Al Qaeda sẽ hoạt động mạnh hơn trong năm 2017?
Thứ năm, 02/02/2017 11:33

Đây là một trong những dự báo đáng chú ý được tờ Stratfor đưa ra trong bài viết về các dự báo hàng năm của báo cho năm 2017.

Al Qaeda sẽ hoạt động mạnh hơn trong năm 2017?

2017 được dự báo sẽ là năm có nhiều diễn biến khó lường.
Ảnh minh họa

Phản ứng chính trị bộc phát

Ở phần lớn các nước phát triển trên thế giới, xu hướng già hóa dân số và sự sụt giảm năng suất sẽ song hành với sự đổi mới công nghệ và sự chuyển dịch lao động. Tại Trung Quốc, nền kinh tế của nước này sẽ tiếp tục đà suy thoái khiến thế giới phải đối phó với việc nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của người Trung Quốc giảm sau nhiều thập kỷ tăng trưởng kỷ lục.

Trung Quốc sẽ chậm rãi nhưng chắc chắn sẽ thúc đẩy vai trò của nền kinh tế của nước này trong chuỗi giá trị toàn cầu, sản xuất và lắp ráp nhiều sản phẩm mà trước đây họ từng phải nhập khẩu để phục vụ cho nhu cầu trong nước. Tất cả những yếu tố này sẽ tác động lâu dài và đáng kể tới nền kinh tế toàn cầu và cuối cùng sẽ định hình hệ thống kinh tế quốc tế trong nhiều thập kỷ tới đây.

Những xu hướng nói trên đã âm thầm tích tụ trong nhiều thập kỷ và sau đó đã được thể hiện một cách ồn ào khi nền chính trị bắt kịp. Nỗi đau kinh tế càng kéo dài thì phản ứng chính trị càng mạnh mẽ. Tiếng chuông báo động cho việc đó là hiện tượng chủ nghĩa dân tộc được chào đón ở nhiều cường quốc thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và ở Mỹ.

Nước Mỹ vẫn sẽ là siêu cường duy nhất của thế giới nhưng siêu cường này cũng không còn cảm nhận được hết sức mạnh của họ. Trên thực tế, nước Mỹ cũng đã mỏi mệt. Sau khi bị khuấy động bởi các cuộc tấn công trên chính nước Mỹ, nước này đã bị kéo vào các cuộc chiến tranh trong thế giới Hồi giáo.

Để rồi, đến nay, người Mỹ đang muốn quay về để sửa chữa những vấn đề ở trong nước. Điều này được thể hiện ở việc chủ đề chính trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump là tiết kiệm chi tiêu với ý tưởng là nước Mỹ sẽ rút bớt khỏi các nghĩa vụ quốc tế, để các nước khác gánh thêm trách nhiệm phòng vệ của riêng họ và để nước Mỹ tập trung vào thúc đẩy tính cạnh tranh của nền kinh tế của nước họ.

Thực ra, ông Barack Obama là người đã thiết lập xu thế này. Dưới nhiệm kỳ tổng thống của ông, nước Mỹ đã rất kiềm chế ở khu vực Trung Đông đồng thời tìm cách để tập trung vào các thách thức dài hạn. Sự khác biệt trong quan điểm của ông Obama và ông Trump là ông Obama vẫn tin an ninh và thương mại tập thể là các cơ chế để duy trì trật tự toàn cầu trong khi ông Trump nghĩ rằng các thể chế chi phối các quan hệ quốc tế là khiếm khuyết và không hề có lợi cho các lợi ích của Mỹ.

Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung khó xảy ra

Tuy nhiên, dù cách tiếp cận là gì thì việc thực hiện vẫn sẽ khó hơn nhiều so với việc nói ra đối với siêu cường toàn cầu này. Như Woodrow Wilson nói: “Người Mỹ dù muốn hay không vẫn đang tham gia vào đời sống của thế giới”. Câu nói này vẫn sẽ đúng dù Mỹ thắt chặt chủ nghĩa hiện thực trong các vấn đề thế giới.

Ví dụ, việc rà soát lại các quan hệ thương mại mà Washington dự định thực hiện có thể là khả thi ở một vài thập niên trước. Mặc dù vậy nhưng việc này không còn khả thi ở trật tự thế giới hiện tại, nơi những cải tiến trong sản xuất đang tiến triển nhanh chóng và các nền kinh tế dù lớn hay nhỏ cũng đang đan cài trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ không thể tạo ra được những thay đổi sâu rộng và đột ngột tới Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ. Trên thực tế, kể cả khi hiệp định này được đàm phán lại thì các nước ở khu vực Bắc Mỹ cũng sẽ vẫn duy trì quan hệ thương mại chặt chẽ hơn trong dài hạn.

Nhưng Mỹ sẽ có nhiều không gian hơn để áp đặt các rào cản thương mại chọn lọc với Trung Quốc, đặc biệt là trong ngành kim loại. Nguy cơ về tranh chấp thương mại vốn đang ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ có tác động sâu rộng. Việc Washington sẵn sàng thách thức chính sách “Một Trung Quốc” có thể sẽ khiến Bắc Kinh đẩy các đòn bẩy thương mại và an ninh của nước này đến mức buộc Mỹ phải hiện diện lớn hơn ở khu vực Thái Bình Dương.

Song, tranh chấp thương mại giữa 2 nước nhiều khả năng sẽ không diễn ra ngay. Bởi, ông Trump sẽ muốn tập trung vào giải quyết các vấn đề trong nước sau khi lên nắm quyền, còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong khi đó sẽ muốn tập trung vào Đại hội đảng lần thứ 19. Do đó, sự ổn định về kinh tế sẽ được lãnh đạo 2 nước coi là ưu tiên hơn so với việc cải cách và tái thiết. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ tăng tín dụng và mở rộng đầu tư nhà nước dù các công cụ này đang khiến mức nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cao đến mức nguy hiểm.

Năm quan trọng với châu Âu

Về phía châu Âu, đây sẽ là một năm quan trọng đối với châu lục này. Các cuộc bầu cử tại những nước trụ cột của khối như Pháp và Đức và có thể là cả ở nền kinh tế lớn thứ 3 của khu vực eurozone Italia sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác và đe dọa đến sự tồn tại của eurozone. Dù phe ôn hòa hay cực đoan chiến thắng ở cuộc bầu cử năm 2017 thì EU vẫn sẽ tiến dần hơn tới quá trình sụp đổ.

Sự chia rẽ ở châu Âu sẽ là cơ hội vàng với Nga. Nga sẽ có cơ hội để làm giảm sự đồng thuận của châu Âu đối với các biện pháp trừng phạt nhắm vào nước này, đồng thời cũng có cơ hội để tăng cường ảnh hưởng của họ đối với các nước láng giềng. Chính quyền của ông Trump cũng có thể có được điều kiện thuận lợi hơn trong việc giảm thiểu các biện pháp trừng phạt và giảm căng thẳng với Moscow, tăng cường hợp tác trong vấn đề Syria. Nga sẽ tiếp tục tăng cường phòng thủ và tạo ảnh hưởng trên nhiều vấn đề, từ phòng thủ mạng tới Trung Đông. Về phía Mỹ, nước này cũng sẽ tiếp tục tìm cách kiềm chế sự bành trướng của Nga.

Là một phần của chiến lược này, Nga sẽ tiếp tục đóng vai trò người kiến tạo hòa bình ở Trung Đông. Trong khi một dàn xếp hòa bình ở Syria là điều vẫn chưa đoán định được thì Nga chắc chắn sẽ giữ quan hệ gần gũi với Tehran trong lúc quan hệ Mỹ - Iran đang xấu đi. Thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ bị thách thức trên một số mặt trận khi Iran bước vào năm bầu cử và chính phủ mới của Mỹ cũng có cách tiếp cận cứng rắn hơn trong vấn đề Iran. Dù vậy nhưng lợi ích chung vẫn sẽ là yếu tố giữ hiệu lực của khuôn khổ thỏa thuận này và sẽ khuyến khích các bên tránh những xung đột ở những nơi như Eo biển Hormuz.

Al Qaeda phát triển trở lại

Sự cạnh tranh giữa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong khi đó sẽ leo thang ở miền Bắc Syria và phía Bắc Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tập trung vào thiết lập ảnh hưởng và kiềm chế những phần tử ly khai người Kurd trong khi Iran sẽ cố bảo vệ ảnh hưởng của nước này. Trong bối cảnh các chiến dịch quân sự sẽ làm suy giảm nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) vào năm 2017, các nước trong khu vực sẽ tăng cường các nỗ lực để bảo vệ lãnh thổ và nguồn lực. Về phía IS, khi bị suy yếu về các hoạt động quân sự, chúng sẽ triển khai chiến dịch khủng bố và khuyến khích các vụ tấn công ở nước ngoài.

IS sẽ không phải là nhóm thánh chiến duy nhất cần để tâm. Bởi, trong khi thế giới đổ dồn chú ý vào tổ chức này trong thời gian qua thì al Qaeda cũng đang âm thầm xây dựng lực lượng ở các nơi như Bắc Phi, bán đảo Ả rập và nhóm này nhiều khả năng sẽ hoạt động tích cực hơn trong năm 2017.

Giá dầu sẽ phục hồi

Giá dầu thô sẽ phục hồi nhẹ trong năm 2017, một phần là nhờ thỏa thuận đạt được giữa phần lớn các nhà sản xuất dầu trên thế giới. Tốc độ sản xuất dầu từ đá phiến ở Bắc Mỹ sẽ là yếu tố chính ảnh hưởng đến chính sách tăng cường cắt giảm sản lượng trong năm nay của Ả rập Xê-út. Dù các nhà sản xuất dầu ở khu vực Bắc Mỹ sẽ phải mất một thời gian mới có thể bắt kịp với việc phục hồi giá và tăng sản lượng nhưng Ả rập Xê-út sẽ tích cực can thiệp vào thị trường thông qua sản lượng dầu cung ứng trong năm 2017 để đảm bảo cân bằng cho nền kinh tế của nước này.

Giá dầu cao hơn sẽ được các nhà sản xuất trên thế giới chào đón nhưng có thể sẽ là quá muộn với một số nước đang gặp khó khăn như Venezuela. Nguy cơ vỡ nợ đang hiện hữu và việc cắt giảm nhập khẩu các hàng hóa cơ bản đã đưa đến những bất ổn trong xã hội của nước này.

Tại các nước phát triển cũng sẽ có những thay đổi trong năm 2017, khi lạm phát quay trở lại. Điều này sẽ khiến các ngân hàng trung ương của các nước phải từ bỏ chính sách không theo quy ước và áp dụng các biện pháp để thắt chặt tiền tệ. Hiện tượng các ngân hàng trung ương bơm đầy tiền mặt ra thị trường sẽ chấm dứt. Gánh nặng sẽ rơi vào vai những quan chức chịu trách nhiệm soạn thảo chính sách tài khóa.

Việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở Mỹ và một đồng đô la mạnh sẽ làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu vào đầu năm 2017. Các nước bị ảnh hưởng nhất sẽ là các thị trường mới nổi có nợ bằng đồng USD lớn như Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Brazil, Colombia, Indonesia...

Tăng trưởng thương mại toàn cầu nhìn chung vẫn khó khăn nhưng những nước phụ thuộc vào xuất khẩu như Trung Quốc hay Mexico sẽ vẫn có thêm động lực để bảo vệ quan hệ của họ với các nước cung cấp hàng hóa khác và cùng lúc tìm kiếm các thị trường bổ sung. Các thỏa thuận thương mại lớn sẽ tiếp tục được thay thế bằng những thỏa thuận nhỏ hơn, ít tham vọng hơn được thương lượng giữa các nước và các khối trên thế giới. Các thỏa thuận như Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có thể sẽ sụp đổ.

Song, sự thất vọng có thể sẽ không chỉ toàn là điềm gở. Tại Nhật Bản, chính phủ trong năm 2017 sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ để thực thi những cải cách quan trọng và thích ứng với dân số đang già đi của nước này. Tại Brazil và Ấn Độ, những nỗ lực để phơi bày và chống tham nhũng sẽ duy trì được đà hiện tại.

Ấn Độ trong năm qua cũng đã có bước đi đầy tham vọng khi bắt đầu phi tiền tệ hóa. Con đường mà nước này sẽ phải đi trong năm 2017 sẽ rất khó khăn nhưng Ấn Độ sẽ là một trường hợp nghiên cứu quan trọng để các nước, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, quan sát về tính hiệu quả và hợp pháp hóa những lợi ích của một nền kinh tế không tiền mặt cũng như viện dẫn đến công nghệ để phục vụ mục tiêu này.

Baophapluat.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Al Qaeda , Khủng bố Al Qaeda , Khủng bố