không để va vào người vợ mình, đồng thời bảo: “Vợ tôi nói đấy, thích đánh nhau thì đánh nhau”.

giet-nguoi

Nỗi ân hận muộn màng của người đàn ông sát hại em rể (Ảnh minh họa)

Lời nói của cậu em đồng hao khác nào đổ thêm dầu vào lửa khiến cơn giận dữ trong đầu Thông càng thêm ngùn ngụt. Cơn giận dữ ấy đã khiến Thông không còn đủ bình tĩnh để suy tính thiệt hơn. Anh ta rút ngay con dao đang gắt ở thắt lưng, đâm một nhát vào ngực Quang. Những người có mặt sững lại trong giây lát vì ai cũng bất ngờ rồi xô lại, đưa Quang đi bệnh viện do mất máu quá nhiều. Trong lúc mọi người còn quýnh quáng lo đưa người bị thương đi bệnh viện, Thông vội vàng bỏ trốn chui, trốn lủi, anh ta cầm con dao gây án ra đồn công an gần nhất để đầu thú. Với hành vi giết người trong trạng thái bị kích động, Thông bị Toà tuyên phạt 20 năm tù, thi hành án cải tạo ở Trại giam Nam Hà từ cuối năm 2003.

Nỗi day dứt ở tuổi xế chiều

Từ ngày về Trại giam Nam Hà cải tạo, Thông được phân về đội mây tre đan lao động. Công việc hàng ngày của người đàn ông tuổi này là đan đế lẵng hoa, tuy nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi phải tỉ mẩn, khéo léo. Thông bảo mặc dù đã phải đeo kính lão nhưng công việc không đến nỗi khó lắm nên mỗi ngày ông ta cũng đan được 6 đế lẵng hoa, vừa đủ định mức được giao. Hỏi Thông về chế độ ăn trại, ông ta cho hay tuổi đã cao lại mắc một số bệnh của tuổi già nên nhu cầu cũng không cần nhiều như lớp trẻ.

Cứ khoảng 2 tháng các con tôi lại vào thăm một lần, chúng gửi tiền ký gửi, mang cả đồ ăn khô vào cho tôi nhưng tôi có dùng mấy đâu. Tiền ký gửi chỉ để mua một số đồ dùng như thuốc đánh răng, dầu gội, xà phòng còn đồ ăn khô, tôi toàn chia cho những người có hoàn cảnh hơn mình”, Thông tâm sự. Ông ta than từ ngày dính án tù, cậu  con trai khiến ông phiền lòng nhất không một lần lên thăm bố. Hỏi ông có phải vì Thế Anh cảm thấy có lỗi nên sợ không dám giáp mặt bố, Thông cười buồn: “Nếu được như thế đã tốt. Chỉ sợ nó còn ngập đầu trong cờ bạc nên không có lúc nào nghĩ đến người đã sinh thành ra nó”.

Thấy Thông không nhắc gì đến vợ, chúng tôi hỏi thì Thông đáp: “Bỏ lâu rồi, tính ra cũng được 5 năm tôi góa vợ sống”. Cuối năm 2003 Thông đi tù, vợ vẫn đều đặn vài tháng xuống thăm  một lần. Thông cứ nghĩ vợ chồng già cả rồi, chắc chẳng có gì thay đổi, ai ngờ năm 2009, bất ngờ nhận được thông báo của Tòa gửi tới: “Vợ ông đâm đơn ra tòa xin ly hôn và để Tòa án gửi “trap” tới cho tôi. Nghĩ mà cay thật vì vợ chồng sống với nhau mấy chục năm rồi, có với nhau 4 mặt con còn gì, đều đã lên ông lên bà, nếu có gì thì nói với nhau đàng hoàng đằng này bà ấy lại không thèm nói với tôi một tiếng”, Thông tâm sự.

Nghĩ chán nên Thông ký luôn, coi như giải phóng cho vợ khỏi mang tiếng có người chồng tù tội. Mãi sau này khi con cái lên thăm nuôi, Thông có hỏi thì được biết nguyên nhân khiến vợ đâm đơn bỏ là do không được mẹ Thông chia tài sản. Thời điểm đó bất động sản đang lên ngôi, đất ở trong hẻm, trong ngõ cũng có giá nên nhiều gia đình anh em, vợ chồng, thậm chí là cha con mâu thuẫn, xô xát nhau vì đất cát. Có lẽ vì sợ chia tài sản cho con cái, vợ Thông trong lúc chồng đi tù sẽ bán đi tư túi hoặc dấm dúi cho con, sau này Thông về sẽ chẳng có gì nên  mẹ Thông đã không làm di chúc chia tài sản cho ai cả.

Trong khi đó, theo lời các con kể lại thì từ ngày Thông đi tù, chị Nga phải lo nhiều khoản tiền như trả nợ tiền cờ bạc cho Thế Anh, tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân do Thông gây nên và cả tiền làm ăn do buôn bán không được phát đạt như trước. Những bức xúc ấy đã tạo áp lực lên vai vợ Thông khiến người đàn bà luống tuổi quyết định ly hôn chồng mặc dù thừa biết ở cái tuổi ấy chẳng thể góp gạo sống chung vơi ai nữa. “Tôi chán nên buông xuôi tất cả, mặc kệ cho mẹ, cho vợ con muốn làm sao thì làm. Với tôi điều khiến tôi đau khổ nhất chính là đứa cháu, con của vợ chồng em rể”, Thông bộc bạch.

Từng có thời gian phục vụ trong quân ngũ, tham gia chiến trường nên hơn ai hết, Nguyễn Trung Thông hiểu rằng mất mát lớn nhất không co gì bù đắp nổi chính là con người. Ngày Thông đâm chết em rể, con trai của nạn nhân đang học lớp 6, khờ khạo và chưa hiểu thế nào là mất mát. Giờ đây mẹ cậu bé lại đi bước nữa, không những lấy chồng khác lại còn ra nước ngoài sinh sống. Đang yên ấm trong một mái nhà có đủ cha đủ mẹ, chỉ vì cơn giận dữ của Thông mà thành trẻ mồ côi. Nhiều đêm không ngủ được, Thông nghĩ miên man, vừa giận mình vừa thương đứa cháu. Ông ta bảo muốn bù đắp cho đứa trẻ thiệt thòi ấy vì dẫu sao cũng là máu mủ, họ hàng. Theo lời Thông thì điều an ủi ông ta, khiến Thông cảm thấy nhẹ lòng hơn là tuy thiếu thốn tình cảm song cậu bé này rất ngoan và học giỏi.

Em rể tôi thiệt mạng, dì ấy còn trẻ cũng có nơi có chốn, chỉ thương đứa trẻ lớn lên thiếu người dạy bảo. Nếu sau này nó hư hơn thì tôi càng ân hận. Điều tôi mong mỏi nhất chính là đứa trẻ thiệt thòi ấy chứ không phải cậu con trai hư hỏng bởi chính tôi đã đẩy nó vào hoàn cảnh như hiện nay chứ con tôi, nó lớn rồi, nó phải tự quyết định con đường của nó”, Thông chia sẻ một cách thẳng thắn.

Vào tù từ năm 2003, tính đến nay phạm nhân có tuổi nay đã 5 lần được giảm án trong đó lần nhiều nhất là được giảm 10 tháng tù. Theo tính toán của Thông nếu tiếp tục được giảm 3 năm nữa anh ta sẽ mãn hạn trở về. Đến lúc đó chắc hẳn ông ta vẫn còn đủ cơ hội để thực hiện mong muốn chuộc lỗi với con trai người em rể.

Mai Hà (Pháp Luật & Cuộc sống) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: đam chet , giet nguoi , day dut , an han muon mang , tin , bao